Lào Cai 25° - 26°
Sắc đỏ trên trang phục người Dao Đỏ
Mỗi dân tộc có nhiều cách để thể hiện tình cảm cũng như cuộc sống riêng tư, người dân tộc Tày thì chủ yếu cái đẹp của họ khai thác chính là trang sức, những bộ xà tích bằng bạc được nổi trên bộ trang phục đen dài. Còn người Dao đỏ chúng ta nghiên cứu thì sao? Tìm hiểu về đời sống tự nhiên xã hội, đời sống văn hóa nghệ thuật, đời sống tâm linh tín ngưỡng của người Dao nói chung và người Dao đỏ ở Lào Cai nói riêng, chúng ta mới thấy giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo và đa dạng.

Trong khoảng không gian giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ điệp trùng, người Dao đỏ nơi đây cũng giống các nhóm Dao khác trong cộng đồng, họ thích trang trí cho các đồ vật có xung quang họ như chuôi dao có thể có thêm dây đeo có thêu các họa tiết… Mỗi một dân tộc đều có cách làm đẹp của riêng mình và có những vốn họa tiết riêng biệt, những tinh hoa của dân tộc  được chắt lọc qua nhiều thế hệ để rồi họ có bộ trang phục ưng ý nhất, hoàn thiện nhất.

Với hệ thống và mô típ hoa văn vô cùng phong phú, đa dạng, độc hữu, với lối bố cục chặt chẽ, họa tiết cách điệu cao đạt tới giá trị kinh điển không thể thay thể thêm bớt được, cách phối màu, phối trí kỳ lạ. Với sắc đỏ là chủ đạo và sự biến hóa kỳ diệu của những đường kỷ hà, đường thẳng xuyên suốt trên trang phục của nữ giới dân tộc Dao đỏ, họa tiết đỏ xuyên suốt trang phục từ mũ cho đến họa tiết trên nẹp, thắt lưng, trên cổ áo, tay áo, tà sau… Luôn luôn biến đổi, luôn sắp xếp khác biệt.

1. Trang trí trên khăn đội đầu của nữ giới Khăn đội đầu phụ nữ Dao đỏ có hai loại khác nhau, một loại khăn vuông đội đầu và một loại khăn dài để quấn.

Khăn vuông được nhìn thấy rõ ràng nhất là khăn chùm đầu phủ bên ngoài, được đánh dấu là dân tộc Dao đỏ ở đây. Chiếc khăn rộng với mục đích gấp làm nhiều vòng, đặc trưng của mỗi loại khăn giống nhau ở điểm chúng đều có màu đỏ, rộng khoảng  60cm, hình vuông, khi dùng thì được gấp thành hình tam giác. Có chiếc khăn được thùa rất nhiều đồng xu với các tua bông màu đỏ là các hạt nhựa đen trắng pha nhau. Có chiếc khăn thì lại rất đơn giản được ghép bởi mảnh khăn đỏ với viền trắng bao quanh như những chiếc khác nhưng không mang trên mình những tua bông đỏ, những chiếc khăn này nhỏ hơn, họ phục vụ cho những ngày bình thường, đi làm nương rẫy….Cách chùm khăn rất phức tạp đối với du khách nhưng thật ấn tượng với họ, bởi màu đỏ trong cái không khí lạnh này và chính bởi cái cấu trúc phức tạp đó nữa. Đó là mảng đỏ quan trọng nhất cũng như lớn nhất trong bộ trang phục.

Phần thứ 2 thường được dấu trong chiếc khăn đỏ lớn, được buộc trên phàn trán quấn ra sau đầu, kích thước thường là 150cm x 5cm, bản hẹp, hệ thống hoa văn chạy có nhịp điệu, phong phú và đa dạng.

Bố cục chia làm 2 phần là phần chính giữa và 2 đầu khăn được người phụ nữ Dao dùng kỹ thuật khâu thùa, ghép, thêu tạo đường viền nẹp, khâu túm gon thân và giữ chặt sợi len đảm bảo cho 2 đầu khăn luôn suông mềm không rối. phần kết nối 2 phần chính là những hạt cườm có màu đen, trắng hay vàng luồn vào nhau tạo thành mảng.

Phần đầu khăn là 9 tua rua làm bằng bông đũa màu đỏ với hệ thống hạt cườm phối trí nhịp nhàng đen – trắng – đen, theo các múi tua có biểu hiện tín ngưỡng dân gian, phụ nữ được coi có 9 vía thì mới được coi là người phụ nữ hoàn thiện. Hệ thống hoa văn thì không giống hệt nhau, tùy vào từng cách phối màu của mỗi người, có người thì thích gam lạnh như xanh thẫm, xanh lam, xanh chàm nhưng có người lại khác lại thích những màu ấm nóng như đỏ, cam, hồng. Họa tiết trang trí cũng vậy nhưng vẫn dựa trên tinh thần của dân tộc, cũng có lúc họ tự tìm ra những kiểu họa tiết mới phù hợp cho chiếc khăn của mình. Chi tiết của chúng gồm có mảng chính và mảng phụ. Những mảng chính họa tiết to hơn thường là hình cây, hình hoa ghép được xếp cân đối cũng có thể xếp so le chúng. Mảng phụ nhỏ hơn, chúng được xếp thẳng hàng, màu sắc thường được nhắc lại từ mảng chính, chúng thường là đường thẳng, đường zíc zắc được xếp xen kẽ những hình tròn nhỏ, hay các đường viền nhỏ màu đỏ hay vàng và hệ thống hoa rào màu trắng.

Bố cục của hệ thống mô típ hoa văn được thể hiện:

Hệ thống bông tua – mảng đỏ có viền trắng và xanh lục là đường diềm họa tiết hoa, họa tiết cây bách diệp, hoa xòe.

Phần thân khăn là đường diềm họa tiết dấu chân hổ màu đỏ và tráng thêm màu vàng xen kẽ.

Tất cả các mô típ hoa văn trang trí được cách điệu rất cao, phối với gam màu đỏ, đen, trắng, vàng thể hiện một số hình quen thuộc như hình kỷ hà, hình tam giác, hình quả trám. Tạo nên các hình hoa văn đặc trưng của người Dao đỏ, sắc màu được nhắc đi nhắc lại, đan xen hòa quyện tạo hiệu quả thẩm mỹ cho người đối diện. Ấn tượng mạnh vào thị giác là sắc đỏ chủ đạo được phối trí trên khăn mà các dân tộc khác không có.

Người Dao tiêu biểu nói trên dân địa phương gọi là Dao Sông Hồng, còn Dao chỉ đội khăn vòng quanh tạo thành khăn xếp là Dao Sông Chảy, là hai nhóm Dao đỏ tượng trưng trong bài viết này, cách trang trí hoa văn tương tự tạo nên bản sắc vừa chung vừa riêng cho từng nhóm. Khi chúng ta đang đi trong rừng gặp người Dao Đỏ từ dưới chân đồi đi lên thì hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong mắt ta chính là sắc đỏ của khăn đội đầu. Thật khó có thể quên vì nó có thể là dấu ấn của một vùng đất mà ta đã rất quen thuộc.

2. Trang trí trên áo dài (nữ giới): Được chia làm 2 phần, phần thân áo màu chàm xanh đen không có hoa văn được may cắt thông thường. Phần thứ hai các mảng hoa văn đơn lẻ: cổ áo, tay áo, vạt áo sau, các tua bông đũa khâu đính ở phần khép tà áo.

+ Phần thân áo: Phần thân áo của chiếc áo dài rất đặc biệt và khá quan trọng trong trang phục, 2 cánh tay đấu thẳng vào thân áo. Khi mặc sẽ chia ra 2 tà trước và sau, áo được cắt may đơn giản không quan tâm đến đường cong của cơ thể mà chỉ chú trọng đến chiều dài của hình thể. Vì là cắt may đều bằng tay chúng ta nhìn thấy có vẻ mộc mạc nhưng lại không phải là dễ dàng, những cô thiếu nữ thường được tập dượt thêu thùa may vá từ nhỏ nên thường những bộ trang phục trên người mình đều do bàn tay mình làm ra. Chính vì không may liền không cần cầu vai nên vừa dễ cắt, không phải vào tay áo nên càng dễ may. Hiện nay cũng có nhiều nhà tạo mẫu thời trang áp dụng cách này để làm phong phú thêm phong cách sáng tạo. Phần áo dài rất rộng nên khi mặc sẽ là hai tà áo đè chồng lên nhau và được cố định bằng dây lưng.

+ Phần họa tiết hoa văn đơn lẻ: Gồm có nẹp cổ áo bố cục từ dưới lên 3 lớp trang trí, 7 túm tua bông đũa hạt cườm đỏ và vàng, viền len đỏ to được kết hợp với đường diềm màu trắng, đôi khi đường diềm chính bao quát toàn phần cổ áo là màu trắng. Được xen kẽ các mảng họa tiết ô vuông, hay hình chữ nhật, hình ô vuông chữ thập, cổ áo được đính thêm những quả bông tròn sợi len đỏ, vàng, xanh lục. Cách trang trí của họ rất phong phú, khó có thể biết được họ sẽ tô điểm những gì lên trang phục của họ. Có khi là những ô vuông được xếp theo đường thẳng từ trên xuống có màu xanh lục kết hợp với những mảng hoa văn hình mây, hình cây…

Phần tay áo được chia làm nhiều đường và nhiều nhóm họa tiết khác nhau nhưng đều được nhắc lại từ phần cổ áo là những họa tiết chính, bố cục từ dưới lên các đường viền màu trắng, xanh lục, vàng nhưng tất cả các họa tiết ở trang phục của họ được xếp nhỏ, liền mạch tạo thành một khối họa tiết lớn. Những đường kẻ ngang trở thành môtíp chính ở đây, mảng họa tiết dài khoảng 15cm, được thêu bằng những sợi chỉ vàng là đa số kết hợp với chỉ màu trắng. Khác với các nhóm Dao ỏ Yên Bái, họa tiết của nhóm này được kết hợp bằng những họa tiết to, nhỏ, đường thẳng nhỏ… Nhóm Dao ở Quản Bạ thì họ không dùng chỉ màu để tạo họa tiết mà dùng các khoanh vải hoa khác nhau kết lại giống như phụ nữ H’mông, cộng thêm 1 phần tà áo trước cũng như của phụ nữ H’mông.

Phần tà sau cũng là một mảng họa tiết dày đặc, có hình chữ nhật kéo dài gần đến kheo chân, các họa tiết chủ yếu là đường thẳng chạy song song, hệ thống đường viền đa chiều nhiều màu sắc nhưng chủ đạo theo gam màu vàng - hồng nhẹ, hay trắng – vàng có lúc xen kẽ họa tiết cây lá kim xanh dương, màu sắc rất tinh tế chỉ thay đổi sắc độ rất nhẹ, sắc đỏ ở đây được nhắc lại rất ít, đa số người Dao trang trí cho phần này là mà vàng. Hoa văn trung tâm lớn, có bố cục rõ ràng, có khi chia làm 2 mảng chính, nhưng có khi chỉ có một, họa tiết lớn, được bao quanh là những đường diểm chạy thẳng từ trên xuống là chỉ  sáng màu.

Khi quan sát những bộ trang phục khác được kết bằng những sợi chỉ màu trắng trên mảng đen của vải, những khoảng hở được tạn dụng một cách có mục đích. Những chi tiết trắng lớn được nổi lên rõ ràng được bao quanh bởi đường chỉ màu đỏ. Đối với bộ trang phục này họa tiết những cây bách diệp, cây lá kim là nhân vật trung tâm, cộng thêm một số hình kỷ hà nhỏ phía dưới kết hợp với đường diềm sóng nhỏ.

Dân tộc Dao đỏ đã sáng tác ra những môtíp họa tiết đầy tính cách khiến cho ta không thể nhầm lẫn với các dân tộc khác như H’mông, Tày, Giáy, Thái… trên vùng núi của dãy Hoàng Liên Sơn hừng vĩ. Sự biến hóa của các hình kỉ hà dù chỉ thể hiện trên một số họa tiết nhưng cũng cho ta nhận thấy chúng có đầy đủ yếu tố tạo hình, các chi tiết trang trí  được lấy từ cuộc sống đa dạng, phong phú mà họ cảm nhận được qua cách sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống của họ gắn liền với núi rừng Tây Bắc nổi tiếng lạnh lẽo vào mùa đông, thêm chút ấm áp nhờ chiếc khăn  đỏ đội đầu quanh năm quen thuộc. Những họa tiết cây xuất hiện trên trang phục của họ như những cây thông lá kim mọc quanh năm trên vùng núi khô cằn, hình chim mặc dù không giống hình chim lạc của người Kinh nhưng vẫn mang nét thẳng để diễn tả giống loài, đó là sự cảm nhận tinh tế có chọn lọc từ tự nhiên, thông qua cái cảm, cái nhận, tìm tòi, sáng tạo, họ biết chắt lọc những yếu tố tạo hình cô dọng nhất của sự vật hiện tượng, lược đi chi tiết không cần thiết để chắt lọc, hoàn thiện một hình mẫu. Dân tộc Dao đã chọn cho mình một hình dáng rất khác biệt, cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp, sống trong rừng buộc họ phải đấu tranh với thú dữ tìm nguồn sống, họ dùng những họa tiết nổi trội để xua duổi những cái xấu xa, xua đuổi thú, dọa được chúng tránh xa con người. Đó cũng là một hình thức ngụy trang của họ và nó đã cực thành công trong con đường tìm nơi khai thiên lập địa. Đó là cách ngụy trang của vùng núi cao còn miền biển thì ngư dân quanh năm lênh đênh trên sông trên bể họ có tục xăm mình để khi lặn xuống nước sẽ dọa được những loài cá lớn ăn thịt người. Mỗi nơi phong tục của mỗi vùng mỗi khác chúng ta có thể phân biệt được rõ ràng qua cách sống, nét ở để có thể bắt được nhịp sống ở đó.

Dù là vào thời điểm nào, hiện đại hay lạc hậu thì nguyên lý tạo hình luôn là ghi chép, đơn giản, cách điệu và sáng tạo… Để trở thành một họa tiết hoa văn hoàn chỉnh thì bản thân người Dao đỏ ở Lào Cai chưa hề biết và hiểu về bản chất, như trong xã hội Phong kiến người Dao, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ họ đã khá nhuần nhuyễn trong việc tạo họa tiết hoa văn và phối trí, phối màu theo đúng quy trình một cách ngẫu nhiên nhưng thật tuyệt vời.

Trên đây là trang phục của người phụ nữ Dao với bao họa tiết, muôn sắc màu kết hợp nhịp nhàng duyên dáng tạo thành một bức tranh hoàn hảo. Nhưng trang phục nam thì ngược lại, được cắt may thông thường, được nhuộm chàm cúc áo cũng là chất vải thô gai may, trước ngực có dải họa tiết. Đặc biệt là nam giới có mũ được trang trí rất công phu, màu sắc rất trẻ trung và trang nhã, họa tiết có ở phần trước của mũ.

Người Dao đỏ chọn màu sắc như vậy vì nó gắn bó nhất với cuộc sống, với con người họ. Chúng ta có thể thấy màu đỏ xuyên suốt qua cuộc sống, tín ngưỡng và hơn cả thế nữa nó còn tồn luôn mang trên mình họ, nó ăn vào huyết quản, máu thịt của họ. Các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Lào Cai đều chọn cho mình những kiểu trang phục và nó hoàn toàn khác nhau.

Người Tày thì chọn cho mình trang phục áo dài đen chàm.

Người Dao thì chọn màu đen nhưng rất nhiều họa tiết đỏ rực.

Người H’mông chọn váy với những màu rực rỡ.

Người Mường thì chọn áo trắng váy đen nổi trội.

Trang phục của người Dao đỏ nổi trội với chiếc mũ đỏ rực tới những họa tiết trên yếm tới gấu quần, màu đỏ được lặp đi lặp lại nhiều lần theo những chiều hướng khác nhau, phối hợp hài hòa với các sắc màu trắng, vàng, xanh trên nền chàm đen tạo nên nhịp điệu của sắc đỏ tương xứng với tâm hồn dân tộc của người Dao đỏ, con cháu của Bàn Vương.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngô Đức Thịnh: Trang phục cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn Hóa Dân Tộc. 2000.

2. Viện dân tộc học: Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa Học Xã Hội. 1993.

3. Nguyễn Văn Huyên : Trang trí các dân tộc thiểu số Việt Bắc. Nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội 1994.

4. Diệp Trung Bình: Hoa văn trên vải các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc Bộ, NXB VHDT. 1997.

5. Nhiều tác giả: Văn hóa và sự phát triển của các dân tộc ở Việt Nam, Nxb VHDT. 1996.

6. Người Dao ở Việt Nam, Nxb Thông Tấn. 2007.

 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập