Lào Cai 26° - 28°
25 năm nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh lào cai
Lào Cai là một tỉnh miền núi vùng cao, toàn tỉnh có 13 dân tộc với 25 nhóm ngành khác nhau tạo nên những loại hình di sản văn hóa hết sức đa dạng, phong phú.

Cùng với 25 năm tái lập, bên cạnh các nhiệm vụ quan trọng khác nhằm ổn định xây dựng và phát triển, tỉnh Lào Cai luôn đề cao nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của các dân tộc. Trong suốt 25 năm qua, Sở VHTTDL đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, từng bước khẳng định được giá trị của các di sản, góp phần vào quá trình xóa đói, giảm nghèo từ các di sản văn hóa của mình.

- Các đề tài nghiên cứu khoa học, đề án, chương trình kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

Các đề tài đã thực hiện chủ yếu gồm: Đề tài Nghiên cứu khoa học về “Kiểm kê di sản văn hóa làng các dân tộc tỉnh Lào Cai; Quy hoạch xây dựng làng người Dao đỏ thôn Xả Séng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa và thôn Lao Chải 1, xã Y Tý, Bát Xát; Di sản múa Mông, Dao, Hà Nhì tỉnh Lào Cai; Xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng thôn Nậm Cang 1, xã Nậm Cang; Xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai.

- Các Dự án thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư theo chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Trong hơn 10 năm qua, Sở VHTTDL đã nhận được nhiều các dự án kiểm kê văn hóa, bảo tồn di sản văn các dân tộc từ Bộ VHTTDL thông qua chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, trong đó gồm các dự án: Dự án bảo tồn văn hóa dân gian người Thu Lao; Bảo tồn nghề thuốc người Dao; Bảo tồn văn hóa dân gian người Xá Phó; Bảo tồn văn hóa dân gian người Pa Dí; Bảo tồn văn hóa dân gian người Bố Y; Bảo tồn văn hóa dân gian người La Chí; Bảo tồn văn hóa dân gian người Hà Nhì; Bảo tồn văn hóa người Thu Lao…

- Các chương trình phục dựng bảo tồn lễ hội dân gian các dân tộc.

Bảo tồn Hội Hát qua làng dân tộc Dao thôn Làng Trung, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; Quay phim Bảo tồn lễ hội Lồng tồng người Tày xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng; Bảo tồn nghi lễ Ga Tu tu người Hà Nhì xã Y Tý, huyện Bát Xát; Bảo tồn lễ hội Gầu tào của người Mông xã Pha Long, huyện Mường Khương; Bảo tồn Hội hát đầu xuân của người Dao xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; Bảo tồn Lễ hội Roóng poọc của người Giáy xã Đồng Tuyển, huyện Bát Xát; Bảo tồn lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì đen xã Y Tý, huyện Bát Xát; Bảo tồn Tết mồng 8/4 của người Bố Y xã Thanh Bình, Mường Khương; Bảo tồn Hội cốm người Tày, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên; Bảo tồn lễ cúng rừng người Nùng, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương; Bảo tồn lễ cúng cấm bang của người Thu Lao, xã Tả Gia Khâu, Mường Khương; Bảo tồn lễ Khoi Kìm của người Dao đỏ xã Dền Sáng, huyện Bát Xát…

­- Thực hiện Đề án số 13 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai, giai đoạn 2011-2015”. Sở VHTTDL đã hoàn thàn công tác kiểm kê 500 thôn bản các dân tộc theo 7 nội dung được quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL; tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL ghi danh cho 18 di sản văn hóa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 01 di sản văn hóa phi vật thể là “nghi lễ kéo co Tày, Giáy” được lựa chọn đưa vào Hồ sơ liên quốc gia trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12 năm 2015. Ngoài ra, hiện nay Sở VHTTDL đang UBND tỉnh giao phối hợp với Viện Âm nhạc xây dựng hồ sơ Nghi lễ then Tày đề nghị Unesco công nhận là di sản đại diện nhân loại. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai luôn trân trọng những nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, năm 2015 tỉnh Lào Cai đã có 9 nghệ nhân dân gian đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “nghệ nhân ưu tú”.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các cán bộ khoa học của Sở cũng không ngừng phối hợp với các tổ chức nghiên cứu văn hóa thực hiện việc nghiên cứu và biên soạn, in ấn thành các cuốn sách chuyên khảo xuất bản phục vụ cho việc nghiên cứu, quản lý. Cho đến nay đã có tới gần 30 đầu sách được xuất bản, nội dung các cuốn sách chủ yếu nghiên cứu, giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến về văn hóa truyền thống của các dân tộc của tỉnh Lào Cai, như: người Hmông, Dao, Giáy, Tày, Bố Y, Thu Lao, Hà Nhì, Phù Lá, Nùng…

Có thể nói, thành quả 25 năm nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tỉnh Lào Cai đã đạt được rất nhiều mục tiêu quan trọng, thể hiện rõ sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chức năng đối với di sản văn hóa các dân tộc, góp phần bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình hội nhập văn hóa của các tộc người thiểu số ở Lào Cai.

Dương Tuấn Nghĩa





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập