Lào Cai 27° - 30°
Phía sau vinh quang...
LCĐT - Tài năng thể thao giống như hạt giống tốt, nếu đem gieo trồng trên mảnh đất khô cằn thì sớm hay muộn cũng sẽ bị còi cọc, thui chột. Điều cần thiết với các nhân tài thể thao không chỉ là môi trường luyện tập, mà còn là chế độ ưu đãi, tương lai tươi sáng sau các giải đấu vinh quang.

Cách đây mấy năm, tôi có cơ duyên gặp vận động viên môn wushu Lê Trung Kiên, khi đó anh đang là hạt giống xuất sắc của tỉnh Lào Cai được Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia triệu tập để lựa chọn nguồn tham gia các giải đấu quốc gia và quốc tế. Kiên gặp phóng viên khi anh tranh thủ về Lào Cai để hoàn thiện hồ sơ và đến thăm thầy, thăm bạn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao của tỉnh (thời điểm này vẫn đóng tại đường Trung Đô, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai). Trong câu chuyện dài về việc ép cân trong thể thao tìm hiểu được qua anh Kiên, tôi biết anh phải chịu áp lực bởi chế độ luyện tập. Anh Kiên có sở trường thi đấu ở hạng cân 47 kg, nên thường phải ép trọng lượng cơ thể từ khoảng 53 đến 55 kg xuống hạng cân này bằng chế độ ăn cực kỳ khắc nghiệt trong khi vẫn phải đảm bảo lượng ca-lo để luyện tập với cường độ cao trước mỗi kỳ thi đấu. Điều đáng nói ở đây, với các đoàn thể thao có sự đầu tư lớn hoặc vận động viên xuất thân trong các gia đình khá giả sẽ được bổ sung nguồn thực phẩm thể thao, thực phẩm chức năng để ép cân, nhưng anh Kiên không bao giờ có, sức khỏe của anh lệ thuộc hoàn toàn vào chế độ ăn uống khá... hạn chế do Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia hỗ trợ. Sinh ra trong gia đình nghèo sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên anh Kiên thiệt thòi hơn bạn bè vì không được gia đình hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Tuy nhiên, trong khó khăn, anh đã vươn lên, tích cực luyện tập nên đã giành được nhiều giải cao trong các giải thi đấu trong nước và quốc tế, trong đó có Huy chương Vàng Giải vô địch wushu trẻ thế giới. Giờ đây, vận động viên Lê Trung Kiên năm xưa đã trở thành thầy - huấn luyện viên môn wushu, làm việc tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh Lào Cai, các thế hệ học trò của anh cũng đạt được những thành tích đáng kể qua các giải đấu lớn trong nước.

Buổi tập luyện của vận động viên boxing tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh.

Theo chỉ dẫn của cán bộ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh, tôi tìm đến nhà một cựu nữ vận động viên (xin được giấu tên) tại huyện Bảo Yên. Những gì liên quan đến thể thao mà cựu vận động viên này còn giữ lại cho đến nay ngoài ký ức là chùm huy chương nhiều màu treo lủng lẳng trên vách của ngôi nhà tạm. Cựu nữ vận động viên có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vậy nên trong suốt những năm tháng được “đầu quân” cho Trung tâm Huấn luyện thể thao của tỉnh theo chế độ tập trung từ năm học lớp 6 đến hết “tuổi vàng” thi đấu, nữ vận động viên này chưa bao giờ được bố mẹ cho tiền phục vụ sinh hoạt ngoài chế độ do Nhà nước hỗ trợ. Có năng khiếu bẩm sinh cộng với tinh thần luyện tập hăng say, cựu nữ vận động viên này đã giành hàng chục huy chương các loại qua các giải đấu trong nước. Đến tuổi trưởng thành, Trung tâm Huấn luyện thể thao khi đó không có chỉ tiêu biên chế để tuyển huấn luyện viên, các doanh nghiệp, đơn vị cũng không có nhu cầu tuyển dụng vận động viên võ thuật, vì thế nữ vận động viên bỗng dưng thành “người thừa” dù nhiều lần được đứng lên bục vinh quang. Sức khỏe, tài năng của nữ vận động viên giờ đây chỉ còn được sử dụng vào việc làm ruộng, nương nên phần nào bị lãng quên và thui chột. “Những năm tháng tuổi trẻ tập trung cho luyện tập và thi đấu thể thao, không có cơ hội học nghề khác, nên giờ đây tôi không thể xin việc làm ổn định, đành phải làm ruộng như thế này”, cựu vận động viên chia sẻ tâm tư.

Năm nào thể thao thành tích cao của Lào Cai cũng gặt hái nhiều thành tích, có năm “được mùa” hàng chục Huy chương Vàng từ các giải thể thao trong nước, giải cấp khu vực ở nhiều bộ môn. Lào Cai cũng có nhiều vận động viên tài năng đạt thành tích cao ở giải đấu thể thao quốc tế như huấn luyện viên Lê Trung Kiên, vận động viên Lừu Thị Duyên - người từng làm nên lịch sử cho bộ môn boxing quốc gia khi đoạt Huy chương Vàng đầu tiên tại SEA GAME 27, vận động viên Hoàng Thị Duyên với Huy chương Vàng tại Giải trẻ châu Á môn cử tạ.

Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao Lào Cai là nôi ươm mầm các tài năng thể thao của tỉnh, hiện đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang nhất, nhì khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ sinh hoạt cho các vận động viên đang dựa gần như hoàn toàn theo quy định của Nhà nước, kể cả cơ chế khen thưởng cho các vận động viên giành thành tích cao trong thi đấu. Ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh cho biết, hiện đơn vị đang có 180 vận động viên, trong đó diện tập trung là 70 vận động viên, số còn lại thuộc diện bán tập trung. Hầu hết tài năng thể thao xuất thân từ vùng nông thôn, thuộc các gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp, không hỗ trợ tài chính cho con em trong quá trình luyện tập và thi đấu (những gia đình khá giả thường hướng con cái đến việc học tập văn hóa tại các cấp học phổ thông hơn là luyện tập thể thao tập trung - PV). Trong khi đó, chế độ theo quy định hiện hành còn hạn chế, nên phần nào ảnh hưởng đến việc luyện tập, thi đấu của các vận động viên. Ví dụ, quy định hỗ trợ tài chính của Nhà nước hiện chỉ tính vào bữa ăn thông thường hằng ngày của vận động viên, chứ không có thuốc thể thao, bồi dưỡng luyện tập cường độ cao. Kinh nghiệm cho thấy, ở các tỉnh, thành phố có sự đầu tư lớn cho thể thao thành tích cao thường huy động rất tốt nguồn lực xã hội hóa. Ở đó, các doanh nghiệp, các “mạnh thường quân” trực tiếp đầu tư vào chế độ luyện tập, thi đấu của vận động viên, họ cũng được vinh danh nhờ truyền thông kiểu “thơm lây” khi vận động viên đạt thành tích cao, hoặc tuyển dụng vận động viên đó sau khi hết “tuổi vàng” thi đấu làm hạt nhân cho phong trào thể thao tại đơn vị mình. Ở Lào Cai cũng có một số doanh nghiệp tuyển dụng vận động viên, nhưng chưa bao giờ đầu tư từ ban đầu và chủ yếu chỉ tuyển vận động viên môn cầu lông, bóng bàn.

Phía sau bục vinh quang, các vận động viên thể thao thành tích cao trong tỉnh cần được Nhà nước, các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm và đầu tư hơn nữa để họ có thể phát huy được nghề nghiệp đã chọn và ổn định cuộc sống.

Không thể dựa hoàn toàn vào ngân sách

Ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng phòng Thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng, muốn có nền thể dục, thể thao phát triển mạnh thì không thể dựa hoàn toàn vào ngân sách nhà nước mà phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Lý do là thể thao luôn cần nguồn lực tài chính lớn, cần sự đầu tư lâu dài trong nhiều năm, nhiều thế hệ.

Kinh nghiệm ở nhiều nơi cho thấy, công tác xã hội hóa ở đâu tốt, nhiều doanh nghiệp đầu tư, tài trợ cho thể thao thì nơi đó thể thao thành tích cao có kết quả tốt và không những thế, thể thao phong trào cũng phát triển theo. Có những doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư, tài trợ cho thể thao rất bài bản, từ việc ươm mầm, đào tạo có trọng điểm, đến đầu tư trực tiếp cho các giải đấu để sở hữu thành tích cao. Tiếp đó là những chế độ ưu đãi, sử dụng lâu dài vận động viên làm hạt nhân cho phong trào thể dục - thể thao của đơn vị hoặc trở thành “ngôi sao” quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp. Thể hiện rõ nhất là ở các tỉnh có nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển mạnh hay các đội bóng chuyền từng thi đấu ở các giải lớn như VTV Cup.
Ở Lào Cai, tiềm năng xã hội hóa phát triển thể dục - thể thao rất lớn khi có các doanh nghiệp có doanh thu hàng nghìn tỷ, lãi ròng cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Để có được nguồn lực này cần chiến lược về công tác huy động, tuyên truyền và quan trọng hơn là thể dục - thể thao phải tạo được sức hấp dẫn với doanh nghiệp, các “mạnh thường quân” và các thành phần kinh tế. Trên thực tế, những năm qua, nguồn tài trợ ngoài ngân sách cho thể dục - thể thao, nhất là thể thao thành tích cao còn rất hạn chế. Điều đó lý giải tại sao nhân tài thể thao của tỉnh chưa nhiều và dễ dàng “chảy máu” ra ngoại tỉnh.

Cần nhiều hơn sự khích lệ tinh thần

Ông Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh cho rằng, hiện cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu cho việc luyện tập, thi đấu thể dục - thể thao (TDTT) ở Lào Cai đã vươn lên đứng đầu các tỉnh trong khu vực.

Về chế độ dành cho các vận động viên, ông Hòa cho biết, cơ quan chức năng đã phân bổ đúng quy định của Nhà nước, kể cả chế độ khen thưởng các vận động viên có thành tích. Tuy nhiên, yêu cầu hoạt động tập luyện ngày càng cao, nhất là thời điểm chuẩn bị cho các giải đấu lớn vận động viên cần được bồi dưỡng, bổ sung chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đặc biệt. Điều đó rất khó vì Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo, tỷ lệ ngân sách đầu tư cho TDTT ở mức khá, nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tế, nên ngành TDTT, các huấn luyện viên, các đoàn vận động viên luôn phải có sự chủ động để tháo gỡ, khắc phục khó khăn. Thực tế thì việc đáp ứng các yêu cầu chuyên môn TDTT là vô cùng, tập huấn, thi đấu trong nước rồi hướng tới tập huấn quốc tế. Quốc gia này có điều kiện tập luyện đã tốt nhưng lại có những quốc gia tốt hơn. Vậy nên, bên cạnh việc chuẩn bị điều kiện tốt cho tập luyện thì các vận động viên cần nhiều hơn nữa sự động viên, khích lệ tinh thần của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Ông Hòa lấy ví dụ, trước mỗi kỳ thi đấu quốc tế, các đồng chí lãnh đạo ngành TDTT hoặc lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường đến chúc mừng, động viên các đoàn vận động viên tham gia thi đấu. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng vì tài năng, sức khỏe, kết quả luyện tập là điều kiện cần trong các đấu trường thể thao, điều kiện đủ phải là tinh thần, sự cổ vũ động viên, khích lệ, tâm lý thi đấu, thiếu điều này rất khó mang về chiến thắng. Ở các địa phương cũng vậy, việc lãnh đạo ngành, địa phương đến động viên tinh thần các đoàn vận động viên trước khi lên đường thi đấu rất quan trọng và cần thiết.

Nâng cao công tác tuyển chọn và huấn luyện

Theo ông Vũ Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Giáo vụ và Huấn luyện, Trưởng bộ môn taekwondo, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh, để thể thao thành tích cao nổi bật hơn nữa thì khâu tuyển chọn, huấn luyện cần phải làm tốt hơn.

Theo ông Tuấn, Lào Cai có tới 60% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, vóc người nhỏ, hạn chế về chiều cao, nên dù nhiều người có năng khiếu, tố chất thể thao, nhưng rất khó để tuyển chọn, đào tạo. Trong khi đó, thể thao chuyên nghiệp vẫn còn khá xa lạ, chưa có nhiều người mưu sinh bằng con đường này, nên những gia đình có điều kiện kinh tế thường không muốn con em mình tham gia. Vì thế, nhiều nơi bỏ “lọt” vận động viên có tố chất, năng khiếu. Một khó khăn nữa là trình độ của các huấn luyện viên cũng hạn chế nhất định, thiếu sự cọ xát thường xuyên. Hiện ở nhiều tỉnh, thành phố đã chiêu mộ huấn luyện viên đạt đẳng cấp quốc tế, tổ chức cho huấn luyện viên nội tập huấn, thi đấu dài ngày cả trong và ngoài nước.
Ngoài ra, nhiều vận động viên của Lào Cai sau khi học hết lớp phổ thông lại đi học tiếp cao đẳng, đại học hoặc đầu quân cho đơn vị khác vì chế độ đãi ngộ cao hơn, nên dù Lào Cai có số vận động viên tham gia giải trẻ rất đông, nhưng lại thiếu vận động viên tham gia giải vô địch toàn quốc và các giải thể thao lớn. Các vận động viên khi hết tuổi thi đấu hầu như không được bố trí việc làm ổn định, do vậy vận động viên chưa mặn mà với nghiệp thể thao tỉnh nhà.
Nếu những khó khăn này được giải quyết, sẽ trở thành chìa khóa giúp thể thao thành tích cao của Lào Cai có thêm những thành tích mới.

Sự quyết tâm của vận động viên mới là yếu tố quyết định

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song khi đi thi đấu, vận động viên cần phải quyết tâm, khắc phục trở ngại, thi đấu hết mình vì thành tính của bản thân và giành vinh quang cho quê hương. Đó là chia sẻ của Doãn Công Bùi, vận động viên môn taekwondo, hiện đang đầu quân tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh.

Vận động viên Doãn Công Bùi năm nay 19 tuổi, sinh ra và lớn lên tại phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, tham gia tập luyện môn taekwondo từ năm 11 tuổi. Tuổi còn trẻ, nhưng Công Bùi đã có thành tích thi đấu rất ấn tượng khi giành 4 Huy chương Vàng tại các lần tham gia giải taekwondo trẻ toàn quốc, 1 Huy chương Vàng môn taekwondo Cúp các CLB mạnh toàn quốc và Huy chương Vàng  Giải vô địch taekwondo toàn quốc năm 2016.
Là vận động viên tham gia nhiều giải đấu toàn quốc, Doãn Công Bùi cũng cảm nhận được sự vất vả, thiếu thốn của vận động viên Lào Cai so với vận động viên ở các địa phương có nền thể thao phát triển. Theo Doãn Công Bùi, thì điều kiện tập luyện của vận động viên Lào Cai hiện đã tốt hơn trước nhiều, tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn, kinh phí để đưa đi tập huấn vẫn còn nhiều hạn chế.  
 Theo vận động viên Doãn Công Bùi, mặc dù khó khăn nhưng không vì thế mà các vận động viên nản chí. Tuy nhiên, với các vận động viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ tốt hơn để họ có thể yên tâm tập luyện và thi đấu. Khi đó, thể thao sẽ vừa là niềm đam mê, vừa là sự nghiệp của vận động viên.
Bùi cũng cho rằng, việc giành huy chương là vinh quang và thật đáng tự hào nếu đạt được điều đó trong khó khăn.  

Thấy còn thiệt thòi

Đó là cảm nhận của em Lý Thị Chung, vận động viên môn cử tạ hiện đang tham gia tập luyện tập trung tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao (TDTT) tỉnh.
Vận động viên Lý Thị Chung, dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai. Gia đình em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên dù vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh từ năm lớp 7, nhưng gia đình em chưa bao giờ hỗ trợ cho con về kinh tế, ngoài chế độ của Nhà nước. Chung chia sẻ rằng đã 3 lần em được tham gia các giải cử tạ thanh - thiếu niên toàn quốc, mỗi lần ra ngoài cọ xát là mỗi lần thấy mình còn nhiều thiệt thòi so với các vận động viên tỉnh bạn. Ở nhiều tỉnh, thành phố, việc đầu tư cho TDTT, chế độ đãi ngộ, chế độ dinh dưỡng dành cho vận động viên rất tốt. Với môn cử tạ, chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn, nước uống bổ sung… rất quan trọng, nhất là thời điểm chuẩn bị thi đấu. Để đạt thành tích cao, thì thực phẩm chức năng, thuốc thể thao là rất cần thiết, nhưng những thứ đó với Chung hoàn toàn xa xỉ và chưa bao giờ em được biết tới.

CAO CƯỜNG - ĐỨC PHƯƠNG





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập