Lào Cai 28° - 31°
Kết quả từ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Văn hóa giai đoạn 2011 - 2015
Chương trình Mục tiên Quốc gia về văn hoá được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 trên phạm vi cả nước. Đối với các tỉnh nghèo, vùng cao, biên giới, nhiều thành phần dân tộc như Lào Cai thì nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia Văn hoá thực sự là nguồn lực quan trọng để phát triển sự nghiệp tại địa phương.

Từ nguồn “vốn mồi” của Chương trình, Lào Cai đã huy động thêm được nhiều nguồn lực trong xã hội để phát triển sự nghiệp văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Lào Cai đã nhận được hỗ trợ từ nguồn Chương trình MTQG Văn hóa để thực hiện trên 30 công trình, dự án, Trong đó bao gồm các dự án hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa – khu thể thao xã, nhà văn hóa thiếu nhi huyện; các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích; dự án bảo tồn làng truyền thống; cấp trang thiết bị cho Đoàn Nghệ thuật Dân tộc; sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc; cấp sách thư viện, sản phẩm văn hóa; cấp trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, bản, làng văn hóa, nhà văn hóa xã và các đội tuyên truyền lưu động trên toàn tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG về văn hóa trong giai đoạn này đạt trên 52 tỷ đồng gồm nguồn vốn Trung ương là 29,394 tỷ đồng và vốn thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW là 23,470 tỷ đồng. Ngoài ra còn huy động được hàng chục tỷ đồng từ nguồn đóng góp xã hội hóa để thực hiện các dự án xây dựng nhà văn hóa cấp xã, thôn, bản.Việc phân bổ vốn thực hiện CTMTQG Văn hóa có sự lồng ghép giữa các nhiệm vụ, nguồn vốn trên nguyên tắc tập trung, đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo, trùng lắp, lãng phí. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình MTQG Văn hóa luôn được lồng ghép với Chương trình Xây dựng nông thôn mới, cụ thể trong việc bố trí hỗ trợ xây dựng các khu văn hóa, thể thao cấp thôn, xã, hỗ trợ trang thiết bị cho nhà văn hóa xã, thôn bản luôn ưu tiến các xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015; trong việc việc tu bổ, tôn tạo các di tích, ưu tiên cho các di tích có thể phát huy tốt giá trị phục vụ hoạt động du lịch văn hóa, tâm linh.

Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình MTQG về Văn hoá, Lào Cai đã thu được nhiều hiệu quả. Kết quả thực hiện Chương trình đã góp phần tích cực vào xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Thông qua hoạt động tuyên truyền của các đội TTLĐ, CBLĐ, và việc vận động xây dựng hương ước, quy ước những hủ tục lạc hậu hạn chế phát triển kinh tế như: cưới tảo hôn, để người chết trong nhà lâu ngày, mê tín dị đoan… đã được hạn chế. Người dân đã thực hiện nếp sống văn hoá, có ý thức vươn lên thoát nghèo, phấn đấu làm giàu. Các nhà văn hoá thôn bản, những làng văn hoá được đầu tư thiết bị đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng quan trọng, thu hút đồng bào đến sinh hoạt văn hoá văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hội họp, tạo bầu không khí thân thiện đoàn kết giữa các dân tộc. Đây là thành công quan trọng trong việc tăng cường tinh thần đoàn kết dân tộc, thúc đẩy phát triển sự nghiệp của ngành, góp phần ổn định chính trị - xã hội của tỉnh. Việc sử dụng thiết bị và hoạt động hiệu quả của các đội TTLĐ, CBLĐ đã đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến với nhân dân. Từ việc thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, thúc đẩy phong trào văn hoá văn nghệ cơ sở phát triển, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc, nhiều loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc được giữ gìn, trao truyền. Kinh phí hỗ trợ làng bản văn hóa được cấp phát kịp thời đã động viên mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gián tiếp góp phần vào việc thực hiện hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao trong nhiều năm. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng đã tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy xã hội hoá hoạt động văn hoá mà nổi bật là xã hội hoá – huy động kinh phí và nguồn lực trong nhân dân để xây dựng nhà văn hoá thôn, bản trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Trong 5 năm qua, nguồn hỗ trợ thực hiện các dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc đối với Lào Cai đạt trên 3,9 tỷ đồng. Con số này tuy không lớn, song đã góp phần giúp Lào Cai tiếp tục lưu giữ được các giá trị văn hoá đặc sắc, có nguy cơ mai một cao của một số  dân tộc, tạo tiền đề cho việc phục dựng các giá trị văn hoá. Một số  dự án tiêu biểu đã thực hiện như kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể của người La Chí, bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông, bảo tồn lễ hội truyền thống người Bố Y... Tuy vậy, có thể thấy đối với một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Lào Cai (25 ngành, nhóm dân tộc), khối lượng di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng rất lớn, có giá trị cần được bảo tồn thì mức đầu tư hỗ trợ từ Chương trình như trên chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế. Giai đoạn này Lào Cai cũng nhận được nguồn hỗ trợ quan trọng từ Chương trình đầu tư công tác chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo các di tích. Có những di tích như Đền Bảo Hà, Đền Thượng, Đền Đôi Cô…đã thực sự phát huy hiệu quả, trở thành các điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách trong nước, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân ở địa phương tham gia vào cung ứng các dịch vụ, vừa góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Đối với một tỉnh biên giới, vùng cao còn nhiều khó khăn như Lào Cai có thể thấy nguồn hỗ trợ của Chương trình MTQG về văn hóa thực sự rất quan trọng. Giai đoạn vừa qua, Chương trình đã hỗ trợ hiệu quả trong việc xây dựng, thúc đẩy các hoạt động văn hóa của tỉnh, đặc biệt là trong các công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể), hỗ trợ trang thiết bị nhà văn hóa qua đó thúc đẩy hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Giai đoạn tới, Chương trình MTQG về văn hóa sẽ chuyển sang hình thức hỗ trợ đầu tư khác của Trung ương. Lào Cai mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành đầu tư cho địa phương; trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, đầu tư công trình văn hóa có ý nghĩa biểu tượng quốc gia, ý nghĩa chính trị.v.v. Từ nguồn “vốn mồi” hỗ trợ của Trung ương cùng với việc huy động các nguồn lực khác trong xã hội để đầu tư cho văn hóa sẽ tạo “động lực” quan trọng thúc đẩy sự nghiệp văn hóa của tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển mạnh mẽ.

1 2 3 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập