Lào Cai 26° - 28°
Cây Mai trong đời sống văn hóa người Nùng Dín
Cây mai, tiếng Nùng Dín gọi là “máy mui”. Hầu hết tộc người Nùng Dín tại các làng bản cư trú đều trồng cây mai, bình quân mỗi hộ một khóm. Cây mai là một trong các loại cây lâm sản vườn rừng của các dân tộc thiểu số nói chung và người Nùng Dín nói riêng.

Cây mai được đồng bào trồng trọt duy nhất 01 lần bằng thân cây non rồi dần tự phát triển, mỗi năm chỉ phải phát cỏ bụi rậm 01 lần vào mùa măng mọc, không phải chăm sóc mất nhiều thời gian. Cây mai thường được trồng tại các hốc đá vườn rừng hoặc các triền dốc đồi nương lưng núi sau các làng bản. Sau khi trồng sống, những năm đầu mỗi khóm chỉ mọc từ 3 đến 4 mầm măng nhỏ, rồi càng về những năm sau, măng càng mọc nhiều và to dần tạo thành khóm mai tỏa bóng xum xuê.

Cây mai có đặc tính thân cây thẳng, to, đường kính từ 10 – 15cm, cao từ 15 đến 17m. Rễ cây thuộc loại rễ chùm bám giữ đất rất chặt, có tác dụng chống xói mòn chất màu của đất. Thập kỷ đầu khi cây mai mới trồng, sống và phát triển đồng bào không bẻ măng để ăn (hoặc bán) mà để sinh trưởng thành cây, tạo thành khóm mai to vừa tạo nên cảnh quan “sơn thủy hữu tình” sau mỗi ngôi nhà, làng bản vừa giữ đất không cho đất bạc màu, bảo vệ môi trường.

Khác với các loại cây lâm sản vườn rừng nhân tạo (cây sa mu, cây mỡ, cây xoan, cây trúc, cây hóp, …), cây mai là cây được sự dụng làm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, sinh hoạt đời sống với nhiều giá trị sử dụng thiết thực hơn cả.

Đó là, đồng bào sử dụng cây mai già làm nhà cửa, chuồng trại gia súc. Cụ thể là làm đòn tay (máy pew), nóc nhà (thửng rân), ly tô lợp ngói mái nhà (cạp chích), dát trải sàn gác nhà (rụp rùng riếng), làm phên dậu thay thúng ván quây xung quanh nhà ở (slanw pungw rí hốm rân); quây chuồng lợn, ốp dát chuồng lợn; làm giả mái ngói âm dương lợp chuồng lợn, chuồng trâu, làm khung và đan phên quây chuồng gà. Khi sử dụng làm nguyên vật liệu nhà cửa, chuồng trại đồng bào thường chặt cây vào mùa đông, tránh chặt mùa măng mọc cây mai dễ bị mọt và đem ngâm nước cho cây mai có mùi chua thối, tránh mối mọt cắn cây.

Cùng với làm nhà cửa, chuồng trại gia súc, gia cầm đồng bào còn sử dụng cây mai non chẻ lạt đan cót phơi (slanw pphân phến). Cót được đan theo kiểu long đôi vừa dẻo vừa bền, có thể đem cuốn lại cất gọn gàng sau mỗi lần sử dụng. Ngoài cót, đồng bào còn dùng các dóng mai làm ống bương gánh nước (băng nắm); ống bương đựng nòng nọc và con tép xúc ở ruộng và suối (băng ty trùng, mêng tsoongw); ống bương đựng dưa, ngồng cải (chăm pphác riu); ống bương đong ngô hạt hoặc lạc ủ (bụcj hàng tsaow khau).

Đặc biệt, đồng bào dùng cây mai làm cây rào trâu, ngựa phá hoại lúa ngô, bảo vệ mùa màng trên đồng ruộng, nương rẫy. Họ dùng cả cây dài đóng cọc buộc vào (nếu là cây to, nặng thì bổ làm đôi). Nếu rào vườn tược sau nhà thì cắt đoạn dài từ 1,2 đến 1,5m, chẻ làm 4 hoặc 6 hay 8 mảnh đan xít dựng đứng, đồ dày từ 5 – 7 nan ngang đảm bảo chắc và bền. Làm máng dẫn nước tưới ruộng bậc thang trên các khe thung lũng; làm máng bắc nước sạch từ các khe mạch nước ngầm trong núi sau bản về bể chứa nước phục vụ sinh hoạt (lin cải nắm). Khi làm máng nước, họ làm bằng 02 cách là: bổ đôi cây mai rồi dóc mấu cho phẳng hoặc vát, dóc phẳng các mấu để máng không bị khô cong, bị dập vỡ. Nếu không bị người và gia súc phá hoại, máng cây mai khá bền, có thể sử dụng từ 2 đến 3 năm mới phải thay, mang lại nhiều hiệu quả lớn vừa tận dụng tài nguyên nước trời phục vụ trồng cấy, sinh hoạt vừa giảm sức lao động con người trong việc che chắn, tát nước và gánh nước.

Ngoài ra, người Nùng Dín còn sử dụng cây mai làm các đạo cụ, công cụ thực hành các nghi lễ tín ngưỡng tộc người. Đó là dùng bẹ mai khô (toôngw nả máy mui) cắt các biểu tượng trâu, ngựa làm đạo cụ cúng giải hạn, cắt hình người treo trên cây cắm trong các nương rẫy, ruộng đồng đe dọa súc vật phá hoại cây giống lúa, ngô. Lấy nguyên cây mai nhỏ để cả ngọn làm cột chôn treo cờ tang (toồng chùng), treo lễ vật cây tiền (toồng slaw); chẻ mai non đan làm khung nhà táng cho người quá cố trong tang lễ (chả chân chích); làm đòn tay khiêng người quá cố (lăn can thặp khônw chảo).

Khác với loại cây lâm sản trúc, tre, vầu, nứa, măng mai có đặc điểm búp măng to, sản lượng nhiều; một búp măng mai có sản lượng măng sử dụng gấp 3 đến 4 lần măng các loại cây trên. Mặt khác, măng mai rất ngọt, ăn rất ngon nên đồng bào Nùng Dín thường sử dụng măng mai làm thức ăn. Trừ 7 đến 8 năm đầu, măng mai mọc ít và nhỏ, chủ yếu để làm giống phát triển thì sau đó hàng năm đồng bào đều tỉa  các loại búp măng xấu, còi hoặc có con sâu cắn về nấu ăn. Khi chế biến làm thức ăn, đồng bào có nhiều cách cụ thể: sau khi bóc bẹ xong thì rửa sạch, thái nhỏ đem xào tươi hoặc luộc qua nước một lần bỏ chất khé của măng (mănw ảy), rồi dùng xào hoặc nấu ăn. Khi xào nấu thường cho gia vị lá chanh hoặc tía tô, mùi tàu thái nhỏ mới hợp khẩu vị.

Đặc biệt, đồng bào Nùng Dín sử dụng măng mai làm măng chua (rang sm) để bảo quản lâu dài, làm gia vị ăn uống dự trữ. Để làm món măng chua, đồng bào bóc hết bẹ măng sau đó bóc hết bẹ non để xào, nấu hoặc măng chua ngọt (rang tàu) để chế biến thức ăn. Còn lại thịt củ và thân măng mới dùng làm măng chua ủ trong vại sành, loại có vành ở cổ đựng nước để điều hòa nhiệt độ. Khi làm măng chua thì đem rửa sạch, không dính mỡ rồi đem thái chỉ cho vào vại và rắc phun một ít nước sôi để nguội cho sâm sấp. Cứ thế ủ kín từ 6 tháng đến 01 năm mới bỏ ra ăn và càng để lâu càng tốt. Măng chua có nhiều cách ăn tiêu biểu là: dùng làm nước chua nấu canh đậu, óc đậu; nấu canh chay rau cải, rau bí; xào ớt; ninh chân giò thui, nấu canh thịt trâu, bò, ngựa; xào lòng lợn, trâu, bò, con tép, nòng nọc,… Khi lấy chế biến món ăn cũng tuyệt đối kiêng không được dính mỡ.

Ngoài việc lấy măng để làm thức ăn hay làm nguyên liệu chế biến các món ăn đặc sản, đồng bào Nùng Dín cũng còn dùng cây mai để làm hàng hóa mua bán trao đổi (trị giá mỗi cây hiện nay từ 100 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng, cả công chặt và vận chuyển). Tuy nhiên, việc mua bán này cũng rất hạn hữu, chủ yếu những người thợ mộc, thợ xây mua để bắc giàn giáo khi hành nghề.

Có thể nói, tuy mai là loại cây lâm sản vườn rừng không được trồng nhiều nhưng được đồng bào Nùng Dín quan tâm duy trì trồng để tạo cảnh quan; bảo vệ  môi trường và khai thác được nhiều giá trị sử dụng thiết thực phục vụ đời sống sinh hoạt một cách hiệu quả./.

ThS. Vàng Thung Chúng

1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập