Lào Cai 26° - 28°
Âm sắc vùng cao
 ND - Ðoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai được đánh giá là một trong những đoàn mạnh, giàu bản sắc của khu vực Tây Bắc. Tại nhiều Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, nhiều tiết mục ca, múa dân tộc của Ðoàn đã được trao Huy chương vàng.

 Hơn 11 giờ trưa, phòng tập Ðội ca và Ðội múa ở Ðoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai vẫn vang vọng tiếng khèn, sáo và lời ca bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Mông, Dao, Tày, Dáy... Các nam, nữ diễn viên còn rất trẻ đang say sưa tập luyện các tiết mục mới, vừa được sưu tầm, chắt lọc, nâng cao từ các làn điệu, nhạc tấu dân ca và dân vũ dân tộc vùng cao Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng... Tiết mục múa "Khô già già" được xây dựng từ vũ điệu múa dân gian của tộc người Hà Nhì (Ý Tý-Bát Xát) uyển chuyển, tinh tế; tiết mục múa "Suối nguồn" rộn rã, khỏe khoắn của người Tày; những bước nhảy rừng rực, mạnh mẽ của người Dao thể hiện trong tiết mục múa "Pút toòng" được anh, chị em diễn viên say mê luyện tập thuần thục. Trưởng đoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai, NSƯT Phạm Ðình Cải cho biết: "Lào Cai là tỉnh miền núi với đặc thù đa dân tộc, đa ngôn ngữ, sắc thái văn hóa, vì vậy chúng tôi tập trung xây dựng các chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào theo hướng bảo tồn, nâng cao giá trị văn hóa-nghệ thuật truyền thống của mỗi dân tộc. Ðó cũng chính là cách để thu hút đồng bào đến với nghệ thuật biểu diễn sân khấu trong bối cảnh "bùng nổ" các phương tiện nghe, nhìn hiện nay".

Ðến biểu diễn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nào, Ðoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai cũng xây dựng chương trình có những tiết mục thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc bản địa, như Sa Pa có múa khèn, múa quạt; Bắc Hà có xòe, đàn tính; Bát Xát có hát cầu hôn, đưa dâu... "Trong điều kiện hạn hẹp kinh phí và khó khăn về giao thông, đồng bào dân tộc sinh sống phân tán trên những rẻo cao hoặc vùng sâu, vùng xa. Vậy làm thế nào để tiếp thụ được những tinh hoa văn hóa - nghệ thuật của 25 dân tộc ở Lào Cai?"-Tôi đặt câu hỏi. Phó đoàn Lương Công Nghệ cho biết, cách làm khá hay theo phương châm "tận thu và tận dụng" Ðó là tận dụng mọi thời gian đi lưu diễn ở cơ sở để phát hiện, sưu tầm "tận thu" đến mức tối đa vốn nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc nơi đến. Dân tộc Tày có hát lượn: lượn nàng ới, lượn then, lượn cọi, lượn phuối-pác... Người Nùng có hát shi phàn-sình, shi-sình làng, hà- lều... Người Mông hát nảy-đa, hu-phia, na-lếch, chua-kê, huy-cầu, chi-sáy... Người Dao hát páo-dung, háo-ton, lò-sấy... Các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc đặc biệt coi trọng nhạc tấu cho múa, như nhạc múa khi chào khách, nhạc múa quần, múa sluông, múa nhẩy lươn, giã gạo, múa quạt, múa kiếm, sinh tiền... Trong quá trình xây dựng chương trình tiết mục biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc, Ðoàn đã cử cán bộ, diễn viên đến tận bản, làng nơi có vốn dân ca, dân vũ để sưu tầm, học hỏi, ghi chép mang về dựng thành tiết mục. Từ đó, đã có nhiều tiết mục độc đáo làm nên bản sắc riêng của Ðoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai như: sáo Mông, sáo bầu, sáo trúc, trống của người Dao; múa "Lễ thiệp" khai thác từ tục "cấp sắc" của người Dao; múa "Nhịp sống bản xa" khai thác từ lễ hội "Quét làng" của người Xa Phó... Kể từ khi tái lập năm 1992 đến nay, bằng các tiết mục ca, múa, nhạc mang đậm bản sắc dân tộc, Ðoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai đã giành được tám HCV, 13 HCB tại các liên hoan khu vực và Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Bên cạnh việc phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, hằng năm, Ðoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai thường xuyên tổ chức từ 50 - 60 buổi biểu diễn phục vụ đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới. Có những chuyến đi lưu diễn kéo dài 15 - 20 ngày, phục vụ đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì... ở các xã Mường Hum, Ý Tý, Ngải Thầu, Trịnh Tường... của huyện vùng cao Bát Xát. Nhiều chuyến đi biểu diễn dài ngày phục vụ các chiến sĩ biên phòng tuyến biên giới Pha Long, Tả Gia Khâu... (huyện Mường Khương), chia sẻ cùng bộ đội và đồng bào dân tộc từng ca nước, gói mỳ tôm và cái rét thấu xương mùa đông vùng biên ải. Có chuyến đi xã vùng cao ở Si Ma Cai, đường gập ghềnh khó đi, dốc cao phải dùng dây rừng kéo xe, tăng-bo đi bộ để đến nơi biểu diễn. Nhưng bù lại, dù trên bãi đất giữa chợ phiên vùng cao, hay sân bóng chuyền đồn biên phòng giữa trập trùng núi cao giá rét, mỗi khi đèn bật sáng (có khi cả đèn pin) nam, nữ diễn viên của Ðoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai lại hết mình với nghề, say sưa biểu diễn phục vụ bộ đội và đồng bào.

Bây giờ ở vùng cao, vùng sâu của Lào Cai, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc đã được cải thiện nhiều, với sự bùng nổ của các phương tiện nghe, nhìn, đặc biệt là "nạn chảo lậu" thu sóng truyền hình từ vệ tinh của nước ngoài. Nhưng mỗi đêm có "văn công Lào Cai" về biểu diễn, bà con dân tộc từ các bản làng xa xôi vẫn háo hức, nườm nượp đổ về như đi hội, bởi ở đó họ được đắm mình trong những giai điệu, tiết tấu đậm sắc màu quyến rũ và nồng nàn hơi thở núi rừng Tây Bắc.

 






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập