Lào Cai 25° - 28°
Tăng cường công tác quản lý các di tích ở Lào Cai
CTTĐT - Thực hiện tốt công tác quản lý các di tích sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử ở địa phương, đồng thời góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 36 di tích đã được xếp hạng; trong đó, có 19 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh. Các di tích này phân bố ở trên địa bàn của 7 huyện và thành phố Lào Cai.

 

 Quang cảnh Lễ tế tại đền Ngòi Bo, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng. (Ảnh: Duy Trinh)

Để quản lý tốt các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Văn Thắng cho biết, ngành đã tích cực phối hợp với các địa phương chỉ đạo tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội gắn với di tích tại các dịp Lễ, Tết nguyên đán, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh và an toàn cho bảo tàng và di tích, chú trọng các biện pháp bảo đảm an toàn di tích trong tình hình mưa lũ, sạt lở đất, bảo vệ cổ vật và tài sản tại các di tích.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; Ban quản lý di tích trên địa bàn các huyện, thành phố đã di dời 127 hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam ra khỏi các di tích trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa đã tích cực tiến hành rà soát thống kê, dịch nghĩa hoành phi, câu đối chữ Nôm tại các di tích trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tính chính xác, đảm bảo sự tôn nghiêm của di tích và không gây nhầm lẫn cho du khách tham quan.

Đặc biệt, để bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia ruộng bậc thang Sa Pa, ngành Văn hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm và triển khai các giải pháp ngăn chặn các vi phạm xâm hại đến danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa như: cắm mốc giới ngoài thực địa khu vực bảo vệ di tích danh thắng; quy hoạch, bố trí xắp xếp dân cư trong khu vực bảo vệ I và II của di tích…

Là nơi hội tụ của 25 nhóm, ngành dân tộc cùng sinh sống nơi địa đầu Tổ Quốc, Lào Cai không những giàu bản sắc văn hóa dân tộc mà còn có truyền thống lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc, bởi vậy trong Cuộc vận động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, chỉ mới tổng kết đợt 1, Bảo tàng tỉnh đã nhận được 328 hiện vật do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hiến tặng. Điều đó đã làm phong phú thêm việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử ở địa phương.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong công tác quản lý các di tích trên địa bàn vẫn còn những khó khăn nhất định, đó là các di tích nằm rải rác trên địa bàn toàn tỉnh, có di tích ở những địa bàn đồi núi, giao thông không thuận lợi nên việc quản lý và nắm bắt thông tin từ cơ sở còn hạn chế; đối với những di tích cấp quốc gia rất cần có quy chế quản lý, bảo tồn và khai thác di tích thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh… Do đó, để công tác quản lý di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả rất cần ngành Văn hóa chủ động xây dựng và hoàn thiện một bước hệ thống cơ sở hạ tầng dữ liệu các di tích theo hướng hiện đại hóa, số hóa; nâng cao chất lượng công tác thông tin tư liệu di tích văn hóa, lịch sử đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, ngành Văn hóa tiếp tục tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ cơ sở về thực hiện quy trình tu bổ, tôn tạo di tích. Xây dựng quy chế quản lý các di tích theo hướng cụ thể, phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thủ tục hành chính về tu bổ tôn tạo di tích. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả các ban quản lý di tích; cần có cơ chế bồi dưỡng thù lao và đào tạo thêm cho người trông nom di tích, bởi người “thổi hồn” vào di tích là yếu tố rất quan trọng làm tăng sức sống cho di tích và thu hút khách tham quan./.

Hồng Minh





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập