Lào Cai 23° - 25°
“Chiến sỹ văn hóa” vùng cao
LCĐT - Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh, thì ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, người dân vẫn khó có điều kiện để tiếp cận các sản phẩm văn hóa. Vì vậy, những người làm công tác tuyên truyền, chiếu phim lưu động đang hằng ngày âm thầm đến các thôn, bản mang những “món ăn” tinh thần phục vụ người dân, họ xứng đáng được gọi với cái tên gần gũi: “Chiến sỹ văn hóa” vùng cao. Mang văn hóa đến với vùng cao

Trận mưa mùa hè xối xả khiến con đường dẫn vào thôn Nậm Nhìu, xã Nậm Sài (Sa Pa) trở nên trơn trượt hơn những ngày thường nhưng đoàn chiếu phim và tuyên truyền lưu động, thuộc Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh vẫn quyết tâm mang bộ phim mới đến chiếu phục vụ bà con. Phương tiện các “chiến sỹ” trong đoàn chiếu phim và tuyên truyền lưu động dùng để chở thiết bị, máy móc là những chiếc xe máy “dã chiến” mà mỗi lần vượt dốc cứ nhảy chồm chồm. Cứ tưởng trận mưa to sẽ khiến máy chiếu và các thiết bị như tăng âm, loa đài sẽ bị ướt, nhưng với kinh nghiệm hàng chục năm lặn lội lên vùng cao bằng xe máy, các cán bộ trong đoàn vẫn giữ khô ráo, cho dù bản thân họ bị ướt sũng.
Trời vừa sẩm tối, bà con trong thôn Nậm Nhìu và khu vực lân cận đã kéo đến nhà văn hóa trung tâm - nơi sẽ tổ chức chiếu phim rất đông. Vì thế, chẳng kịp tắm rửa, thay bộ quần áo ướt sũng vì mưa, các “chiến sỹ” chỉ kịp ăn vội bát cơm nóng của đồng bào trong thôn “chiêu đãi”, rồi ai nấy bắt tay vào công việc chính của mình, lắp đặt các thiết bị để buổi chiếu phim được bắt đầu.

  Kiểm tra, lắp đặt thiết bị trước buổi chiếu phim.       Ảnh: Dương Toản (Bảo tàng tỉnh)

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội Chiếu phim và Tuyên truyền lưu động, chia sẻ: “Chúng tôi đã quen với công việc của mình. Khi nhiều người đang quây quần ở nhà với người thân thì chúng tôi phải tập trung cho công việc ở vùng khó khăn, sau buổi chiếu lại thu dọn đồ đạc đến khuya. Vất vả nhưng bù lại mỗi lần chiếu phim hay tuyên truyền lưu động, chúng tôi được đồng bào các dân tộc vùng cao đón nhận rất nhiệt tình, điều đó đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Có mặt tại buổi chiếu phim mới thấy được niềm vui của người dân Nậm Nhìu, họ cười nói bàn luận rôm rả về nội dung bộ phim, ai cũng vui vẻ như được sống trong không khí của ngày hội thực sự. “Lâu rồi đoàn chiếu phim lưu động mới về với Nậm Nhìu, chúng tôi mừng lắm. Những bộ phim truyện, phóng sự về lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước rất hay và ý nghĩa, giúp chúng tôi hiểu biết hơn về đất nước, quê hương mình…” -  chị Hoàng Thị Liên ở xã Nậm Sài tâm sự.
Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh hiện có 2 tổ (mỗi tổ 3 người), có nhiệm vụ chiếu phim và tuyên truyền lưu động tại các thôn, bản vùng cao ở 9 huyện, thành phố. Theo kế hoạch, mỗi tổ thực hiện chiếu phim và tuyên truyền lưu động 150 buổi/năm, tập trung chủ yếu ở các xã khó khăn, ít có điều kiện tiếp xúc với điện ảnh. Những bộ phim được trình chiếu có nội dung gắn với những sự kiện hay ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; nội dung tuyên truyền chủ yếu là những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn hóa, lịch sử, những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, học tập… Anh Vũ Đình Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh cho biết: “Để thu hút người dân đến xem phim, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa lưu động của đơn vị, hay loa phát thanh ở địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị luôn đổi mới nội dung phim, phù hợp với nhận thức và thị hiếu của đồng bào vùng cao, nhưng vẫn đúng định hướng tuyên truyền. Những nơi chúng tôi đến, cán bộ của đơn vị thường tranh thủ làm những phóng sự truyền hình về điển hình tiên tiến ở địa phương, sau đó phát ngay trong buổi tối, nên rất thu hút sự quan tâm của người dân”.
Nghề không đơn giản
Công việc chiếu phim, tuyên truyền lưu động của cán bộ Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh tưởng chừng đơn giản, nhưng qua những câu chuyện kể trên đường công tác, chúng tôi đã cảm nhận được những khó khăn, vất vả và tình yêu nghề của họ. Được biết, để hoàn thành chỉ tiêu mỗi năm 150 buổi chiếu phim, các cán bộ làm nhiệm vụ này gần như không có ngày nghỉ. Thường thì ban ngày họ phải di chuyển từ thành phố lên các thôn, bản vùng cao, buổi tối lại chiếu phim phục vụ bà con. Những ngày không đi chiếu phim, cán bộ trong Trung tâm lại tất bật với công việc chuẩn bị nội dung tuyên truyền, trình chiếu cho lần sau và vệ sinh, sửa chữa các trang, thiết bị... Hiện, việc di chuyển đi chiếu phim, tuyên truyền lưu động của cán bộ Trung tâm chủ yếu bằng xe máy cá nhân, trong khi đó phải mang theo nhiều trang, thiết bị nên gặp rất nhiều trở ngại, nhất là vào mùa mưa. Việc ăn, nghỉ của cán bộ phục vụ công tác chiếu phim, tuyên truyền lưu động cũng phụ thuộc nhiều vào sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân.

Mỗi buổi chiếu phim ở vùng cao luôn thu hút đông đảo người dân đến xem.

Anh Nguyễn Văn Huyên, cán bộ phục vụ chiếu phim, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh tâm sự: “Đồng bào các dân tộc vùng cao cũng còn nhiều thiếu thốn, nhưng rất chân thành, tình cảm. Nhiều hôm, đoàn chiếu phim chúng tôi được bà con cho con gà, quả trứng, hay vài củ khoai… Tình cảm của người dân vùng cao với cán bộ chiếu phim khiến chúng tôi rất trân trọng và cảm động”.

Vận chuyển trang, thiết bị phục vụ công tác chiếu phim, tuyên truyền.       

Công việc chiếu phim, tuyên truyền ở vùng cao, vùng sâu không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều lần, trong quá trình di chuyển, các trang - thiết bị bị hỏng, các đồng chí trong tổ chiếu phim, tuyên truyền lưu động phải “chế” đủ mọi cách, nếu không được thì mượn của người dân hay chính quyền địa phương để phục vụ bà con. Hiện nay, khó khăn nhất với mỗi đoàn chiếu phim, tuyên truyền lưu động là thiếu phương tiện phục vụ di chuyển. Không ít lần từ trung tâm tỉnh lên các thôn, bản vùng cao ở các huyện: Si Ma Cai, Bảo Yên, Bát Xát, Sa Pa… cán bộ trong đoàn bị ngã hoặc ốm. Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của cán bộ chiếu phim, tuyên truyền lưu động không cao. Ngoài lương, mỗi buổi chiếu phim, tuyên truyền của một tổ gồm 3 cán bộ sẽ được hưởng 500.000 đồng phụ cấp xăng xe và ăn, nghỉ… “Với những người tâm huyết, yêu nghề thì vật chất không cần đo đếm. Tuy nhiên, đằng sau mỗi cán bộ làm công tác tuyên truyền, chiếu phim lưu động còn cả một gia đình, với bộn bề lo toan cơm, áo, gạo, tiền. Số tiền phụ cấp nhiều khi không đủ chi phí tiền xăng, vì thế, tôi cũng thấy thương cho anh em” - anh Trọng cho biết thêm.
Hiện, các trang - thiết bị phục vụ cho việc chiếu phim tuyên truyền đa số do các đơn vị khác tặng, là đồ cũ, lạc hậu, chất lượng thấp. Để phục vụ nhiệm vụ chính trị tốt hơn trong thời gian tới, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư trang - thiết bị hiện đại, bổ sung kinh phí hoạt động, để mua và sản xuất các bộ phim, phóng sự tuyên truyền có chất lượng, hấp dẫn người xem hơn…
 Vượt lên tất cả, với tình yêu nghề và cao hơn là mong muốn người dân vùng đặc biệt khó khăn có cuộc sống tốt đẹp hơn, những “chiến sỹ” trên mặt trận văn hóa vẫn ngày ngày nỗ lực cống hiến, góp sức mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào vùng cao.

TẤT ĐẠT
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập