Lào Cai 25° - 28°
Đôi điều về vai trò người phụ nữ trong đời sống gia đình hiện nay
Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống gia đình. Người Việt Nam có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhằm đề cao vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững. Và để khẳng định vai trò của người phụ nữ, người ta lấy gia đình – tế bào của xã hội để đánh giá bởi gia đình là nơi người phụ nữ thể hiện, thực hiện được những chức năng của mình. Không chỉ là nhân vật trung tâm của tổ ấm gia đình, thực hiện thiên chức làm mẹ,  làm vợ,  người phụ nữ còn là người đồng hành với người đàn ông để xây dựng, duy trì hạnh phúc gia đình.

Trước hết với vai trò làm vợ, làm mẹ: Đây là một trong những thiên chức của phụ nữ. Nhiều người cho rằng đây là điều tự nhiên, chẳng phải học hành, cố gắng gì cả. Song thực tế không hẳn vậy. Làm vợ là thiên chức là thuộc tính của phụ nữ nhưng vẫn phải có sự chuẩn bị, cố gắng mới làm tròn trọng trách này. Là người vợ, người phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình, hay nói cách khác họ là người giữ lửa cho gia đình lúc nào cũng tràn đầy ấm áp, yêu thương. Vai trò làm vợ trước rồi nảy sinh vai trò làm mẹ. Khi đứa con ra đời, người phụ nữ bước sang giai đoạn mới của cuộc sống. Người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình. Những đứa con từ khi mới sinh ra đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi bên mẹ nên thường là chịu ảnh hưởng từ người mẹ hơn từ cha, phẩm chất đạo đức, nhân cách của người mẹ đã tác động ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành thể lực, trí lực, phẩm chất, nhân cách của đứa con.

Tiếp đến phụ nữ là người sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình. Tuy ngày nay tỷ lệ phụ nữ tham gia công việc xã hội ngày càng nhiều và thành công không kém nam giới, nhưng nhìn chung công việc nội trợ vẫn chủ yếu do phụ nữ đảm trách. Người phụ nữ đã sắp xếp, tổ chức gia đình theo suy nghĩ, nhận thức và tính năng động của mình. Trước yêu cầu ngày càng cao trong cuộc sống, đòi hỏi người phụ nữ cần có kế hoạch sắp xếp tổ chức cuộc sống gia đình sao cho chu toàn hơn để các thành viên trong gia đình có đủ sức khỏe để học tập và công tác tốt.

Ngày trước, dân ta thường theo quan niệm người chồng là “trụ cột” trong gia đình. Tuy nhiên, ngày nay quan niệm đó đã thay đổi. Người phụ nữ trở thành là “trụ cột” thứ hai trong gia đình, cùng với nam giới chia sẻ trách nhiệm kinh tế, tổ chức tốt cuộc sống vật chất cho gia đình. Để tạo dựng một gia đình no ấm, hòa thuận thì mọi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm đóng góp công sức, nhưng người phụ nữ phải là người khéo léo sắp xếp để làm sao tất cả mọi người trong gia đình đều thấy được trách nhiệm của mình tham gia lao động tạo thu nhập đối với gia đình; đồng thời chi tiêu một cách hợp lý phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của gia đình và xã hội.

Một trong những nhiệm vụ to lớn nữa mà người phụ nữ phải gánh vác đấy là giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của gia đình, đồng thời tiếp thu và sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, góp phần xây dựng văn hóa gia đình. Vừa là người giáo dục con cái các chuẩn mực đạo đức, hướng dẫn con cái thực hiện các qui tắc ứng xử trong gia đình: kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ; thương yêu, đùm bọc, chăm sóc lẫn nhau…người phụ nữ cùng là người giữ gìn, tái tạo và sáng tạo các làn điệu dân ca, các câu ca dao, tục ngữ, các bài hát, bài thơ qua những lời ru, tiếng hát mà người mẹ, người bà trong gia đình truyền lại cho con cháu, đem lại cho con cháu tình yêu thương và những bài học về đạo lí làm người.

Trong thời đại hiện nay, người phụ nữ ngoài việc thực hiện trọn thiên chức, vai trò, trách nhiệm của mình, còn không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành người có trình độ. Họ không ngừng trau dồi khả năng và không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị rất cao trong mọi lĩnh vực. Trong gia đình nói riêng và xã hội nói chung, họ luôn phấn đấu cho sự bình quyền và vai trò của mình. Và như thế phụ nữ đã và đang trở thành một nguồn nhân lực giá trị trong xã hội chẳng kém gì nam giới.

Để phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, cùng với những nỗ lực của chính bản thân, chị em phụ nữ  rất cần được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi phụ nữ cần tích cực học tập, rèn luyện các phẩm chất đạo đức của phụ nữ việt nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Mặt khác, các thành viên trong gia đình và xã hội cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, từng bước  nâng cao vị thế của bản thân cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Thanh Nhàn

1 2 3 4 5 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập