Lào Cai 25° - 26°
Tết nhảy của người Dao Đỏ ở Tả Phìn Sa Pa Lào Cai
Ngày xuân, các bản người Dao Đỏ ở Tả Phìn - Sa Pa đều trắng màu hoa mận, thắm sắc đào. Hoa nở bừng rực rỡ, ngày náo nức niềm vui đón chờ ngày Tết. Người Dao Tả Phìn chuẩn bị đón tết khá công phu. Trước hết nam thanh niên ôn luyện các điệu múa cổ truyền, các thiếu nữ lo nhuộm chàm, thêu áo mới cho chồng con đi chơi Tết. Tết nhảy sẽ diễn ra ở nhà ông trưởng họ, nên các thành viên trong họ đều tấp nập giúp trưởng họ chuẩn bị Tết.
Bàn thờ tổ tiên "Chụ Chông" được đặt ở gian giữa hướng về bếp chính được trang trí đẹp, rực rỡ sắc màu hoa văn, cửa bàn thờ dán tranh cắt giấy biểu tượng mào gà trống và Tam Thanh. Trên bàn thờ phía trước nổi bật sắc đỏ rực của hoa văn "Mặt trời". Hai bên bàn thờ đều dán câu đối trên giấy hồng điều với nội dung cầu mong "Người yên vật thịnh", "Uống nước nhớ nguồn".
Sáng sớm ngày mồng một, khi sương đêm vẫn còn đọng trên cành lá, những bông hoa đào, hoa mận chưa kịp đón ánh nắng mặt trời, cả gia đình từ ông trưởng họ đến đứa trẻ mới lên năm đều tề tựu quanh bàn thờ. Sau khi làm lễ báo tổ tiên, cả gia đình người cầm dao, người cầm cuốc và ra cửa chính, vượt khỏi khuôn viên, đến trước cây đào (hoặc cây mận) gia chủ vung dao giận dữ nói với cây: "Mày là cây đào được người vun trồng chăm sóc, sao mày không sinh hoa, sinh quả, bây giờ tao phải chặt mày đi", dứt lời gia chủ dứ dứ con dao vào gốc cây. Mọi người cùng đi vội vàng van nài…: "Tôi xin ông, lạy ông đừng chặt tôi, năm nay thế nào tôi cũng đẻ hoa, đẻ quả".

Gia chủ hạ giọng: "Ờ ờ, ta tha cho, nhưng mày phải đẻ nhé" và ông chủ lấy cuộc xới đất vun trồng gốc cây, đồng thời ông cũng chặt một nhánh hoa về cắm ở bàn thờ tổ tiên, cắm lên cặp bánh dày dâng cúng. Những người cùng đi vội nhặt một số hòn đá ngoài khuôn viên về xếp dưới bàn thờ tổ. Đá ở ngoài khuôn viên là đá thường nhưng đem về xếp dưới chân bàn thờ đá bỗng trở thành vàng bạc "Nhàn chìn".

Khoảng cuối giờ Thìn, đầu giờ Tỵ ngày mùng một (hoặc mùng hai ) Tết, ba dòng họ lớn của người Dao Tả Phìn (họ Lý, họ Bàn, họ Triệu) tấp nập tổ chức tế nhảy ở gần bàn thờ nhà ông trưởng họ.

Một tốp thanh niên nam khoảng 6 đến 8 người đã được thầy dạy "sài cố"  những động tác một cách nhuần nhuyễn "chái peng pi" tổ chức múa 14 động tác diễn tả các nội dung: mở  đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự Tết. Điệu múa chào bố mẹ, tổ tiên nhảy bằng một bàn chân phải làm trụ, chấn trái co vuông góc, đầu cúi nhìn xuống đất, ngón tay trỏ giơ lên cao; Điệu múa mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần, được diễn tả bằng múa cò "pẹ họ". Điệu múa mô phỏng chim “pi poong” hai tay dang rộng vẫy nhịp nhàng; Điệu múa mời tổ sư thầy cả về dự tết diễn tả kiểu đi của con Hổ “Mùng hú”... Mỗi điệu múa đều có nội dung, biểu tượng diễn tả cảnh giới, thiên thần, tổ tiên về hạ giới dự tết cùng con cháu. Cuộc nhảy múa diễn ra rất náo nhiệt, phong phú. Kèn tù và, chiêng trống được phô diễn theo tiết tấu từng cảnh lúc to lúc nhỏ.

Kết thúc, các khuôn múa ông khói tàu “thầy dạy” điệu múa mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ làm lễ rước tượng tổ tiên “tượng ông tiên gần”, “tượng ông thái tổ” và các tổ tiên chín đời. Tượng tổ tiên còn lại là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Dao đỏ. Tượng được khắc bằng gố “Tống quá sủi” chạm trổ rất đẹp với nét hoa văn trang phục thời cổ xưa, tượng dài khoảng 25-30 cm, đường kính thân 6-7 cm, bàn tay phải của tượng có cầm thẻ bài ghi rõ tên ông tổ.

Ngày bình thường  trong năm, tượng được bọc kín bằng vải vàng. Ngày Tết, con cháu rước tượng xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm cho tượng cũng làm từ lá thơm qua một quy trình chưng cất nghiêm ngặt, thể hiện đậm nét văn hóa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Sau lễ tắm gội cho tượng tổ tiên, con cháu tổ chức các điệu nhảy dâng gà, xôi và lễ vật. Thầy cả và 3 thanh niên tay cầm con gà trống sống, nhảy theo điệu dâng gà, có động tác rước gà lên đầu, có động tác vác gà qua hai vai, rồi vừa nhảy múa vừa vặt đầu gà làm thịt... Kết thúc là điệu nhảy múa cờ.

Tết nhảy của người Dao đỏ ở Tà Phìn diễn ra từ cuối giờ Thìn đến giờ Dậu với tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian. Đó là nghệ thuật nhảy múa đan xen với nghệ thuật âm nhạc. Múa là nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích dòng họ. Công lao tổ tiên, đó là nghệ thuật tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc, tượng gỗ…

                                                                                       






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập