Lào Cai 26° - 28°
Lào Cai - 25 năm một chặng đường xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở
Ra đời từ Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Trải qua 25 năm kể từ khi tái lập đến nay, công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Kết qủa của các công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã tạo nên những chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong nhân dân về vai trò của văn hoá trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển.

Những năm đầu khi mới tái lập tỉnh, trước thực trạng đời sống của nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn, hoạt động văn hóa, thể thao còn  nghèo nàn, cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa thể thao ở cơ sở hầu như không có, cả tỉnh chỉ có 10 đội văn nghệ, 6 đội thể thao với vài ba hoạt động sơ sài. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Kế hoạch, Chương trình hành động, thành lập Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp, đưa các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, thể thao vào nghị quyết của cấp ủy, chỉ đạo quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Nhờ vậy các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2000 toàn tỉnh đã có 264 đội văn nghệ ở thôn bản, cơ quan, đơn vị, 230 đội thể thao, 120 câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ thể thao duy trì hoạt động. Sự phát triển của phong trào văn nghệ thể thao ở cơ sở cùng với hoạt động của các đơn vị chuyên nghiệp như Thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc làm cho mức hưởng thụ của nhân dân các dân tộc đã được nâng lên. Đặc biệt sau 10 năm, tỉnh Lào Cai đã xóa được “xã trắng” không được xem phim và văn nghệ hàng năm. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với cốt lõi là phong trào xây dựng gia đình văn hóa được triển khai thực hiện. Năm 2000 toàn tỉnh đã có 51.636 hộ gia đình văn hoá (chiếm 44%), 383 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, 253 cơ quan, đơn vị có nếp sống văn hoá.

Mặc dù đã thu được kết quả ban đầu song công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở còn tồn tại nhiều bất cập: Các hoạt động văn hoá ở cơ sở chưa sâu rộng và mức hưởng thụ chưa cao, thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hoá thể thao còn hạn chế,việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang chưa được rộng khắp, nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết hiệu quả như ma tuý, di cư tự do, hủ tục lạc hậu...  Công tác vận động quần chúng một số cơ sở chưa tốt nhất là vùng cao, vùng khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ năm 2001 công tác văn hóa, thể thao Lào Cai tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu hướng về cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng đời sống văn hóa nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần cho nhân dân, chú trọng khai thác, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc.  Lào Cai đã huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhờ đó mức hưởng thụ về văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao. Hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao quần chúng ở cơ sở từ tự phát đã phát triển thành phong trào sôi nổi rộng lớn, lan tỏa tới các thôn bản vùng cao.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp và được nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Phong trào đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư tưởng, đạo đức của người dân, đã huy động sức người, sức của, phát huy sức mạnh toàn dân tộc vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội chung của tỉnh. Nổi bật là công tác xóa bỏ tập quán lạc hậu, xoá đói giảm nghèo; giữ vững ổn định trật tự xã hội; thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hoá truyền thống, giữ gìn cảnh quan môi trường; thực hiện các phong trào đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Vì người nghèo” mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Năm 2010 toàn tỉnh có 92.678/135.557 hộ gia đình văn hóa (chiếm 67,6%), 1.090 làng bản, thôn tổ văn hóa (chiếm 50%), 1.254 cơ quan, đơn vị văn hóa. Đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên với 118.964/151.807 hộ gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 78,37%), 1.579/2.197 làng, bản tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (chiếm 72%), 1.581 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa (chiếm 90%).

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và tín ngưỡng có nhiều chuyển biến tích cực. Với nhiều cách làm sáng tạo, Lào Cai đã tổ chức nhiều hội nghị già làng, trưởng bản phổ biến quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội của tỉnh và ký cam kết xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong cưới xin, tang lễ… nhờ đó diện mạo đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Toàn tỉnh đã có 94% số đám cưới thực hiện đúng quy định của pháp luật, các hủ tục thách cưới cao mang tính gả bán, tổ chức ăn uống linh đình đã dần được xóa bỏ. Trong đám tang đã khắc phục được tình trạng tổ chức ăn uống linh đình, trên 90% số đám tang đã không để người chết trong nhà quá thời gian quy định (48 giờ). Đặc biệt, điển hình nhất là Huyện Bát Xát và Sa Pa đã cải tạo được tập quán không cho người chết vào áo quan đạt kết quả tích cực. Các lễ hội Lào Cai từ dân gian đến lễ hội dương đại được khôi phục, duy trì, phát triển và thực hiện đúng quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa TT&DL đã tạo thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn thu hút nhiều du khách tham dự…

Các thiết chế văn hóa , thể thao từng bước được củng cố, xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Nếu như năm 1999, toàn tỉnh Lào Cai mới có 12 thôn bản có nhà văn hoá thì đến năm 2015, toàn tỉnh có 1.386 nhà văn hóa, trong đó 1.322 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn bản trong giai đoạn từ 2000 đến nay khoảng 107 tỷ đồng. Các nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư được xây dựng đều được sử dụng và khai thác hoạt động có hiệu quả.

Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao cơ sở được khôi phục phát triển mạnh mẽ và duy trì hoạt động thường xuyên do nhân dân tự đóng góp kinh phí tổ chức. Nhờ hệ thống nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư được xây dựng và phát triển, trong đó có 42% số nhà được đầu tư trang thiết bị hoạt động đã tạo cơ sở cho việc phát triển đội văn nghệ - thể thao và tổ chức hoạt động. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh Lào Cai đã xây dựng, phát triển được 1.014 đội văn nghệ và 977 đội thể thao từ 01 môn trở lên. Các đội văn nghệ, thể cơ sở bình quân mỗi năm tổ chức được từ 5-7 buổi văn nghệ - thể thao/đội, trong các dịp ngày Tết, ngày lễ của dân tộc và địa phương nhất là ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (18/11) hàng năm. Năm 2015 đã tổ chức được 1.218 cuộc thi đấu thể thao, 1.080 đêm giao lưu văn hoá - văn nghệ, hội thi - hội diễn nhân dịp các ngày lễ kỷ niệm góp phần nâng cao mức hưởng thụ và tham gia sáng tạo Văn hóa - Thể thao cho nhân dân ngay từ cơ sở.

Công tác xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến nay đã trải qua 25 năm (tính từ năm 1991), đó là cả một hành trình phấn đấu liên tục với bao khó khăn, thay đổi nhưng cũng rất phấn khởi, tự hào với nhiều thành tựu song cũng không tránh khỏi những hạn chế, tồn tại như các công tác khác. Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Đề án số 08 về phát triển văn hóa thể thao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020. Trong đó nhiệm vụ đầu tiên của Đề án là nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, trọng tâm là xây dựng đời sồng văn hóa cơ sở nhằm tạo điều kiện để người dân chủ động tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, hòa thuận, hạnh phúc góp phần đưa tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển về văn hóa, thể thao trong khu vực Tây Bắc.

Thanh Nhàn





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập