Lào Cai 27° - 28°
Khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II – năm 2016
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II - năm 2016 vừa chính thức khai mạc vào tối 18/11, tại Quảng trường 26/3, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang).

Một tiết mục nghệ thuật được biểu diễn trong đêm khai mạc Ngày hội. (Ảnh: Vụ Văn hóa Dân tộc)

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc biểu dương, đánh giá cao việc Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II. Việc tổ chức ngày hội là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành đến đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Đây cũng là dịp để đồng bào trong cả nước nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng bày tỏ tình cảm, niềm tin vào Đảng, ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, qua đó củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh biên giới.

 Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng mong muốn các tỉnh có đông đồng bào Mông sinh sống nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng cần tập trung đẩy mạnh việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp, tính đa dạng, bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em. Xây dựng những giá trị văn hóa mới, tạo mọi điều kiện nâng cao mức thụ hưởng văn hóa; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 18 và 19/11, với sự tham gia của 13 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức  với nhiều hoạt động đặc sắc như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc Mông, tái hiện một số lễ hội đặc sắc và nghi thức sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông; thi đấu các môn thể thao và trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông;...

Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra triển lãm đặc trưng văn hóa, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông.

Đây là sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đồng thời, cũng là dịp để các diễn viên, vận động viên, nghệ nhân đồng bào Mông gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ khai mạc ngày hội đã thực sự tạo ấn tượng với nhân dân và du khách tham dự bằng chương trình nghệ thuật độc đáo, tái hiện quá trình lịch sử hình thành và phát triển của đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, phản ánh rõ bản sắc văn hóa đặc trưng và đời sống sinh hoạt của đồng bào Mông./. 

Lan Phạm 
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập