Lào Cai 25° - 27°
Báo động về tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai và đề xuất các giải pháp phòng, chống.
Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều tin bài phản ánh đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. “Tảo hôn” là việc kết hôn trước tuổi được phép kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, tức là: nam phải đủ 20 tuổi, nữ phải đủ 18 tuổi trở lên (Điều 9). Như vậy, việc kết hôn trước tuổi theo pháp luật qui định - gọi là “tảo hôn” bị pháp luật cấm. Nếu kết hôn trong trường hợp mà cả hai bên hoặc một trong hai bên chưa đủ tuổi kết hôn thì cả hai bên đều vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. 

Có thể nói, cả việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đều gây ra hậu quả lâu dài, thậm chí nghiêm trọng đối với cả gia đình, nòi giống và cả xã hội. Đây cũng chính là trở lực lớn đang ngăn cản lại quá trình xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ mà chúng ta đang cố gắng hướng tới.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, Lào Cai là một tỉnh miền núi Tây Bắc có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên hiện tượng tảo hôn cũng còn tồn tại khá nhiều. Vừa qua, trong quá trình điều tra thu thập thông tin thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học Gia đình đối với sự phát triển tỉnh Lào Cai – Thực trạng và giải pháp, chúng tôi đã có dịp khảo sát về tình trạng này ở một số địa phương trong tỉnh. Rất nhiều địa phương khi được hỏi “Trên địa bàn ông/bà quản lý có trường hợp nào tảo hôn, nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng không?”  thì đều nhận được câu trả lời là “Không” hoặc nếu có cũng chỉ là những con số hi hữu 2-3 trường hợp. Song trong quá trình khảo sát bằng nghệ thuật hai thác thông tin chúng tôi đã thu thập được danh sách của rất nhiều cặp nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng, được hai bên gia đình đồng ý cho về sống với nhau, sinh con đẻ cái, khi nào đủ tuổi thì mới đăng ký kết hôn.

Qua khảo sát tại 19 xã của huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa và Bát Xát chúng tôi đã thu thập được thông tin của 136 cặp nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng. Trong đó: có 80/136 trường hợp nữ có độ tuổi từ 12 -17 tuổi (04 trường hợp trong độ tuổi 12 (sinh năm 2005); 02 trường hợp tuổi 13; 09 trường hợp độ tuổi từ 14; 14 trường hợp tuổi 15; 24 trường hợp tuổi 16; còn lại 27 trường hợp trong độ tuổi 17). 56 trường hợp nam có độ tuổi từ 15-19 tuổi (02 trường hợp 15 tuổi , 07 trường hợp 16 tuổi; 16 trường hợp 17 tuổi, 07 trường hợp 18 tuổi, 14 trường hợp trong độ 19 tuổi. Địa phương để tình trạng này xảy ra nhiều là xã La Pán Tẩn, Dìn Chin (huyện Mường Khương), xã Bản Già, Tả Van Chư và Bảo Nhai (huyện Bắc Hà)... Hầu hết các cháu nữ mới chỉ ở độ tuổi 15-16 đã được gả về nhà chồng, sinh con được 1- 2 tuổi mới đủ tuổi ra UBND xã đăng ký kết hôn. Song phải kể đến là trường hợp của cháu S.T.V ở thôn Ý Lình Hồ ( xã San Xả Hồ - huyện Sa Pa), vẫn còn đang là học sinh, lỡ mang thai nên đã phải về nhà chồng khi mới 12 tuổi.

Hậu quả do việc chung sống như vợ chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn từ lâu đã xảy ra trong cộng đồng nhưng trong một vài năm trở lại đây tình trạng này lại rộ lên ở khắp nơi trong tỉnh. Theo báo cáo của các địa phương, trong 3 năm từ 2015 đến tháng 9/2017 toàn tỉnh có 1.828 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng này xuất phát từ khá nhiều lý do khác nhau. Trước hết, đó là do xuất phát từ cách suy nghĩ, thói quen của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người làm, có thêm người cáng đáng việc gia đình. Do đó, việc cưới con dâu về nhà được diễn ra càng sớm lại càng tốt. Mặt khác, do phong tục còn nhiều lạc hậu, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số chưa cao, điều này đồng nghĩa với sự hiểu biết và chấp hành pháp luật còn  nhiều hạn chế. Ngoài ra, đối với một số gia đình dù không muốn con mình đang ở độ tuổi học sinh mà đã sớm phải lo chuyện gia đình, nhưng vì con đã lỡ mang thai nên không còn cách nào khác là buộc phải tổ chức đám cưới, sinh con xong khi nào đủ tuổi thì đăng ký.

Trước thực trạng nạn tảo hôn có xu hướng ngày một phát triển, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tỉnh trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025", UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 06/7/2016 của UBND tỉnh Lào Cai thực hiện Đề án "Giảm thiểu tỉnh trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020" trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 30/10/2017 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 các huyện Mường Khương, Si  Ma Cai, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát phấn đấu giảm từ 70-80%/năm số người tảo hôn, các huyện còn lại giảm từ 85-90%/năm và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Đến năm 2025, căn bản chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để thực hiện được mục tiêu đó, các địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo từ cấp ủy Đảng, chính quyền đến các đoàn thể, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở... Đồng thời, xây dựng một chế tài đủ mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng, bởi trên thực tế, vì nhiều lý do, không ít tổ chức chính quyền ở cơ sở vẫn còn bỏ ngỏ, chưa quan tâm hoặc dễ dãi với người vi phạm nên đã tạo ra tâm lý xem nhẹ pháp luật trong một bộ phận người dân. Đặc biệt phải xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, thiếu gương mẫu trong  việc phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hủ tục lạc hậu, là một trong những tệ nạn xã hội, đang ngăn cản việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, là trở lực thực hiện đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, cong người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đấu tranh bài trừ tệ nạn tảo hôn và HNCHT là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

THANH NHÀN

1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập