Lào Cai 22° - 24°
Kỷ niệm 713 năm ngày giỗ Đức Thánh Trần
Đã từ lâu, trong dân gian đã có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” để nói đến ngày giỗ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo và Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Là một vị tướng kiệt xuất của dân tộc, Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo đã có nhiều công lao trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, Ông đã qua đời vào ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (năm 1300), sau khi ông mất Vua Trần Anh Tông đã phong tước cho ông là Hưng Đạo Đại Vương và cho lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp – Chí Linh – Hải Dương để nhân dân quanh năm thờ phụng. Là một vùng đất trọng yếu của cả nước, trong quá trình đấu tranh chống lại giặc phương Bắc xâm lược, đặc biệt là ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông thiện chiến. Trong thời gian chống lại quân xâm lược phương Bắc, Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo đã đưa quân lên lập phòng tuyến, trấn ải vùng đất Hưng Hóa (Lào Cai ngày nay) để ngăn chặn, đánh đuổi quân giặc. Sau khi Ông mất, nhân dân vùng đất Lào Cai đã cùng nhau xây dựng ngôi đền Thượng để nhân dân quanh năm thờ phụng ông. Giờ đây, cứ đến ngày 20 tháng 8 âm lịch hằng năm, nhân dân Lào Cai lại cùng nhau long trọng tổ chức nghi lễ dâng hương tại Đền, để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Kỷ niệm 713 năm ngày mất của Đức thánh Trần (1300 - 2013), Ban quản lý di tích Thành phố Lào Cai đã long trọng tổ chức nghi lễ dâng hương tại di tích Đền Thượng. Đến dự với ngày giỗ có lãnh đạo UBND thành phố và các sở ban ngành trong tỉnh. Nghi lễ dâng hương được thực hiện trang nghiêm theo nghi lễ cung đình xưa, những người trong đội tế lễ đều nghiêm trang trong bộ lễ phục của triều phục xưa, họ sẽ từng đợt dâng các loại lễ vật được chuẩn bị theo tiếng trống, chiêng và lời thỉnh Ông về thượng hưởng. Sau nghi thức dâng lễ vật, người chủ tế sẽ đọc bản văn tế, lời văn xúc tích, ngắn gọn, dễ hiểu với nội dung là cầu mong cho nhân dân các dân tộc Lào Cai được yên ấm, được hạnh phúc, được thái bình…Sau khi đọc xong chúc văn, bản chúc văn được hóa ngay tại lễ để Ông có thể nhận được lời cầu mong ấy của mọi người. Kết thúc nghi lễ dâng hương, tưởng nhớ đến ngày hóa của Đức Thánh Trần, toàn bộ những người dự lễ sẽ thăm quan và dâng hương tại các ban thờ trong ngôi Đền, thăm cây đa cổ thụ đã được xếp hạng là cây di sản của quốc gia cần được bảo tồn, tôn tạo gắn với ngôi đền đã có nhiều năm tuổi.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập