Lào Cai 25° - 26°
Hiệu quả của đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Lào Cai là một tỉnh đa dân tộc, toàn tỉnh có 13 dân tộc với 25 nhóm ngành khác nhau tạo nên những loại hình di sản văn hóa hết sức đa dạng, phong phú, tạo thành những sản phẩm du lịch hết sức đặc thù thu hút hàng triệu lượt du khách đến với Lào Cai trong những năm qua. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức về sự mai một của các loại hình di sản văn hóa có giá trị

Sở VHTTDL đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nhằm kiểm kê, nhận diện và tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa các di sản văn hóa có giá trị vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010. Đề án sau khi được phê duyệt đã đạt được hiệu quả về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa toàn tỉnh, đưa tỉnh Lào Cai đứng đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với những đánh giá sâu sắc về nguy cơ mai một của các loại hình di sản văn hóa truyền thống đặc thù trước sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, ngày 15/11/2011 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định phê duyệt Đề án số 13 về Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai, giai đoạn 2011-2015”, nhằm xây dựng, củng cố tổ chức hoạt động và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lào Cai, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Trong đó, mục tiêu đề ra là tiến hành kiểm kê được 200 thôn bản, lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa 10 loại hình di sản vào danh mục di sản quốc gia. Tuy nhiên, trong 5 năm thực hiện Đề án (từ năm 2011-2015), Sở VHTTDL đã thực hiện nhiều chương trình, đề án gắn với nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, từng bước khẳng định được giá trị của các di sản, góp phần vào quá trình xóa đói, giảm nghèo từ các di sản văn hóa của mình theo đúng mục tiêu của Đề án đặt ra.

Tính đến hết năm 2015, Sở VHTTDL đã hoành thành công tác kiểm kê, nhận diện di sản văn hóa của 25 nhóm ngành ở 500 thôn bản khác nhau trên địa bàn toàn tỉnh, cùng với công tác kiểm kê là việc nghiên cứu, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho 19 di sản văn hóa phi vật thể có giá trị để đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Trong số 19 di sản văn hóa điển hình ấy đã 01 di sản văn hóa phi vật thể là “nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được lựa chọn đưa vào Hồ sơ liên quốc gia trình Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2015. Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện những thành quả từ Đề án trước để lại, hiện nay Sở VHTTDL đang được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với Viện Âm nhạc nghiên cứu, lựa chọn di sản “Nghi lễ then Tày” cùng với 10 tỉnh khác cùng xây dựng hồ sơ “Nghi lễ then Tày-Nùng -Thái” để đề nghị Unesco công nhận là di sản đại diện nhân loại.

Với những kết quả này, đến hết năm 2015, Lào Cai trở thành một trong số ít những tỉnh thành trong cả nước hoàn thành việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo 7 loại hình của Thông tư số 04/2010 và là tỉnh có số lượng DSVHPVT được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia nhiều nhất trong cả nước. Gần 30 đầu sách được xuất bản, nội dung các cuốn sách chủ yếu bàn về văn hóa truyền thống của các dân tộc của tỉnh Lào Cai, như: người Hmông, Dao, Giáy, Tày, Bố Y, Thu Lao, Hà Nhì, Phù Lá…

Bên cạnh những thành quả đã nêu ở trên, hiệu quả của Đề án còn được thể hiện ở rất nhiều những di sản văn hóa có giá trị đã được nhận diện và phục hồi với nguyên giá trị, được đồng bào các dân tộc đón nhận và tự hào đối với dân tộc mình. Trong đó có những di sản tưởng chừng như đã mai một như: Tết Sử Giề Pà của người Bố Y, Nghi lễ Khoi Kìm của người Dao đỏ, Múa khèn qua chảo thắng cố của người Mông,… Sau khi dày công khảo sát, nghiên cứu từ những nghệ nhân đã già yếu nhưng rất tâm huyết với vốn văn hóa của mình, các di sản đã được khôi phục lại. Giờ đây, các di sản này đã được các thế hệ đồng bảo dân tộc hết sức coi trọng và nguyện lưu giữ, tổ chức hằng năm theo đúng với truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, còn rất nhiều các lễ hội, nghi lễ truyền thống được đầu tư tổ chức phục dựng lại, tạo thành những loại hình sản phẩm văn hóa du lịch hết sức đặc thù, giúp thu hút hàng vạn khách du lịch về với Lào Cai, tạo ra công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả bằng chính tài sản của mình.

Cùng với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa các dân tộc, tỉnh Lào Cai cũng luôn trân trọng và quan tâm đến những nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đã có nhiều công lao trong quá trình bảo tồn và phát triển, truyền dạy lại cho thế hệ sau các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2015 tỉnh Lào Cai đã có 9 nghệ nhân ưu tú đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” cao quý.

Có thể nói, thành quả đạt được trong suốt 5 năm thực hiện Đề án số 13 đã góp phần rất lớn vào thành công của nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tỉnh Lào Cai. Đồng thời cũng thấy rõ được sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với di sản văn hóa các dân tộc, góp phần vào quá trình bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình hội nhập văn hóa của các tộc người thiểu số ở Lào Cai.

Dương Tuấn Nghĩa






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập