Lào Cai 25° - 26°
Ðầu Xuân "nhảy lửa" với người Dao
ND - Thật kỳ lạ, chẳng ai bỏng chân tay, cháy quần áo, mắt ai cũng như nửa say, nửa tỉnh, ánh lửa mùa xuân như vẫn rừng rực cháy bùng lên, rừng rực giữa bạt ngàn núi đá.

Lễ hội "nhảy lửa" đầu xuân của người Dao đỏ nóng bỏng như ánh lửa trong đôi mắt của các thiếu nữ Dao má đỏ bồ quân đang dõi theo những trai bản chưa có gia đình. Ðể rồi, khi tan hội, họ tìm đến nhau giữa cao nguyên đá se lạnh, và có thể nên vợ, nên chồng...

 

Ðã nhiều năm, cứ mồng 2 Tết Nguyên đán, chúng tôi lại vượt gần 150 km đường đèo cheo leo, qua đỉnh Tây Côn Lĩnh vào xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) để được hòa mình vào không khí lễ hội của người Dao đỏ với màn "nhảy lửa" truyền thống có một không hai trên cao nguyên đá.

 

Xã vùng cao Xìn Thầu hầu hết là người Dao đỏ sinh sống đã bao đời nay và hầu hết đều mang họ Triệu. Gọi là Dao đỏ bởi khác với trang phục truyền thống của đồng bào Dao, từ mũ, khăn, đến quần áo đều có các viền trang trí hoa văn mầu đỏ, đặc biệt những quả bông ngù rất to được làm bằng loại vải bông nhuộm đỏ rực rỡ được đính trên ngực áo.

 

Ðã thành thông lệ, trước Tết Nguyên đán hằng tháng, những người sinh ra ở Hồ Thầu nói riêng và người Dao đỏ nói chung dù đang công tác, làm ăn ở đâu cũng đều chuẩn bị cho chuyến đi đầu xuân trở về quê hương. Ai cũng mong mỏi được về dự lễ hội khai xuân ngay trong những ngày đầu năm mới.

 

Theo phong tục, ngày khai hội không cố định mà căn cứ vào ngày đẹp, giờ đẹp được các già làng, trưởng họ hay thầy tạo xem xét kỹ lưỡng trong khoảng từ mồng 2 đến mồng 5 tháng Giêng Âm lịch.

 

Bốn giờ sáng. Trời lạnh buốt, sương đóng trắng lớp cỏ các sườn dốc. Chúng tôi bám theo những chàng trai cô gái súng sính trong trang phục mới đi về trung tâm xã. Những con đường liên xã trở nên chật hẹp khi các phương tiện chen chân nhau trong sương lạnh.

 

Từ chiều hôm trước, bà con đã chuẩn bị thức ăn, đồ uống ngày Tết cho ngày hội dự tính sẽ kéo dài suốt đêm. Các già làng, trưởng họ cùng nam thanh niên trong xã đã chuẩn bị cho ngày lễ các thứ cần thiết như đồ cúng, tế, bánh trái, đồ mặn cho bữa trưa. Ai nấy đều háo hức chờ đón ngày hội vui nhất trong năm.

 

Ðúng giờ đã định, phần chính lễ bắt đầu, đồ lễ mang đậm bản sắc dân tộc Dao được bày ra một chiếc bàn dài nơi trang nghiêm nhất, trước khu sân rộng của UBND xã. Ngay giữa sân, phía trước bàn cúng tế là một đống củi to đã được thanh niên các bản mang đến từ chiều hôm trước.

 

Ông chủ lễ, đầu đội khăn đỏ, thắt lưng đỏ, tay cầm hương có đính những sợi len đỏ bắt đầu ngồi xuống ghế tế, hai bên là những thanh niên phụ lễ trong trang phục đỏ. Tiếng trống, thanh la, chũm chọe cất lên cũng là lúc bài cúng thần lửa bắt đầu ngân lên bằng những lời khấn cầu may cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, ấm no, muôn nhà, muôn người, muôn vật khỏe mạnh, sinh sôi, nảy nở...

 

Tiếp sau đó, chủ lễ chuyển sang phần tế trời, tế đất, tế thần rừng, thần ruộng, thần suối, thần sức khỏe đến mọi nhà, mọi người, xin âm dương cho việc khai lộ đầu năm. Quan trọng nhất vẫn là phần kêu cầu thần lửa mang hơi ấm của mình về sưởi ấm dân làng, về vui cùng lễ hội. Hội chỉ bắt đầu khi thần lửa "đồng ý" mang hơi ấm của mùa xuân về vui cùng dân bản.

 

Khi bắt đầu vào buổi lễ cũng là lúc đống lửa được đốt lên, đến khi này, đống củi đã trở thành một núi than hồng rừng rực cháy. Mọi người đổ dồn về tạo thành các lớp vòng tròn quây quanh ngọn lửa, dùng que tre gõ vào các ống vầu tạo thành những lớp âm thanh náo động cả núi rừng. Họ say sưa, lắc lư theo nhịp trống tế, để ngay khi chủ lễ cho phép, từng đôi trai gái đi chân trần trên đống than hồng, họ nhảy, thậm chí lăn trên lửa còn cháy lem lém mà không cảm thấy bỏng rát.

 

Trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của đám đông, từng đôi vào xin nhảy lửa, đôi nọ nối tiếp đôi kia say đắm và náo nức trên đống than hồng, cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm. Thật kỳ lạ, chẳng có ai bỏng chân, bỏng tay, cháy quần áo. Mắt ai cũng rực sáng như ánh lửa mùa xuân, ánh lửa tình yêu rừng rực trong từng cặp trai tài gái sắc. Những người không trực tiếp nhảy lửa cũng thấy nóng bừng không chỉ nhờ hơi ấm của than hồng mà họ đang say trong niềm vui ngày hội.

 

Hội nhảy lửa Hồ Thầu có thể gọi là "Lễ hội nhảy lửa tình xuân". Bởi tình xuân, tình yêu, sự khát khao cũng được rực cháy trong hàng trăm đôi mắt của các cô gái má đỏ bồ quân đang dõi theo các chàng trai chưa vợ trong hội. Ðể rồi, ngày mai, ngày kia, khi hội xuân đã tan dần vào bầu trời xuân, rừng núi xuân, họ bắt đầu tìm đến nhau để nên vợ nên chồng. Mùa xuân sau, họ lại địu con, theo chồng xuống núi về dự hội, mong thần lửa mang về cho gia đình hơi ấm của tình yêu, hơi ấm của ấm no, hạnh phúc.

 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập