Lào Cai 28° - 29°
VĂN HÓA, THỂ THAO LÀO CAI – CHẶNG ĐƯỜNG MỘT PHẦN TƯ THẾ KỶ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Là tỉnh nhiều dân tộc, văn hóa đa dạng, có tiềm năng lợi thế phát triển, song do điều kiện khách quan về địa lý và lịch sử, tỉnh Lào Cai khi tái lập (năm 1991) thuộc khu vực có trình độ kinh tế xã hội kém phát triển, dân trí thấp, nhiều tập tục cũ nặng nề, lại chịu ảnh hưởng của chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979.

Đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, mức hưởng thụ về văn hóa của nhân dân thấp, cơ sở vật chất về văn hóa nghèo nàn. Toàn tỉnh chỉ có 6 nhà văn hóa không khai thác hoạt động được, phương tiện hoạt động cũ, thiếu và hỏng hóc. Bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao thiếu trầm trọng: Sở Văn hoá, Thông tin và Thể thao chỉ có hơn 60 cán bộ, nhân viên, 2 phòng chuyên môn và 3 đơn vị sự nghiệp. Ở các huyện, thị xã bộ chưa được bố trí, kiện toàn về con người, tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí hoạt động; một số trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện chưa được thành lập; bộ máy ở cơ sở cấp xã không có.

Trước thực trạng đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ X nêu rõ: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa hiện đại phù hợp với trình độ dân trí của nhân dân để xây dựng cuộc sống văn hóa vừa phong phú vừa lành mạnh. Khai thác và phát huy truyền thống văn hóa, thể thao các dân tộc, gắn với phục vụ sản xuất, học tập, nâng cao dân trí, thể lực và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện chủ trương của tỉnh, ngành văn hóa - thể thao đã xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm: Củng cố, xây dựng tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất cho toàn ngành, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và tăng cường hướng về xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Với quyết tâm và sự nỗ lực của toàn ngành, 25 năm qua văn hóa thể thao Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu.

 Lực lượng làm công tác văn hóa, thể thao ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Những năm 1991 – 1995 ngành đã khẩn trương củng cố ổn định tổ chức bộ máy. Đến năm 2000, ở cấp tỉnh đã ra đời các đơn vị sự nghiệp như Trung tâm văn hóa thông tin, Trung tâm thể dục thể thao, Công ty phát hành phim và chiếu bóng tỉnh. Các đơn vị Bảo tàng Thư viện tỉnh được bổ sung cán bộ và có đủ các phòng nghiệp vụ chuyên môn. Đối với Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh, đến năm 2011 về cơ bản, đội ngũ cán bộ, diễn viên của đoàn đã được củng cố. Ở cấp huyện, phòng, trung tâm văn hóa thể thao các huyện, thị xã được kiện toàn, thành lập mới 4 trung tâm; tất cả các huyện, thị đều có đội TTLĐ, CBLĐ. Các xã, phường, thị trấn bước đầu bố trí được cán bộ văn hóa chuyên trách. Đến nay toàn ngành có trên 550 cán bộ; riêng các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở đã có 324 công chức viên chức, trong đó hơn 200 người có trình độ đại học, nhiều người trên đại học. Phần lớn cán bộ lãnh đạo văn hóa ở cấp huyện đã được chuẩn hóa trình độ đại học, nhiều cán bộ văn hóa cấp xã đã có trình độ đại học, trung cấp. Đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao còn được chú trọng nâng cao về trình độ chính trị. Có thể nói so với ngày mới tái lập tỉnh, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao của Lào Cai đã có bước trưởng thành vượt bậc.

Cơ sở vật chất của ngành ngày càng được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Trụ sở làm việc của Sở Văn hóa thông tin Thể thao, Thư viện tỉnh, Đoàn nghệ thuật dân tộc, Công ty phát hành phim và chiếu bóng đã dần được xây dựng kiên cố và đầu tư nâng cấp trang thiết bị. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng từng bước được đầu tư xây dựng. Giai đoạn 1991 -2000 các thiết chế văn hóa, thể thao gần như chưa có (năm 1999 cả tỉnh mới chỉ 12 thôn bản có nhà văn hoá và 1 nhà thi đấu thể thao của tỉnh, hệ thống sân tập thể thao chủ yếu là sân cầu lông ở các cơ quan, đơn vị còn thô sơ). Đến nay toàn tỉnh đã có trên 1.200 nhà văn hóa thôn bản, xã, phường và hệ thống sân, nhà hoạt động, thi đấu thể thao ở khắp các cơ quan, đơn vị, trường học, xã, phường, thôn bản. Những công trình trọng điểm như Nhà thi đấu TDTT đa năng, Nhà văn hóa trung tâm tỉnh đã và sắp hoàn thành. Trong tương lai, khu liên hợp văn hóa thể thao hiện đại, hệ thống bể bơi, sân vận động của tỉnh cũng sẽ được xây dựng.

Hoạt động của toàn ngành ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, thể hiện nổi bật trên các mặt: 1) Văn hóa, thể thao luôn bám sát, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hoạt động văn hóa, thể thao đã trở thành không thể thiếu trong các sự kiện lớn như phục vụ đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; các ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại của cả nước và của tỉnh. Ngành luôn chủ động, tích cực tham gia và là nòng cốt trong tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn của tỉnh, của khu vực như: kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Lào Cai, 110 năm du lịch Sa Pa, Lào Cai lên thành phố, Du lịch cội nguồn, giao lưu văn hóa quốc tế Việt – Trung… Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật do ngành dàn dựng có giá trị và ý nghĩa sâu sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người dân và bè bạn. Nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được ngành coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu với cách làm linh hoạt, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn đưa thông tin văn hóa đến với người dân được nhân dân chờ mong, đón nhận. Dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào tinh thần chủ động và nhiệt huyết, trách nhiệm vì công việc của cán bộ, nhân viên toàn ngành luôn được phát huy.

 2) Tích cực hướng về cơ sở phục vụ nhân dân: Xác định phục vụ cơ sở, hướng về cơ sở là nhiệm vụ và trách nhiệm, các đơn vị toàn ngành đã xây dựng nhiều chương trình, tổ chức hàng trăm lượt trưng bày, giới thiệu sách, hàng nghìn buổi chiếu phim, thông tin lưu động, biểu diễn văn nghệ phục vụ vùng sâu, vùng xa thu hút hàng vạn lượt người xem, văn hóa thông tin được tăng cường đưa về cơ sở. Hàng trăm đội văn nghệ, thể thao quần chúng được xây dựng với hàng nghìn cuộc biểu diễn, hoạt động. Thể thao quần chúng phát triển mạnh với phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia thường xuyên. Ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc được thường xuyên tổ chức, mô hình chợ văn hoá vùng cao được hình thành, các cụm văn hoá - thể thao được chú trọng đầu tư trở thành điểm hoạt động thường xuyên của người dân, tạo ra một phong trào hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, rộng khắp ở thành thị và nông thôn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa được chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tạo nên diện mạo mới cho thành thị, nông thôn.

3) Văn hóa, thể thao đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Khai thác từ di sản nghệ thuật của các dân tộc trong tỉnh, nhiều tiết mục nghệ thuật có chất lượng cao tham gia các kỳ hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng đã giành huy chương. Có những tiết mục đã nổi tiếng trong nước và thế giới như sáo Mông của Nghệ sĩ Nhân dân Lương Kim Vĩnh. Vừa giành nhiều thành tích, hoạt động biểu diễn nghệ thuật vừa tích cực góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc Lào Cai. Thể thao thành tích cao giành được nhiều kết quả, rút ngắn khoảng cách về trình độ, tiến tới hoà nhập với thể thao trong cả nước. Các môn thể thao mũi nhọn đã khẳng định ưu thế, đem về nhiều huy chương: Năm 1996 tham gia 8 cuộc thi toàn quốc và khu vực mới chỉ giành được 2 huy chương đồng, 2 huy chương bạc và có 5 vận động viên đạt tiêu chuẩn cấp I, năm 2005 đã đạt được 61 huy chương (gấp hơn 15 lần), năm 2011 gấp 18 lần, trong đó có huy chương Seagames và thế giới. Lào Cai là một trong những tỉnh thực hiện tốt bảo tồn di sản văn hóa với việc sớm triển khai Đề án “Khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Lào Cai”. Hiện nay nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa các dân tộc Lào Cai đã được bảo tồn, khai thác phát huy giá trị, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.

Nhìn lại chặng đường đã qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lào Cai, văn hóa, thể thao Lào Cai đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc. Tuy còn những khó khăn, hạn chế nhưng những thành tựu đạt được là cơ bản và có tác động rất tích cực đến sự phát triển của tỉnh Lào Cai những năm qua. Phát huy ưu điểm và thành tựu đạt được, thấy rõ những khó khăn, khắc phục tồn tại, hạn chế là yêu cầu và quyết tâm của toàn ngành để tiếp tục phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trong thời gian tới./.

1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập