Lào Cai 25° - 26°
Phát huy hiệu quả hoạt động của Bảo tàng tỉnh trong tình hình mới
Bảo tàng tỉnh Lào Cai thành lập ngày 5/8/1992, là đơn vị có chức năng, nghiên cứu và phổ biến giáo dục khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền phát huy giá trị các di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Trải qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, Bảo tàng tỉnh đã không ngừng đổi mới, tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa địa phương, đồng thời giáo dục truyền thống, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh Lào Cai.

 Ngay từ những năm đầu thành lập, Bảo tàng tỉnh đã rất chú trọng đến công tác sưu tầm hiện vật nhằm đáp ứng những yêu cầu trước mắt và lâu dài của hoạt động bảo tàng, vì sưu tầm hiện vật là hoạt động cơ bản, là nền tảng vật chất cho các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng. Mặt khác, dù chưa có nhà trưng bày nhưng nếu đơn vị không tích cực, tranh thủ sưu tầm liên tục thì theo thời gian, các hiện vật nhất là là hiện vật lịch sử, văn hóa sẽ bị thất lạc, mất mát ngày càng khó sưu tầm, thu thập. Bởi vậy, hàng năm, đơn vị đã đầu tư nghiên cứu, lập kế hoạch, khảo sát và cử cán bộ tích cực xuống cơ sở sưu tầm các hiện vật dân tộc học, tài liệu chữ viết, đồ vật, tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh… Ý thức sâu sắc rằng Lào Cai là một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa nên các cán bộ Bảo tàng tỉnh luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, bám dân, bám cơ sơ sở nhằm sưu tầm được những hiện vật dân tộc học, hiện vật cách mạng kháng chiến, hiện vật khảo cổ học... có giá trị. Đặc biệt, đơn vị đã chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ di sản văn hóa, xây dựng được mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở, củng cố tốt mối quan hệ với nhân dân trong việc phát hiện cổ vật, hiện vật. Vì vậy, hầu hết các hiện vật đều do nhân dân cung cấp thông tin và chủ động giao nộp. Công tác thu nhận các di vật, cổ vật được tiến hành theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật liên quan.

          Đi đôi với công tác sưu tầm thì công tác bảo quản hiện vật cũng được Bảo tàng tỉnh hết sức chú trọng. Hiện đơn vị đang lưu giữ hơn 14.000 hiện vật, ảnh, tư liệu trong đó có khoảng hơn 4.000 hiện vật, ảnh, tư liệu đủ điều kiện để trưng bày. Đây là những tư liệu quý giá thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau rất có ý nghĩa để phục vụ nhu cầu trưng bày và nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, thiên nhiên, văn hóa, con người Lào Cai trong quá trình xây dựng và phát triển. Việc vào sổ kiểm kê hiện vật và phích phiếu phân loại theo chất liệu được thực hiện theo quy trình quy định. Đặc biệt, đơn vị đã tiến hành áp dụng phần mềm quản lý hiện vật trên máy tính theo đúng hướng dẫn của Cục Di sản văn hóa.

Về công tác trưng bày chuyên đề và lưu động, trung bình hàng năm, Bảo tàng tỉnh tổ chức 2 cuộc trưng bày. Với những năm tròn, năm chẵn diễn ra nhiều sự kiện, ngày lễ lớn thì trưng bày từ 4 - 5 cuộc. Nội dung các cuộc trưng bày, triển lãm chủ yếu phản ánh thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội của Đảng bộ, chính quyền các cấp; lịch sử hình thành, phát triển và mối quan hệ giao lưu văn hoá của tỉnh Lào Caiv.v.... Nhìn chung, các cuộc trưng bày đã thu hút được đông đảo nhân dân, du khách quan tâm theo dõi, góp phần tạo nên thành công của các sự kiện qua đó nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Tuy nhiên, các cuộc trưng bày chủ yếu diễn ra tại thành phố Lào Cai, chưa về đến các địa phương, cơ sở nên phạm vi tuyên truyền còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị trưng bày lưu động không đáp ứng được yêu cầu, hầu hết các cuộc trưng bày đều phải thuê gian trưng bày ở Hà Nội.

Cùng những khó khăn trên thì khó khăn, hạn chế lớn nhất của Bảo tàng tỉnh là sau hơn 20 năm hoạt động với 6 lần chuyển trụ sở mà đơn vị vẫn chưa có Nhà trưng bày. Các cuộc trưng bày ở tỉnh thì chủ yếu trưng bày hình ảnh. Riêng các hiện vật, cổ vật có giá trị thì vẫn đang trong tình trạng như các “báu vật nằm trong tháp ngà cổ” chờ Nhà trưng bày mà chưa đến được với đông đảo công chúng. Trong khi đó, kho bảo quản không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn vì các hiện vật trong kho gồm nhiều chất liệu như kim loại, đồ dệt, giấy, gốm sứ, đồ mộc, da sừng, đồ đá, phim ảnh… nhưng lại để chung trong một khu nhà cấp bốn lợp mái tôn với diện tích kho 60 m2. Ngoài ra, nhiều hiện vật có giá trị đã được sưu tầm nhưng lại phải tạm thời để ở phòng làm việc. Như vậy việc đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, phương pháp bảo quản; đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, không khí, ánh sáng theo tiêu chuẩn là hết sức khó khăn, dẫn đến nguy cơ hiện vật dễ bị hư hỏng, xuống cấp trong khi công tác tu sửa, phục chế hiện vật lại thiếu kinh phí, thiếu chuyên gia, thiếu thiết bị chuyên dụng. Thực tế, hiện đơn vị mới chỉ đưa vào sử dụng một số máy móc đơn giản như máy hút ẩm, hút bụi để xử lý ứng phó với môi trường kho hiện vật.

Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, hiện nay công trình Bảo tàng tỉnh Lào Cai đang được tiến hành xây mới tại phố 30/4, phường Bắc Lệnh, nằm ngay bên cạnh Trung tâm Hội nghị tỉnh. Dự kiến, công trình sẽ khánh thành phần ngoại thất và đi vào hoạt động phục vụ khách thăm quan trong dịp đầu năm 2017. Đây là bước ngoặt mới trong hoạt động của Bảo tàng tỉnh vì trụ sở mới là công trình văn hóa hiện đại, khang trang đáp ứng yêu cầu bảo tồn, lưu giữ, và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Chuẩn bị cho tiếp nhận trụ sở mới, hiện đơn vị đang tập trung xây dựng đề cương nội dung và maket trưng bày gồm những nội dung trưng bày, các giải pháp kỹ thuật, mỹ thuật cùng các hạng mục công việc cần phải thực hiện để đưa Bảo tàng vào hoạt động. Điều này rất cần sự quan tâm của tỉnh và các sở, ngành liên quan để duyệt đề cương và các phương án thiết kế  maket trưng bày cũng như đảm bảo kinh phí thực hiện theo đề cương được duyệt. Bên cạnh đó, đơn vị xác định cần năng động, đổi mới trong hoạt động phục vụ, tăng cường sưu tầm bổ sung làm phong phú vốn tư liệu hiện vật để ngày càng thu hút du khách đến với bảo tàng. Về nguồn nhân lực, cần xây dựng được đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp đồng thời đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên sâu về dân tộc học và khảo cổ học để đáp ứng yêu cầu công việc. Có thể nói, những thuận lợi mới luôn đi đôi với thách thức mới. Nhưng chính vì đặt trong tình thế như vậy, tập thể cán bộ viên chức Bảo tàng tỉnh sẽ càng được tôi luyện, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó đi lên. Việc phát huy hiệu quả hoạt động của Bảo tàng cũng chính là nhằm mục đích triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 01/04/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đọan 2015 – 2020, qua đó khẳng định vai trò của Bảo tàng tỉnh trong việc tuyên truyền, giáo dục và giao thoa, quảng bá văn hóa truyền thống tới đông đảo công chúng.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập