Lào Cai 27° - 29°
Đi tìm nguồn gốc những khúc xương trong hang động cổ
Nhận được thông tin từ UBND xã A Lù báo cáo về việc người dân thôn Khoa San Chải, xã A Lù, huyện Bát Xát phát hiện thấy những khúc xương nằm sâu trong một hang động cổ trên dãy núi đá thuộc thôn Khoa San Chải, ngày 7/8/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao cho phòng Quản lý di sản văn hóa và Bảo tàng tỉnh phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bát Xát tiến hành khảo sát thực tế tại địa bàn để kịp thời nắm bắt những thông tin do người dân cung cấp.

Hang cổ nằm cách đường tỉnh lộ 158 khoảng 1,5km, nằm trên một ngọn núi đá cao, đường đến với hang hết sức khó khăn, chủ yếu là đường mòn có độ dốc lớn, có những đoạn phải lần theo khe suối gây nhiều khó khăn cho việc di chuyển. Cửa hang hẹp, phía trong hang tối. Hang được chia ra làm 3 tầng hang, ở mỗi tầng hang đều có lối xuống chật hẹp, ẩm, trơn, phía trên có thạch nhũ. Ở khu vực lối phát hiện 3 đoạn xương, trong đó có một đoạn xương còn lại nguyên vẹn, có chiều dài 26,2cm, đường kính 5cm; hai đoạn xương còn lại ngắn hơn, chiều dài 15cm, đường kính 4,5cm. Ngoài ra còn một mẩu xương nhỏ có chiều dài khoảng 5cm, một đầu nhỏ có đường kính khoảng 0,7cm, một đầu to cho đường kính khoảng 1cm. Nằm trên lối xuống có một đoạn xương ống bị gãy để lộ ra, một đầu vẫn nằm trong lớp đất đen lẫn đá. Tiếp theo là lối xuống dưới tầng thứ 3 rộng lớn hơn, khu vực phía dưới có nhiều con dơi sinh sống. Đây cũng là khu vực phát hiện thêm một số đoạn xương khác, gồm một số đoạn xương ống, xương hàm lớn với hàm răng sắc nhọn, chiều dài của bộ hàm khoảng 20cm. Khu vực dưới khu vực tầng dưới cùng này có một chiếc xương sọ, theo anh Cao Có Giá – phó Công an xã A Lù cho biết chiếc xương sọ tương đối nhỏ và đã được công an huyện mang đi để xác minh nguồn gốc, chủng loại.

Có thể nói, qua bước đầu khảo sát, đánh giá sơ bộ về chiếc hang cổ và những mảnh xương còn lại trong hang cho thấy, những mảnh xương này còn khá nguyên vẹn, xương có màu vàng, thành xương dày và còn khá chắc. Để xác định tuổi của xương và là xương người hay xương động vật thì vẫn cần chờ các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá, kết luận. Để đảm bảo sự vẹn nguyên của hang động cổ, ông Tẩn Phù Chiêu – Chủ tịch xã A Lù cho biết, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân cùng chung tay bảo vệ hang động, bảo vệ những hiện vật còn lại trong hang động để phục vụ công tác khảo sát, nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học về lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng, sự tồn tại của các loài động vật nơi vùng núi cao thôn Khoa San Chải.

Đoàn khảo sát hang động

Những khúc xương ở lối xuống tầng 2 hang động cổ

Lối xuống hang

Đoạn xương hở ra lối xuống động.
Xương sọ phía cuối hang động

                                                      Dương Tuấn Nghĩa – Sở VHTTDL


1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập