Lào Cai 23° - 24°
Quản lý hiện vật lạ trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Trước thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (Sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hoá, tâm linh ở những nơi công cộng.

Để giữ gìn truyền thống văn hoá của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc dân tộc, ngày 08/8/2014, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 2662 V/v không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Thực hiện công văn số 64/TTr-VHGĐ ngày 04/9/2014 của thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đưa hiện vật không phù hợp vào di tích, danh thắng đã được xếp hạng. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Lào Cai đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng Văn hoá Thông tin huyện, thành phố, các Ban quản lý di tích thực hiện nghiêm túc công văn số 2662 của Bộ, đồng thời, Sở đã thành lập đoàn thanh tra phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Qua công tác kiểm tra đối với 14 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn 4 huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Yên và thành phố Lào Cai, phát hiện các hiện vật lạ bày trí trong các di tích gồm

- 96 lọ lộc bình các loại bày trí trong đền cao khoảng từ 35 cm đến 160 cm;

- 01 trống đồng bày trí trong đền cao khoảng 50cm rộng khoảng 60 cm;

- 02 Ban thờ thần tài cao khoảng 80cm X 60 cm;

- 02 tượng quan công;

- 14 tượng sư tử đá và xi măng.

 - Ngoài ra còn một số các hiện vật lạ loại nhỏ để trang trí đặt trên các ban, đặt dưới hạ ban như; sư tử, hổ, kỳ lân, cóc ngậm tiền, đèn hoa điện, quạt, kiếm dây pháo..v.v.. trong các di tích.

- Qua kiểm tra thực tế các di tích Lịch sử văn hóa, danh thắng đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Lào Cai có các di tích Đền Ken huyện Văn Bàn; Đền Mẫu Sơn, Đền Mẫu Thượng huyện Sa Pa; Đền Trung Đô huyện Bắc Hà thực hiện tốt việc không tiếp nhận hiện vật lạ như sư tử đá, hổ đá, lọ lộc bình, tượng..v.v.. bày trí trong khuôn viên bảo vệ di tích và trong nội tự của di tich, danh thắng;

- Các đền có các hiện vật tiếp nhận và trưng bày như sư tử đá, hổ đá, tượng gồm: Đền Mẫu, Đền Cấm  thuộc thành phố Lào Cai, Đền Bảo Hà thuộc huyện Bảo Yên, Đền Cô Tân An huyện Văn Bàn, Đền Bắc Hà huyện Bắc Hà, Đền Hàng Phố  huyện Sa Pa.

 - Việc tiếp nhận hiện vật lạ như lọ lộc bình, các hiện vật lạ loại nhỏ để trang trí đặt trên các ban, đặt dưới hạ ban như; sư tử, hổ, kỳ lân, cóc ngậm tiền, đèn hoa điện, quạt, kiếm dây pháo .vv. có nhiều ở các đền; Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Đôi Cô, Đền Bảo Hà, Đền Tân An, Đền Hàng Phố; các đền còn lại rất ít và hầu như không có.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu các Ban quản lý di tích, danh thắng, thủ nhang đền thực hiện nghiêm theo quy định tại công văn số 2662 và văn bản số 64/TTr-VHGĐ ngày 04/9/2014 Thanh tra Bộ VHTTDL, có biện pháp di dời các hiện vật lạ ra khỏi di tích lịch sử văn hóa, danh thắng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, bước đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc làm lành mạnh hoá môi trường văn hoá, thẩm mỹ trong di tích. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những cơ quan, công sở, nhà dân chưa tự động di dời các biểu tượng, linh vật ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam; ở đây, ngoài vấn đề kiến thức lịch sử, thẩm mỹ truyền thống, nhu cầu hưởng thụ văn hoá, còn là vấn đề về nhận thức, về tâm linh của người dân và một số cán bộ hiện nay.

Vấn đề nổi cộm hiện nay là chưa có sự vào cuộc của các ban, ngành, các địa phương trong công tác tuyên truyền vận động người dân di dời các hiện vật và tượng, linh vật ngoại lai. Chưa có các hướng dẫn cụ thể của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch trong việc xử lý đối với các linh vật ngoại lai. Việc nhận diện sản phẩm linh vật còn nhiều lúng túng. Đa phần người dân không biết các quy định của nhà nước trong việc cúng tiến tượng linh vật đồ thờ vào di tích lịch sử văn hoá đã xếp hạng mà chưa có ý kiến của cơ quan chức năng là vi phạm Luật Di sản văn hoá.

Để tiếp tục thực hiện tốt văn bản số 2662 của Bộ VHTTDL, cần có các biện pháp triển khai trước mắt cũng như lâu dài cụ thể sau:

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cần có các quy định hướng dẫn cụ thể:

- Quy định về xây dựng, kiến trúc đền chùa di tích thuần Việt theo một quy chuẩn thống nhất, đúng bản sắc văn hoá, tâm linh của người Việt;

- Quy định thống nhất về bày trí, sắp xếp tại các Ban thờ trong khuôn viên di tích;

- Ban hành mẫu vật bộ linh vật chuẩn đúng quy cách, quy định của Việt Nam;

- Có hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý đối với các hiện vật lạ (tượng sư tử đá) hiện đang cất giữ tại các di tích;

- Có chế tài trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai sớm ban hành các văn bản:

 Quy định cụ thể trong việc quản lý, hoạt động của các Ban quản lý di tích, các thủ nhang, sư trụ trì; Đặc biệt trong việc tiếp nhận bài trí các hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích, khu du lịch, công sở..v.v..

- Văn bản chỉ đạo các địa phương, các di tích, khu du lịch, công sở, các doanh nghiệp, người dân..v.v.. thực hiện nghiêm quy định của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch trong việc tiếp nhận, bài trí các hiện vật không phù hợp; có biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng tới quần chúng nhân dân để phối hợp giám sát, thực hiện./.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập