Lào Cai 25° - 27°
Hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Lào Cai
Năm năm qua từ 2011-2015, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tích cực chủ động trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng 500 làng của đồng bào các dân tộc đã được kiểm kê, phân loại, đánh giá sức sống cũng như giá trị của từng loại hình di sản. Trên cơ sở đó, xây dựng hồ sơ của 16 di sản văn hóa tiêu biểu, mang tính đại diện cao, 16 di sản đều được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Toàn tỉnh có 9 nghệ nhân

Đó là những thành tích nổi bật của công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó còn phải kể đến một số lượng các đầu sách, tạp chí, bài giới thiệu, nghiên cứu, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Lào Cai đăng trên các phương tiện thông tin truyền thông. Hiện tại có hơn 40 đầu sách xuất bản giới thiệu về văn hóa dân gian các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Pa Dí, Giáy, Thu Lao, Phù Lá... Trong thời gian tới, ước tính có hơn 10 đầu sách nữa xuất bản công bố những công trình, tâm huyết của những người nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian nơi mảnh đất có 23 dân tộc anh em sinh sống. Những đầu sách trên bổ sung, làm phong phú thêm kho địa chí của Lào Cai, và là những tư liệu quý của ngành nhân học văn hóa thế kỷ XXI.

Ngành văn hóa luôn chú trọng vai trò và tầm quan trọng của các nghệ nhân, những người nắm giữ linh hồn của di sản. Vì thế, trong nhiều năm qua, hội viên Chi hội văn nghệ dân gian cũng là cán bộ của ngành quan tâm lập hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho những người có công lao đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc Lào Cai. Hiện nay, Lào Cai có 16 nghệ nhân dân gian trong đó có 03 cố nghệ nhân. Các nghệ nhân đều được quan tâm, động viên thăm hỏi khi ốm đau, lễ tết. Trong thời gian tới, tiếp tục lựa chọn lập hồ sơ đệ trình Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phong tặng các danh hiệu cao quý cho những người dân – chủ sở hữu của di sản có được sự tôn tinh xứng tầm. Đó là hình thức bảo tồn “sống”  các “kho tàng” di sản văn hóa các dân tộc ở Lào Cai.

 Thông qua công tác kiểm kê, nhiều di sản văn hóa phi vật thể mai một đã được phục dựng và trở thành các di sản đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài nước tham gia, trải nghiệm. Điển hình như: Nghi lễ “Pút tồng” của người Dao ở Lào Cai, Lễ tết “Sừ giề pà” của người Bố Y, Nghi lễ “Pang Luông” của người Tày, Lễ hội cốm của người Tày, Nghi lễ Then của người Tày, Nghệ thuật Xòe của người Tày ở Tà Chải huyện Bắc Hà... Sau khi được phục dựng và quảng bá, nhiều nghi lễ, lễ hội đã có sức lan tỏa, và khẳng định được nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, riêng biệt của đồng bào các dân tộc Lào Cai.

Khôi phục, bảo tồn và phát huy tri thức bản địa, ứng dụng tri thức bản địa vào cuộc sống hiện đại để phát triển kinh tế cũng như ứng phó với biến đối khí hậu. Trong một thời gian dài tri thức dân gian của người dân bản địa ít được quan tâm coi trọng, nhưng ngành văn hóa dân gian đã giành không ít công sức để nghiên cứu, tìm hiểu khôi phục những tri thức dân gian đó như: tri thức bảo vệ rừng, nguồn nước của người Mông, Hà Nhì, Thu Lao. Người Dao, Giáy nổi tiếng với tri thức chữa bệnh bằng thuốc nam... Rất nhiều tri thức, kinh nghiệm dân gian của người dân tộc vùng cao đã được ứng dụng để phát triển kinh tế như huyện Si Ma Cai đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bản địa nhân rộng mô hình ứng dụng thuốc nam để phát triển kinh tế.

Di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và di sản văn hóa nói chung là một trong những tài nguyên du lịch quan trọng và có giá trị. Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là một trong những định hướng của ngành du lịch hiện nay. Để giải quyết tốt vấn đề này cần có quy hoạch tổng thể và đầu tư hợp lý để phát huy được những giá trị di sản văn hoá thành sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch. Sự tăng trưởng về khách du lịch đến các điểm di sản sẽ đồng nghĩa với việc những giá trị di sản này sẽ càng được phát huy. Tỉnh Lào Cai bảo tồn di sản phải gắn với phát triển du lịch không thể tách rời cộng đồng, môi trường hình thành di sản.

Đứng trước những thách thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong thời gian tới ngành văn hóa cũng như các cấp ủy chính quyền cần có những định hướng và quy hoạch cụ thể đối với từng di sản đã được xếp hạng và những di sản tiếp tục đề nghị vinh danh. Bảo tồn bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của các dân tộc Lào Cai cần sự chung tay góp sức của tập thể và công dân miền địa đầu Tổ Quốc.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập