Lào Cai 25° - 27°
Tết cơm mới và sự tôn vinh cây lúa của các dân tộc thiểu số Lào Cai
Nghi lễ ăn cơm mới hay còn gọi là tết cơm mới – nghi lễ này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống các nghi lễ nông nghiệp mà còn thể hiện một giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện sự tôn vinh cây lúa trong đời sống sản xuất và văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số Lào Cai nói riêng.

 Thời gian tổ chức nghi lễ này thường bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 9 âm lịch hàng năm. Trước đây, các dân tộc thường tổ chức lễ tết này vào ngày cố định như ngày tuất tháng 9 hay một ngày đẹp trong tháng 9. Hiện nay, tết cơm mới không còn được tổ chức thống nhất nữa mà các gia đình hay cộng đồng làng bản thường thống nhất chọn một ngày đẹp đầu vụ thu hoạch lúa để làm ngày tổ chức lễ tết. Bởi vậy, một ý nghĩa quan trọng khác của tết cơm mới còn là sự mừng thu hoạch, tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động tốt đẹp nhất lên các vị thần thánh cùng gia tiên, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.

Nghi lễ quan trọng nhất trong tết cơm mới của các dân tộc là nghi lễ đón hồn lúa mới hay rước hồn lúa mới về nhà. Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh và sự trân trọng giá trị của cây lúa trong đời sống sản xuất và sinh hoạt, các dân tộc thiểu số ở đây đã “thiêng hóa” hình ảnh cây lúa trong tâm thức tín ngưỡng tộc người, họ đều cho rằng cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy,  trong mỗi khi tổ chức tết cơm mới mỗi gia đình phải đi rước “hồn lúa mới” từ cánh đồng, nương rẫy về nhà. Thậm chí, hình tượng cây lúa và “hồn lúa” trong tâm thức của nhiều dân tộc còn mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa tộc người, như người Dao Tuyển không chỉ tin vào sự tồn tại của “hồn lúa” mà còn cho rằng lúa có lúa đực “plàu cỏng”, lúa cái “plàu nhảy” và lúa con “plàu xây”.

Nghi lễ rước “hồn lúa” về nhà trong từng dân tộc đều có sự tương đồng và khác biệt nhưng đều thể hiện một thế giới quan, tín ngưỡng nông nghiệp của các tộc người. Người Nùng Dín (Mường Khương, Bắc Hà) thường gọi tết cơm mới là“Chinw chinhw khau mẩư”. Họ thường thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa” rất sớm từ trước khi khi tổ chức bữa tết hàng tuần, lúc đó người phụ nữ trong gia đình sẽ ra ruộng lúa tỉa những bông to trĩu hạt vừa chín độ 7 – 8 bó lúa đem về phơi khô. Sau đó tách ra 16 bông to nhất buộc thành hai túm treo lên vách hai đầu bàn thờ. Còn lại đem đập (tuốt) rồi giã thành gạo để nấu cơm mới trong bữa tết. Người Xá Phó lại thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa” về nhà vào lúc sáng sớm ngày tết cơm mới, người vợ chủ gia đình sẽ dậy sớm hơn mọi khi, mặc bộ quần áo mới lặng lẽ đi ra nương gặt lúa, họ kiêng để cho người khác biết và đặc biệt là kiêng gặp người cùng làng trên đường đi. Nếu thấy ai thì họ thường phải tránh, bởi họ cho rằng nghi thức đón hồn lúa về nhà phải diễn ra một cách bí mật. Khi gặt lúa, mặt phải quay về hướng đông với ý nghĩa của sự sinh sôi nảy nở. Đến sáng hôm sau, họ mới mang những cum lúa mới xuống tuốt, giã thành gạo nấu cơm mới để cúng tổ tiên. Người Dao Tuyển Lào Cai lại thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa” trước một ngày tổ chức tết cơm mới, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ mang cọc giữ hồn lúa “trỏ plàu nha” lên nương cùng hai người con gái, khi đến nương, người mẹ đi vòng quanh nương lúa, ở mỗi góc bà hái một bông, sau đó bà đi vào giữa đứng quay về hướng mặt trời mọc. Bà cắm cây cọc xuống đất giữa nương và buộc mấy bông lúa vừa hái vào cọc nhằm giữ hồn lúa ở lại nương. Tiếp theo bà gặt các cây lúa xung quanh cọc từ trái qua phải và buộc lại trao cho hai cô gái mang về giã cốm.

Tuy cách thức thực hiện nghi lễ có chút khác biệt song có thể thấy rõ điểm tương đồng trong văn hóa các tộc người thiểu số ở đây, đó là chủ thể thực hiện nghi lễ rước “hồn lúa mới” chủ yếu là người phụ nữ, người vợ của gia chủ mang ý nghĩa tượng trưng cho “mẹ lúa” thì mới có thể mang “hồn lúa” về nhà; mục đích chung nhất của nghi lễ này là mang những cum lúa mới có “hồn lúa mới” từ trên nương, ruộng của gia đình về nhà. Đây sẽ là thành quả lao động tốt đẹp nhất, lễ vật thành kính nhất mỗi gia đình phải chuẩn bị để dâng lên các vị thần thánh và tổ tiên trong ngày tết cơm mới…

Sau khi đã rước “hồn lúa” về nhà, các gia đình đều chuẩn bị cho lễ cúng cơm mới chính thức. Lễ vật trong mâm cúng của các gia đình rất phong phú và đa dạng, là thức ăn được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi và trồng cấy,  như các loại thịt (thịt gà, thịt lợn, thịt cá…) đến các loại rau, quả, củ thực phẩm, bánh trái… Tuy nhiên, lễ vật quan trọng nhất không thể thiếu được trong mâm cúng này là sản phẩm được làm từ những bông lúa mới được lấy từ ruộng về trong nghi lễ rước hồn lúa. Mỗi dân tộc lại có cách thức chế biến khác nhau tạo nên sự phong phú và đa dạng. Một số dân tộc như  người Nùng Dín, người Xá Phó,… giã gạo mới đồ cơm để dâng cúng tổ tiên, có thể hoàn toàn là cơm mới hoặc nếu không đủ có thể trộn thêm một ít gạo cũ. Một số dân tộc khác lại dùng thóc nếp mới làm cốm và khẩu rang (Người Tày, Bắc Hà; người Dao Tuyển,…) để dâng cúng tổ tiên hay chế biến gạo mới thành bánh dẹt “cờ mau dặp” và bánh tròn “cờ mau che” ở người Dao Tuyển Lào Cai .

Việc thực hiện nghi thức cúng lễ cơm mới của các dân tộc có sự khác biệt khá rõ và thể hiện những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc tộc người. Người Nùng Dín (Mường Khương) khi cúng cơm mới, mâm lễ được đặt tại bàn trước bàn thờ gia tiên. Ngoài ra, các bàn thờ khác (thổ địa, bà mụ, cô hồn) cũng được chia phần thức ăn cúng cùng nhưng không cần đầy đủ các món ăn trong mâm cúng gia tiên và do gia chủ khấn lễ. Người Xá Phó Lào Cai lại bày hai mâm lễ, một mâm cúng ma nhà được đặt ở mép cửa và một mâm cúng trời đất được đặt ở ngoài sàn. Ngoài ra, họ còn treo một bộ quần áo mới cùng khăn, các đồ trang sức, vòng bạc... gần đó. Người thực hiện nghi lễ cúng cơm mới là thầy cúng trong bộ trang phục truyền thống của tộc người, tiếp đó là đến nghi thức trao lộc cho anh em về dự lễ. Thầy cúng “Sa man” của người Dao Tuyển lại mời và ngênh đón các vị thần, làm lễ tạ ơn “ay pau ẳn” các vị thần nhà “pdàu man”, thần nông “rằn nòng man”, thần thổ địa “tây man” đã giúp đỡ cho được một năm được mùa, hồn lúa giờ đây được về đầy đủ và đem theo nhiều hồn lúa con cháu...  Sự đa dạng trong cách thức thực hiện lễ cúng cơm mới không chỉ thể hiện nét độc đáo trong nền văn hóa truyền thống các dân tộc Lào Cai mà góp phần xây dựng một bức tranh văn hóa nhiều màu sắc của các dân tộc thiểu số Lào Cai.

Mặt khác, tết cơm mới của các dân tộc thiểu số Lào Cai không chỉ là một nghi lễ quan trọng trong nông nghiệp mà còn là ngày hội mừng mùa thu hoạch mới. Sau khi thực hiện nghi thức cúng lễ, gia chủ sẽ bày các mâm cỗ mời anh em họ mạc, hàng xóm láng giềng ngồi cùng nhau ăn uống, nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thậm chí là tổ chức múa hát vui vẻ. Thậm chí, ở nhiều dân tộc, tết cơm mới còn là dịp hò hẹn của các chàng trai cô gái tìm đến nhau, hiểu nhau hơn thông qua sinh hoạt giã cốm và hát giao duyên, nhất là người Dao Tuyển , người Giáy… Đặc biệt, ở Tả Van - Sa Pa cùng với việc phát triển hoạt động du lịch cộng đồng của người Giáy, tết cơm mới đã được nâng lên trở thành lễ hội cốm rất náo nức của vùng, hàng năm vào ngày hội này thu hút được rất nhiều khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu và cúng đồng bào.

Tết cơm mới là một lễ tết tiêu biểu trong hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của các dân tộc thiểu số Lào Cai. Đây không chỉ làm một phong tục văn hóa độc đáo mà còn thể hiện một tâm thức, tín ngưỡng về cây nông nghiệp quan trọng nhất trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của các tộc người – cây lúa. Từ nét văn hóa tín ngưỡng ấy, tết cơm mới thể hiện sự trân trọng giá trị cây lúa và hơn hết là sự tôn vinh cây lúa trong đời sống văn hóa tín ngưỡng cũng như đời sống vật chất của các dân tộc thiểu số Lào Cai.

Vàng Thị Nga

1 2 3 4 5 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập