Lào Cai 27° - 29°
Người “giữ hồn” cho nghề đan truyền thống người Hà Nhì đen ở Y Tý
Gìn giữ nghề thủ công truyền thống của dân tộc luôn là nỗi trăn trở, thôi thúc những nghệ nhân người Hà Nhì đen ở xã Y Tý không ngừng tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm vừa nhằm bảo lưu một cái nghề truyền thống, vừa phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày. 

Đến với thôn Choản Thèn, xã Y Tý hỏi thăm đến ông Chu Thó Xe thì ai cũng biết, họ thường nhắc đến ông với một sự ngưỡng mộ và lòng kính trọng, bởi ông không chỉ là người cao tuổi trong thôn, mà ông còn là người am hiểu các phong tục tập quán của dân tộc, một người giỏi trong đan lát, các sản phẩm do ông tạo không chỉ bền đẹp, mà còn mang trong đó cả hồn của một dân tộc.

Công phu của nghề đan truyền thống

Ông Chu Thó Xe năm nay đã 72 tuổi, bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng đôi tay thuần thục trong việc sơ chế nguyên liệu mây, tre đan và những sản phẩm ông tạo ra thì mới thấy được hết sự nhọc nhằn, lòng yêu nghề của ông trong suốt chằng đường dài đã qua.

Qua tìm hiểu được biết, ông là một người có sẵn niềm đam mê với các vật dụng truyền thống của dân tộc, lại có sự hiểu biết nhanh và đôi bàn tay khéo léo, nên ông đã không ngừng học hỏi từ những người đi trước về kinh nghiệm chọn lựa nguyên liệu và kỹ thuật đan để làm sao có thể tạo ra được những sản phẩm vừa bền đẹp, lại vừa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của mọi người. Khi được hỏi về nghề đan và các sản phẩm đan truyền thống này, ông Xe như có dịp để chia sẻ những khó khăn, vất cả đối với cái nghề mà ông đã đắm đuối suốt cả cuộc đời.

Ông tâm sự: “ngay từ khi còn nhỏ tôi đã đam mê với nghề đan rồi, bố tôi cũng rất giỏi đan, nên ông thường dạy tôi đan, cho tôi theo lên rừng để tìm chọn nguyên liệu về đan. Tuy nhiên, nghề đan cũng gian nan lắm, bởi bên cạnh đam mê, rất cần đến sự kiên trì để cho ra được sản phẩm đẹp, được mọi người sử dụng. Vẫn biết nghề đan này không thể làm giàu, nhất là hiện nay nhiều người thường hay dùng những dụng cụ bán sẵn ở ngoài chợ… nhưng vì đam mê với nghề do cha ông truyền lại, nên tôi vẫn quyết bảo vệ nghề đan, vẫn tiếp tục đan và truyền dạy lại cho các con, các cháu, những người trong thôn yêu thích nghề đan”.

Theo ông Xe, một trong những công đoạn khó khăn đấy là tìm và khai thác nguyên liệu đan. Nguyên liệu chính dùng để đan là mây rừng, tre và trúc. Với nguyên liệu là tre và trúc thì có sẵn, có thể tự trồng trên nương của mình được. Nhưng việc tìm mây rừng về làm nguyên liệu đan là vất vả nhất. Ông Xe cho biết, mây rừng tiếng Hà Nhì đen gọi là “hót nghè già” có 4 loại, nhưng chỉ 2 loại có thể dùng để làm nan đan, lạt buộc được bởi có độ dẻo. Thời gian đi tìm mây phải vào mùa khô, thân mây ít nước nhất trong năm, nên dễ lấy và dễ sơ chế nan, chất lượng nan sẽ bền hơn.

Nguyên liệu là tre, trúc cũng cần được khai thác vào mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 - 2 năm sau), bởi đây là mùa khô, thân cây ít nước nhất. Những cây càng già càng tốt, nhưng ít thì cũng phải từ 2-3 năm tuổi. Khi lấy cũng phải chú ý, không lấy những cây bị gãy, cụt ngọn, những cây bị sâu thân vì chất lượng kém, dễ giãy. Sau khi lấy về phải sơ chế ngay, tránh để lâu ngày khiến thân cây khô, phần sử dụng để đan phải là cật. Sau khi sơ chế thành các loại nan, họ sẽ bó thành từng bó và gác lên gác bếp cho tự khô, cho bồ hóng bám vào, sau này sử dụng sẽ bền hơn, không bị mối mọt. Khi nào cần đan, họ sẽ mang những nguyên liệu này ngâm vào nước khoảng một ngày cho mềm ra là có thể sử dụng được. Những sản phẩm chủ yếu mà ông Xe thường đan là mâm ăn cơm “ba gồ”, gùi địu rau, củi “ha ka”, gùi thóc gạo “ha lo”, nia “ga ma”, sàng gạo “dì ka”, giần gạo “dì cho”, rá vo gạo “sư zi”, giỏ để cơm “phù phù”, rỏ đựng kim chỉ may vá “khu chụ”…

Đúng như lời ông tâm sự, khi quan sát các công đoạn từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế nan và quá trình đan các sản phẩm mới thấy được phần nào những nhọc nhằn, những khổ cực của nghề đan, nếu không phải là người am hiểu về nghề, yêu nghề, yêu những sản phẩm từ nghề đan thì thật khó có thể gìn giữ được nghề truyền thống này.

Hướng phát triển mới của sản phẩm đan lát

Qua khảo sát cho thấy, trong vài năm trở lại đây số lượng khách du lịch đến với xã Y Tý đang ngày một đông, ngoài nhu cầu về tham quan di tích Ruộng bậc thang, các khu rừng nguyên sinh và chinh phục các ngọn núi cao như Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Ky Quan San, khách du lịch đang hết sức quan tâm đến các thôn bản của cộng đồng người Hà Nhì, người Hmông, nhiều người rất thích các sản phẩm nghề thủ công của người Hà Nhì.

Khi được hỏi về việc bán sản phẩm cho khách du lịch. Ông cho biết, mấy năm trở lại đây, đã có nhiều khách du lịch lên với Y Tý, nhiều người đến thăm quan thôn Choản Thèn và đã hỏi mua những thứ mà ông làm ra để mang về làm kỷ niệm, một số trường học trong huyện, xã đã đặt ông làm các mô hình từ đan lát về làm dụng cụ dạy học trực quan, sinh động cho học sinh thêm yêu văn hóa các dân tộc.

Với chủ trương quy hoạch Bát Xát thành điểm du lịch trọng điểm của tỉnh trong tương lai, việc nghiên cứu, xây dựng cho mỗi dân tộc, mỗi thôn bản nằm trong tuyến điểm du lịch một loại sản phẩm đặc thù, những sản phẩm này luôn gắn liền với truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Với mục tiêu ấy, hãy bắt đầu từ chính những sản phẩm do của riêng mỗi dân tộc đang làm ra, tôi cho rằng đan lát của người Hà Nhì ở Y Tý sẽ là một nghề thủ công có thể tạo ra các sản phẩm truyền thống phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Dương Tuấn Nghĩa 







Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập