Lào Cai 22° - 23°
Nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí là tiêu chí số 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (về các danh hiệu văn hóa). Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, khó khăn chung của các địa phương trong tỉnh là nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở để hoàn thiện tiêu chí số 6. Cụ thể, đối với xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới phải có 100% thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá, khu thể thao đạt tiêu chuẩn theo quy định mẫu của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hoá, khu thể thao. Trong đó, diện tích nhà văn hoá thôn, bản phải bảo các quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/3/2011 và  Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/ 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trên thực tế, việc huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất văn hoá trong triển khai xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế do ngân sách địa phương hạn hẹp, khả năng huy động sức dân có hạn, nhất là những nơi người dân đã đóng góp khá nhiều vào việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học... Thực tế, tại 9 huyện, thành phố, thị xã hầu hết diện tích nhà văn hóa, sân thể thao của các thôn, bản, tổ dân phố xây dựng trước năm 2016 chưa đạt theo tiêu chí nông thôn mới. Nguyên nhân do không có quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; mức hỗ trợ kinh phí thấp 50 triệu/nhà theo quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX; mặt khác mức sống của người dân còn thấp nên việc huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gặp khó khăn.

Để thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh đều quan tâm, tăng cường nguồn lực củng cố và phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định; HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 35/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020 và Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 35/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, các địa phương chủ động bố trí nguồn lực lồng ghép vào các chương trình, đề án như: Đề án 196, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới... và huy động các nguồn lực xã hội hóa, vận động nhân dân địa phương thông qua việc hiến đất tạo mặt bằng, góp ngày công, kinh phí để sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa… Trong đó tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt phương châm “Người nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới”. 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương đã xây dựng cơ sở vật chất văn hoá tương đối quy mô từ nguồn kinh phí xã hội hóa, chất lượng các phong trào ngày càng được nâng lên, diện mạo văn hoá ở các địa phương trong tỉnh đã thay đổi theo hướng tích cực; đặc biệt, phong trào xây dựng “Văn hoá nông thôn mới” đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ Nhân dân, phát triển mạnh ở các địa phương như thành phố Lào Cai, các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Văn Bàn… Các địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, tập trung quy hoạch diện tích đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và các địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực xã hội hóa đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà văn hoá thôn, bản, tổ dân phố đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới.

Trong  năm 2022, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa, nâng cấp gần 655 nhà văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, thôn, khu. Phần lớn nhà văn hóa các thôn có diện tích từ 70m đến 200m2 được trang bị những trang thiết bị thiết yếu như phông, màn, bục, tủ sách, báo, loa truyền thanh, bàn ghế, loa máy... Cùng với đó, tỉnh và các địa phương cũng chú trọng đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống thông tin - truyền thông cấp huyện, xã... Từ đây, hệ thống thiết chế văn hóa từ cấp huyện, xã đến thôn được quản lý và vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp của Nhân dân, tạo điều kiện để phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ, sâu rộng.

Với việc hoàn thiện các tiêu chí về văn hoá, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ở các địa phương trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 900 đội, câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ quần chúng và có trên 1.180 đội, câu lạc bộ thể dục, thể thao từ cấp huyện, thành phố đến cấp xã và các thôn, tổ dân phố. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước, các hội diễn, hội thi văn nghệ, thể thao quần chúng ở các địa phương trong tỉnh diễn ra sôi nổi ở các địa phương, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân. Tính đến năm 2022, toàn tỉnh 153.304/174.179 hộ dân đăng ký đạt danh hiệu GĐVH (đạt 88%); Làng bản văn hoá 1.413/1561 thôn, bản đăng ký đạt danh hiệu văn hóa (đạt 90,5%); còn 12/136 xã thị trấn chưa xây dựng trung tâm văn hóa xã, thị trấn; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư sinh hoạt.

Việc tổ chức thực hiện hiệu quả 2 tiêu chí văn hóa nông thôn mới góp phần hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hạn chế những tác động tiêu cực, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng sống của Nhân dân trong tỉnh. Thời gian tới, Lào Cai sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách cho các địa phương chưa có nhà văn hóa để xây dựng công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bên cạnh đó việc quy hoạch thực hiện, các địa phương cần ưu tiên dành địa điểm thuận tiện, diện tích phù hợp cho việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao của cộng đồng. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp,… trên địa bàn để có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị, phục vụ hoạt động của nhà văn hóa, tu bổ, nâng cao chất lượng các công trình văn hóa, thể thao./.

 

Minh Phượng
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập