Lào Cai 25° - 28°
Lào Cai được nhận Bằng UNESCO ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại
LCĐT - Lào Cai là 1 trong 4 tỉnh, thành phố được nhận Bằng UNESCO ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

Tối 2/11, tại Nhà hát tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ 10 và đón nhận bằng ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đến dự Ngày hội có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội… và ông Micheal Croft, Trưởng Ban đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Trao Bằng UNESCO ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện và nghệ nhân các tỉnh, thành phố.

Tại Ngày hội, Trưởng Ban đại diện UNESCO tại Việt Nam Micheal Croft và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trao Bằng UNESCO ghi danh nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và nghệ nhân 4 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội.

Đây là đầu tiên Việt Nam tham gia xây dựng một hồ sơ đa quốc gia với các nước Campuchia, Hàn Quốc, Philippines. Ngày 2/12/2015, tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, Cộng hòa Namibia, nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trò chơi kéo co luôn thu hút sự tham gia của cộng đồng.

Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam là một tập quán xã hội có tính nghi lễ với ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ở Lào Cai, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh vào dịp đầu xuân hằng năm thường tổ chức kéo co. Đối với người Tày, Giáy, khi tổ chức đều có phần nghi lễ, rồi mới tổ chức kéo co, vừa thể hiện sức khỏe dẻo dai, củng cố tinh thần đoàn kết, bảo vệ Tổ quốc…

Phát biểu chúc mừng Việt Nam có thêm một di sản được UNESCO ghi danh, Trưởng Ban đại diện UNESCO tại Việt Nam Micheal Croft khẳng định, kéo co là một thực hành văn hóa, một hình thức sinh hoạt cộng đồng đã có từ lâu đời và phổ biến ở các nước nông nghiệp trồng lúa nước ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, tiêu biểu là Hàn Quốc, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Ông Michael Croft cũng đánh giá cao giá trị văn hóa của di sản nghi lễ và trò chơi kéo co trong việc củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng, bảo vệ đất nước, cùng với đó là giá trị tín ngưỡng liên quan đến nghi lễ nông nghiệp, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu… Ông Michael Croft tin tưởng và ghi nhận, với kinh nghiệm mà Việt Nam đã có trong gìn giữ các giá trị di sản văn hóa, di sản nghi lễ và trò chơi kéo co sẽ cùng với các di sản khác của Việt Nam được bảo tồn, phát huy có hiệu quả, theo đúng cam kết với UNESCO, đó chính là sự tương tác nhân văn.

THANH NAM - NGỌC THANH





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập