Lào Cai 23° - 25°
Khởi sắc nhờ xóa bỏ hủ tục
LCĐT - Ngải Thầu là xã vùng cao, biên giới của huyện Bát Xát, 99% dân số là người Mông. Ngoài những nét văn hoá mang đậm bản sắc truyền thống, trong đồng bào vẫn còn một số hủ tục. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều nếp nghĩ, cách làm của đồng bào được thay đổi, trong đó nhiều hủ tục được xoá bỏ, nên diện mạo vùng cao Ngải Thầu ngày càng khởi sắc.
Đồng chí Lù A Pao, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngải Thầu có hơn 300 hộ gia đình, sinh sống ở 7 thôn, bản. Trước kia, trên địa bàn xã tồn tại nhiều hủ tục, nên đói nghèo luôn là nỗi ám ảnh của mỗi gia đình. Nhức nhối nhất vẫn là hủ tục để người chết lâu ngày trong nhà và chôn cất không có áo quan. Việc tang là nỗi lo đè nặng lên tang chủ, nếu không có nhiều gia súc, gia cầm làm ma thì người chết không được chôn cất. Người chết thường được chôn ven rừng, dưới những thung lũng mà không có quy hoạch… làm ảnh hưởng đến sức khỏe và vệ sinh môi trường. Trong việc cưới, người Mông Ngải Thầu thường dựng vợ, gả chồng cho con khi tuổi đời còn rất trẻ (13 - 14 tuổi). Do không được tìm hiểu trước khi hôn nhân hoặc hôn nhân cùng huyết thống, nên chưa đủ khả năng gánh vác trách nhiệm gia đình dẫn đến đói nghèo, bệnh tật, giống nòi chậm phát triển, gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và thế hệ tương lai. Để đời sống của người dân thay đổi, xóa bỏ các hủ tục, xã Ngải Thầu được huyện Bát Xát chọn làm điểm về cải tạo hủ tục trong việc cưới, việc tang. Cùng với nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, huyện còn tổ chức cho già làng, trưởng thôn, bản và hai dòng họ Thào và họ Lù đi tham quan, học tập tại xã Sín Chéng (Si Ma Cai)… Nhờ sự nỗ lực, những hủ tục, thói quen cũ của người dân Ngải Thầu, như tảo hôn, mê tín dị đoan, ma chay, cưới hỏi dài ngày, thói quen ăn ở mất vệ sinh... đã giảm rõ rệt. Trước đây, thôn Phìn Chải có 70 hộ gia đình người Mông họ Thào, khi trong thôn có người chết, họ thường làm ma lâu ngày và chôn cất không cho vào áo quan. Việc hôn nhân còn tảo hôn mang tính chất gả bán… Trước thực trạng đó, trong các buổi họp thôn, lãnh đạo xã trực tiếp dự và tuyên truyền, vận động để bà con hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình, phối hợp với trưởng thôn, bản rà soát các trường hợp nam, nữ ở độ tuổi sắp kết hôn… Khi phát hiện gia đình nào định tổ chức cưới cho con khi chưa đủ tuổi, trưởng thôn lập danh sách báo cáo xã, cử người đến gặp gia đình giải thích và yêu cầu ký cam kết… Do thực hiện quyết liệt, đến nay trên địa bàn thôn không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Gia đình có người qua đời đều đưa vào áo quan và chôn trước giờ quy định, tiết kiệm trong tổ chức tang ma, bỏ tục bắn súng thay bằng việc trưởng thôn hoặc gia đình đến tận nơi báo tin cho anh em, họ hàng gần xa biết đến chia buồn, giúp đỡ. Những hủ tục ở Ngải Thầu đã được đẩy lùi, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong xã được phát huy. Hằng năm, xã tổ chức các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, duy trì lễ hội ăn thề bảo vệ rừng giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, việc học tập của trẻ em được các gia đình quan tâm nhiều hơn. Thầy giáo Nguyễn Văn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngải Thầu cho biết: Mấy năm trước, việc vận động học sinh ra lớp rất khó khăn, vì bố, mẹ bắt nghỉ học để dựng vợ, gả chồng, một số phải phụ giúp gia đình chăn trâu, làm nương. Bây giờ thì khác, 100% số trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, các gia đình tích cực tham gia xã hội hóa giáo dục. Nhắc đến hủ tục của người Mông ở đây, anh Thào A Sáng, Trưởng thôn Phìn Chải 1 bộc bạch: Trước đây, người Mông không biết cách phát triển kinh tế, nhiều đất, nhiều rừng mà không biết làm lúa nước và trồng cây thảo quả, nên cuộc sống luôn nghèo khổ. Mọi chuyện thay đổi bắt đầu từ khi cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khai thông tư tưởng trong nhân dân, xóa bỏ hủ tục, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Người dân không chỉ trong thôn Phìn Chải 1 mà các thôn khác đã biết khai hoang ruộng trồng lúa nước, trồng cây thảo quả dưới tán rừng già và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trong xã ngày càng được cải thiện, an ninh trật tự giữ vững, các hủ tục được đẩy lùi, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm hẳn, nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng thảo quả và chăn nuôi gia súc. Hiện, toàn xã có 80% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 70% hộ có phương tiện nghe, nhìn và phương tiện đi lại. Sự thay đổi của đồng bào dân tộc Mông Ngải Thầu trong việc nâng cao nhận thức để tiếp thu cái mới, loại bỏ những tập tục lạc hậu đã góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Đó chính là bước tiến vững chắc trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Ngải Thầu.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập