Lào Cai 25° - 27°
Bảo tồn Nghi lễ và trò chơi kéo co dân tộc Tày, Giáy ở Lào Cai
CTTĐT - Từ bao đời nay, kéo co trở thành trò chơi dân gian truyền thống trong các lễ hội ở nước ta. Tháng 12/2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội kéo co của đồng bào Giáy, Lào Cai. Ảnh: Internet.

Đối với tỉnh Lào Cai, kéo co đã trở thành một trò chơi, môn thể thao có mặt trong hầu hết các lễ hội, ngày hội văn hóa dân tộc và không chỉ là của người Tày, Giáy mà của cả cộng đồng các dân tộc Lào Cai. Kéo co truyền thống mang đậm giá trị lịch sử, gắn với sự hình thành và phát triển của cộng đồng các dân tộc. Nghi lễ và trò chơi kéo co có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa truyền thống của người Tày, Giáy, đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Kéo co không chỉ là trò chơi giải trí mà còn thể hiện được sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, thể hiện sự thành tâm của người dân cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu và những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình, làng bản.

Nghi lễ và trò chơi kéo co của người Tày, Giáy được sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống dân an, vật thịnh mà biểu trưng đám đông cùng tưng bừng thi kéo co, ném còn  xung quanh cây cột vũ trụ (cột nêu) nối liền với trời - đất. Ngoài ra, các trò diễn mô phỏng đời sống sinh hoạt lao động sản xuất, đấu tranh phần nào nói lên sự gắn bó của lễ hội với môi trường tự nhiên và xã hội của người Tày, Giáy. Các trò diễn được thể hiện một cách độc đáo, đặc sắc, có sự tham gia, cổ vũ mạnh mẽ của các thành viên trong cộng đồng; đáp ứng được nhu cầu chung của cộng đồng, dân tộc về văn hóa, tín ngưỡng, giáo dục và giải trí trong các dịp lễ Tết, đặc biệt là trong Lễ hội Xuống đồng.      

Sau vinh danh, việc thực hiện những cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản kéo co là một việc cần được quan tâm. Theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh: Di sản kéo co dân tộc Tày, Giáy được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là sự tôn vinh, giúp cho người dân có ý thức tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, không gian, cảnh quan tự nhiên, những phong tục tập quán... gắn với sự tồn tại và phát triển của di sản. Bởi vậy, trong mỗi gia đình, cộng đồng dân tộc tự có ý thức giáo dục các thế hệ con cháu nhận thức về giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; cần đưa di sản văn hóa phi vật thể vào trong chương trình học tập ngoại khóa các cấp học và làm quen với nghiên cứu khoa học cấp học trung học phổ thông.

Khảo sát thực tế cho thấy, nếu như trước đây, hầu như bản làng người Tày, Giáy nào trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đều tổ chức nghi lễ kéo co tượng trưng thì hiện nay trò kéo co mang tính nghi lễ đã giảm đi nhiều, thay vào đó là tổ chức cho các đội trong các thôn, các dân tộc kéo co tìm đội thắng. Thậm chí có nhiều làng người Tày, Giáy không còn tổ chức lễ hội xuống đồng; tuy nhiên nhưng trong không khí ngày Tết, chính quyền địa phương tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đều có các môn thể thao dân tộc như: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ... để người dân trên địa bàn tham gia. Bên cạnh đó, các trường học THPT, THCS thường xuyên duy trì môn kéo co truyền thống trong các ngày hội và hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt môn thi kéo co được coi là môn thể thao thi đấu bắt buộc trong các kỳ đại hội thể dục thể thao các cấp...

Với mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa là nhằm phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển con người; UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020”; trong đó chú trọng đến công tác tập huấn cho các đối tượng là công tác viên nghiên cứu, sưu tầm, các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, người có uy tín về ý nghĩa và vai trò của cộng đồng chủ thể và các di sản văn hóa phi vật thể đối với cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; về phương pháp bảo vệ và truyền dạy lại các di sản văn hóa trong cộng đồng; tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy lại các kỹ năng, tri thức của di sản cho cộng đồng ngay trong không gian văn hóa của di sản.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh, hiện nay có 22 cá nhân đại diện cho cộng đồng dân tộc Tày, Giáy đã và đang tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể Nghi lễ và trò chơi kéo co. Họ là những người ký bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể với trách nhiệm hướng dẫn, chỉ bảo cho thế hệ trẻ về ý nghĩa và cách thức tổ chức kéo co; tiêu biểu như ông Sần Cháng, dân tộc Giáy ở thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa; ông Lâm Văn Băng, dân tộc Tày ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà.... Ngoài những người trên, tại mỗi thôn bản có người Tày, Giáy sinh sống có nhiều người hiểu biết về trò chơi kéo co.

Bên cạnh sự vào cuộc của cấp chính quyền trong việc bảo tồn nghi lễ và trò chơi kéo co trong cộng đồng, theo chúng tôi, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu và có hình thức bảo tồn phù hợp để làm sao phát huy được những giá trị độc đáo của di sản, gắn với tín ngưỡng và hãy để cho cộng đồng làm chủ và thực hành di sản. Bởi cộng đồng các dân tộc Tày, Giáy – chủ thể di sản đã tích cực tham gia cung cấp thông tin về quy trình, diễn biến, cách thức tổ chức một cuộc kéo co và thực hành di sản phục vụ cho thu thanh, ghi hình xây dựng hoàn thiện hồ sơ, đồng thời góp phần bảo vệ và là người đại diện cam kết tiếp tục giữ gìn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể kéo co; để kéo co luôn là một trong những di sản văn hóa điển hình của Lào Cai./.

Hồng Minh






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập