Lào Cai 25° - 28°
Tạo dựng thói quen đọc sách từ các điểm bưu điện-văn hóa xã
Ba năm qua, việc phối hợp công tác tăng cường tổ chức các hoạt động phục vụ sách, báo tại những điểm bưu điện-văn hóa xã (BĐVHX) giữa hai Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Các điểm BĐVHX đang dần góp phần giảm “nghèo” thông tin, “đói” văn hóa đọc cho người dân, đặc biệt là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, nông thôn.

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo khảo sát tại một số điểm BĐVHX trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, số độc giả tìm đến điểm BĐVHXđể đọc sách, tra cứu thông tin đã tăng lên. Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận, vài năm trước tình trạng chung của các điểm BĐVHX thường vắng bóng độc giả, một vài điểm gần như trong tình trạng đóng cửa. Nhưng từ năm 2013 đến nay, các điểm BĐVHX đã thu hút hơn 60.000 lượt độc giả, hứa hẹn sẽ còn tăng lên trong những năm tiếp theo.

Hiện nay, nhiều điểm bưu điện-văn hóa xã, thư viện tỉnh đã được trang bị máy vi tính để người dân dễ dàng truy cập thông tin qua internet. Trong ảnh: Người dân đến tìm hiểu thông tin trên internet ở Thư viện tỉnh Hà Giang.

Việc đưa sách báo xuống phục vụ người dân tại các điểm BĐVHX đã và đang dần tạo dựng thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc trong các tầng lớp người dân trên địa bàn, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin của người dân vùng sâu, vùng xa. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, thư viện tỉnh đã đề xuất thực hiện việc luân chuyển sách, báo giữa thư viện cấp tỉnh, huyện đến 30 điểm BĐVHX thuộc 30 xã nông thôn mới với 6.000 bản sách báo các loại được luân chuyển, định kỳ mỗi quý một lần, bảo đảm mỗi phòng đọc sách có ít nhất 200 bản. Bên cạnh đó, thư viện tỉnh thường xuyên phối hợp với bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ các điểm BĐVHX. Cùng với nhiều mô hình đọc sách khác, phòng đọc sách của điểm BĐVHX góp phần nâng cao tỷ lệ người đọc sách và sử dụng thư viện trong toàn tỉnh từ 0,1 tài liệu/người năm 2014 lên 0,35 tài liệu/người năm 2016.

Điểm lại những kết quả có được sau 3 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa hai bộ, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) cho biết, hầu hết các địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của hai bộ, đồng thời có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện. Cho đến nay, 62/63 tỉnh, thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai ngành, đạt tỷ lệ 99,4%. Trong đó có 56 tỉnh, thành phố thực hiện luân chuyển sách, báo giữa thư viện cấp tỉnh, huyện đến 1.560 điểm BĐVHX. Tần suất luân chuyển tùy theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương, nhìn chung là 3-6 tháng/lần. Số lượng sách luân chuyển bình quân là 137 đầu sách/điểm/lần. Bà Vũ Dương Thúy Ngà đánh giá, kết quả này đã góp phần làm phong phú thêm vốn sách, báo hiện có của các điểm BĐVHX, từ đó thu hút người dân đến đọc nhiều hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của điểm BĐVHX.

Cần tăng cường đa dạng hóa nguồn tài liệu

Có thể nói, việc thực hiện triển khai chương trình tăng cường sách, báo giữa bưu điện và thư viện tại địa phương là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và cần thiết. Bởi đây là một trong những mô hình cung cấp thông tin văn hóa hữu hiệu, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay. Đối với ngành văn hóa, việc đưa sách, báo xuống cơ sở là hoạt động phục vụ bạn đọc ngoài thư viện có hiệu quả. Không chỉ khai thác triệt để vốn sách báo của thư viện tỉnh phục vụ cộng đồng, cách làm này còn góp phần tạo cho người dân thói quen đọc sách báo, giúp phát triển văn hóa đọc một cách sâu rộng, tiến tới xây dựng một xã hội coi trọng đọc sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đã đạt được, tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai và thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa hai bộ diễn ra mới đây tại Hà Nội, nhiều địa phương cho biết vẫn đang gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong công tác triển khai. Trong đó, đáng nói là số lượng báo luân chuyển chưa nhiều, nguồn sách báo còn nghèo nàn, nội dung cũ, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu độc giả, đặc biệt là nguồn sách dành cho thiếu nhi; thói quen đọc sách, báo của người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhìn chung còn thấp dẫn đến tình trạng người dân đến đọc sách, báo tại các điểm BĐVHX ngày càng ít. Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ của địa phương cho nhân viên từ việc kiêm nhiệm thêm hoạt động phục vụ sách báo hầu như chưa được chính quyền địa phương các cấp quan tâm.

Trước thực tế này, bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, 3 năm tới, từ 2017-2020, Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT cần rà soát, đánh giá, quy hoạch lại mạng lưới điểm BĐVHX trong cả nước. Trên cơ sở đó có kế hoạch ưu tiên đầu tư, nâng cấp cho những điểm có khả năng triển khai các chương trình, đề án của Chính phủ, các Bộ, ngành đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung tăng cường bổ sung, đa dạng hóa nguồn tài liệu. Hiện nhiều điểm BĐVHX cũng đã được trang bị máy vi tính. Ngoài việc đọc sách báo truyền thống, người dân cũng có thể truy cập thông tin và tri thức thông qua sử dụng máy vi tính và internet. Do đó, ngoài việc luân chuyển sách, báo, các thư viện công cộng có thể chia sẻ thêm các tài liệu, dữ liệu số mà thư viện đã xây dựng được. Hai bên cũng cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ hoạt động phục vụ sách báo tại các điểm BĐVHX để bảo đảm tính bền vững của chương trình.

Theo Báo QĐND
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập