Lào Cai 23° - 26°
Những giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa gia đình các dân tộc Lào Cai
1. Bức tranh chung về văn hóa gia đình các dân tộc Lào Cai Là tỉnh miền núi vùng cao, Lào Cai có 25 thành phần dân tộc anh em cùng chung sống xen kẽ, đoàn kết bên nhau và cư trú tập trung theo khu dân cư gồm: thôn (bản, xóm, làng), tổ dân phố. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố, tính đến hết năm 2015, các dân tộc Lào Cai có 151.808 hộ gia đình. Gia đình các dân tộc Lào Cai gồm nhiều thành phần khác nhau: gia đình công chức, viên chức, công nhân lao động; gia đình nông dân, gia đình chiến sĩ lực lượng vũ trang, gia đình hưu trí, gia đình thương nhân – dịch vụ,… trong đó, gia đình nông dân chiếm số đông trên 60% tổng số gia đình toàn tỉnh.

Gia đình các dân tộc Lào Cai dù bất kể thành phần nào cũng đều là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hình thành (một số ít do quan hệ nuôi dưỡng) làm phát sinh các quyền lợi và nghĩa vụ với nhau. Các thành viên trong gia đình cũng đều có mối quan hệ ràng buộc có tính pháp lý được nhà nước thừa nhận, bảo vệ (giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, lý lịch con cháu, sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…).

Dù khác nhau về thành phần dân tộc, tầng lớp xã hội và địa bàn cư trú song gia đình các dân tộc Lào Cai đều có một bức tranh chung tương đồng về văn hóa gia đình đó là đều cùng có vị trí và thực hiện các chức năng, vai trò của gia đình đối với các thành viên mỗi gia đình và cộng đồng, xã hội.

Các dân tộc thiểu số Lào Cai còn có mối quan hệ dòng họ trong từng tộc người, cùng dòng họ với dân tộc khác nên gia đình các dân tộc Lào Cai không chỉ có vị trí là tế bào chung của xã hội mà còn là tế bào của mỗi dòng họ tộc người; tế bào cùng dòng họ của các dân tộc khác (gia đình họ Vàng người Nùng cũng có thể là thành viên gia đình họ Vàng người HMông, người Giáy nếu đã kết nghĩa anh em cùng họ hoặc kết nghĩa thông gia cùng tuổi).

Gia đình các dân tộc Lào Cai đều thực hiện các chức năng chung đó là: sản xuất con người để duy trì nòi giống cho gia đình và nguồn nhân lực cho xã hội; sản xuất kinh tế đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao cho gia đình và đóng góp cho xã hội; nuôi dưỡng, giáo dục hình thành nhân cách con người cho con cháu các thế hệ thành viên mới tiếp theo trong gia đình; thỏa mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên.

Với các chức năng như vậy, gia đình các dân tộc Lào Cai có vai trò to lớn đối với các thành viên trong gia đình và cộng đồng, xã hội. Đối với các thành viên trong gia đình, gia đình có vai trò là yếu tố quyết định trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em; chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi; thực hiện an sinh xã hội và phát triển kinh tế, đảm bảo duy trì và phát triển đời sống gia đình,… Còn đối với cộng đồng và xã hội, gia đình có nhiều vai trò quan trọng gồm: giáo dục các thành viên thực hiện tốt các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước; bảo tồn, kết thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người, địa phương; thực hiện trật tự an toàn xã hội và phòng chống tệ nạn xã hội; thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp với nhà trường và các tổ chức xã hội giáo dục con cháu trở thành công dân có ích cho xã hội;…

Qua đó chúng ta thấy, từ xa xưa gia đình các dân tộc đã có một nếp sống, truyền thống văn hóa gia đình gồm những giá trị, chuẩn mực, cách ứng xử điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình và gia đình với xã hội được thể hiện như là truyền thống gia đình, dòng họ do các gia đình xây dựng nên giá trị chuẩn mực trở thành nếp nhà – một trong những lĩnh vực cơ bản của văn hóa. Văn hóa gia đình được xây dựng bao gồm nhiều nội dung sâu sắc, trong đó trọng tâm là: bảo tồn và phát triển nòi giống, giáo dục trong gia đình, ứng xử và ứng xử văn hóa trong gia đình. Vì vậy, văn hóa gia đình có nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp cần phát trong từng giai đoạn lịch sử xã hội khác nhau.

2. Những giá trị văn hóa tốt đẹp trong gia đình

2.1. Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình

* Giá trị đạo đức của gia đình: Ở các gia đình truyền thống bất kể thành phần các dân tộc, tầng lớp trong xã hội đều coi trọng đạo đức. Đạo đức là cốt lõi của cuộc sống gia đình. Ngoài các thuật ngữ riêng của từng tộc người, gia đình các dân tộc Lào Cai sử dụng một thuật ngữ chung là “Tảo tờ - Đạo đức” để đánh giá phẩm hạnh của mỗi con người, mỗi gia đình (đạo lý – đức hạnh – lẽ phải). Đạo đức được thấm nhuần sâu rộng trong mỗi thành viên gia đình nhất là các bậc ông bà, cha mẹ đến con cái trưởng thành, tạo nên nếp sống có tôn ti trật tự “kính trên nhường dưới”, coi trọng tình nghĩa, hiếu khách tạo cho mỗi gia đình các dân tộc nói chung một cuộc sống tình cảm, ấm êm. Nó được biểu hiện ở chỗ tình nghĩa vợ chồng thủy chung, thương yêu gắn bó suốt đời; sự yêu thương và đức hy sinh cao cả của cha mẹ với con cái; sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; sự gắn bó, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các anh chị em ruột thịt trong nhà, hàng xóm, họ mạc.

* Giá trị giáo dục của gia đình: Đây là giá trị cơ bản góp phần nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, tạo dựng giá trị văn hóa cho mỗi con người từ nhỏ (Dạy con từ thuở còn thơ). Thông qua các phương thức giáo dục tổng hợp với nhiều nội dung, phương pháp khác nhau (giáo dục trực tiếp thông qua các hoạt động cụ thể như ăn uống, sinh hoạt, lao động và giáo dục gián tiếp thông qua các lời khuyên răn, dạy bảo; bài hát, ca dao, đồng dao, tục ngữ, trò chơi, hành vi người lớn,…) là giáo dục con cái làm người sẽ tạo lập những tiền đề cơ bản trong việc hình thành đạo đức, tình thương yêu, trách nhiệm, kỹ năng sống và nghị lực của mỗi con người. Vì vậy, Bác Hồ đã cho rằng: trong giáo dục, nếu thiếu sự giáo dục gia đình hoặc giáo dục gia đình không phù hợp sẽ hạn chế nhiều đến kết quả giáo dục.

* Giáo dục tâm lý, tình cảm gia đình: Trong chu kỳ đời sống mỗi con người, gia đình bao giờ cũng là tổ ấm của mọi thành viên. Đây là nơi mỗi con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lên lão và từ giã cõi đời hoặc tạo lập một gia đình mới cho các thế hệ con cháu kế tiếp theo chu kỳ đời người. Dù ở môi trường cuộc sống thuộc thành phần xã hội nào, không gian cư trú nào thì ở mỗi gia đình trong đó mọi thành viên từ già đến trẻ, nam đến nữ, khỏe mạnh hay ốm đau đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc, chở che, nương tựa, giúp đỡ, chỉ bảo, chia sẻ từ khi lọt lòng đến khi nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi sống cùng tiên tổ. Gia đình là nơi mỗi thành viên hoàn toàn yên tâm nghỉ ngơi, dưỡng hồi sức khỏe, ổn định tư tưởng, tinh thần.

* Giá trị ý thức cộng đồng của gia đình: Gia đình không chỉ là tế bào mà còn là một cộng đồng, một hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Do đó, từ sinh hoạt đời sống gia đình đã tạo dựng ý thức cộng đồng qua mối quan hệ tình cảm của mỗi thành viên. Từ mối quan hệ tình cảm gia đình và ý thức cộng đồng làm cho các thành viên từng lứa tuổi, giới tính hòa nhập vào đời sống sinh hoạt cộng đồng làng xã và xã hội (Làng – Nước) tạo nên tình cảm và ý thức cộng đồng được thể hiện bằng sự quan tâm, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn và thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người đối với mọi người, cộng đồng,…

2.2. Giá trị văn hóa hiện đại tốt đẹp trong gia đình

Bước sang thời kỳ hiện đại do nhiều sự biến đổi, tác động của xã hội, gia đình Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng có nhiều biến đổi sâu sắc: từ gia đình truyền thống đa thế hệ chuyển sang gia đình hạt nhân là chủ yếu, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm, tuổi thọ trung bình người dân ngày càng nâng cao. Nhờ thực hiện hệ thống nhiều chính sách pháp luật làm cho mối quan hệ các thành viên trong gia đình ngày càng dân chủ, bình đẳng và tự do. Thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình làm cho vị thế, vai trò người phụ nữ được đề cao và phát huy trong đời sống gia đình. Các chức năng, vai trò của đình được củng cố, phát triển và biến đổi phù hợp với xã hội. Kế thừa giá trị văn hóa truyền thống, thời hiện đại gia đình có nhiều giá trị văn hóa hiện đại tốt đẹp mới, cụ thể là:

* Giá trị tự do dân chủ: Đây là giá trị góp phần làm thay đổi các mối quan hệ trong gia đình; làm phát sinh, phát triển những tình cảm tốt đẹp mới, phát huy được tính năng động, sáng tạo, tự chủ dám nghĩ, dám làm và nghị lực vươn lên của các thành viên nhất là phụ nữ và thế hệ trẻ.

* Giá trị bình đẳng, công bằng: Nhờ thực hiện pháp luật đã tạo lập sự bình đẳng, trọng tâm là bình đẳng giới, tạo cơ hội khai thác, phát huy, phát triển những tiềm năng sáng tạo cho phụ nữ trong gia đình. Các thành viên trong gia đình sống bình đẳng, chan hòa, không bị phân biệt đối xử trong vị thế, vai trò, trách nhiệm và hưởng thụ những thành quả lao động, sáng tạo của mình.

* Giá trị tuân thủ pháp luật, ý thức công dân: Việc sống, làm việc theo pháp luật là trách nhiệm xã hội và là nghĩa vụ của mỗi công dân, giúp cho mỗi công dân đủ bản lĩnh chính trị tích cực chủ động tham gia vào mọi sinh hoạt đời sống xã hội hiện đại. Công dân nào cũng đều là thành viên của mỗi gia đình, mọi ý thức pháp luật của các thành viên trong gia đình thời hiện đại đều hình thành ý thức pháp luật của công dân với tư cách là thành viên, là chủ nhân của xã hội.

3. Bên cạnh những giá trị văn hóa tốt đẹp, văn hóa gia đình cũng tồn tại nhiều giá trị lỗi thời, lạc hậu cần loại bỏ.

Văn hóa gia đình, cộng đồng làng bản và văn hóa xã hội thuộc hình thái ý thức xã hội được hình thành cùng với sự ra đời, tồn tại và phát triển của xã hội loài người nói chung, mỗi tộc người, làng bản, gia đình nói riêng nên mang tính lịch sử. Do hình thành trong một quá trình nên văn hóa gia đình biến đổi, mang tính bảo thủ, cố hữu. Khi xã hội phát triển với nhiều biến đổi sâu sắc, bên cạnh những giá trị văn hóa hiện đại tốt đẹp, văn hóa trong gia đình cũng tồn tại nhiều giá trị lỗi thời, lạc hậu không phù hợp cần phải loại bỏ, điển hình là:

- Tư tưởng định kiến giới, trọng nam khinh nữ (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô; hoặc Con gái là con người ta,…), trói buộc phụ nữ bởi nguyên tắc đạo đức phong kiến “Tam tòng – Tứ đức”.

- Đề cao chủ nghĩa đa thê của nam giới, coi trinh tiết của phụ nữ hơn sinh mệnh, tình yêu, hạnh phúc trước khi hôn nhân gia đình.

- Quan điểm coi “Anh em như tay chân, vợ chồng như quần áo” là một trong những nguyên nhân tư tưởng văn hóa dẫn đến tình trạng ly hôn vợ chồng.

- Bất bình đẳng giới trong gia đình là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình dưới nhiều hình thức, làm cho hạnh phúc gia đình tan vỡ, bất hạnh,…

Xác định phân biệt như vậy để chúng ta phát huy những giá trị tốt đẹp, loại bỏ những giá trị lỗi thời, lạc hậu trong văn hóa gia đình với nhiều biện pháp khác nhau nhằm góp phần xây dựng mỗi gia đình ngày càng no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

Ths. Vàng Thung Chúng

1 2 3 4 5 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập