Lào Cai 28° - 29°
Thực trạng xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn tỉnh Lào Cai năm 2012-những khó khăn thách thức và giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Thực hiện Đề án số 13 về “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011-2015” của Tỉnh ủy Lào Cai, ngày 06 tháng 6 năm 2012 Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch số 74/2012/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án trên. Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2012 toàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng mới 09 nhà, nâng cấp 02 nhà văn hóa xã; xây dựng mới 142 và nâng cấp 71 nhà văn hóa thôn bản bằng nguồn kinh phí đề án xây dựng nông thôn mới do Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư.
 
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này (tháng 12/2012) nguồn ngân sách xây dựng thiết chế văn hóa từ đề án xây dựng nông thôn mới vẫn đang chờ Trung ương rót vốn. Tỉnh mới chỉ lồng ghép các chương trình đầu tư cho 5 hạng mục trọng tâm. Do đó kinh phí đầu tư cho xây dựng các nhà văn hóa xã, thôn gắn kết chương trình xây dựng nông thôn mới hầu như là chưa có. Duy nhất mới chỉ có một phần kinh phí chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia do Trung ương phân bổ trong kế hoạch, kinh phí chương trình 30a CP và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư góp sức, xã hội hóa nhân dân đóng góp trong chương trình “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Vì vậy, số lượng nhà văn hóa xã, thôn xây dựng được trong năm rất khiêm tốn, không đạt được theo kế hoạch đề ra.
Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố đến hết 30/11/2012 toàn tỉnh mới xây dựng được trên 40 nhà văn hóa xã, thôn còn chưa hoàn chỉnh. Trong đó gồm:
- 04 nhà văn hóa xã là: xã Quang Kim (Bát Xát); xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai (nâng cấp); xã Nậm Cang (SaPa) và xã Bảo Nhai (Bắc Hà). Hai nhà văn hóa xã Nạm Cang và Bảo Nhai mới được khởi công xây dựng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia năm 2012 với số lượng kinh phí mỗi nhà 300 trăm triệu còn đang thiếu vốn (đạt tỷ lệ 36,4% kế hoạch).
- 40 nhà văn hóa thôn bản, trong đó có 19 nhà đã xây dựng xong còn lại mới khởi công đang xây dựng( đạt tỷ lệ 18,8% kế hoạch). Trong 40 nhà văn hóa thôn bản chỉ có 04 nhà được nhà nước đầu tư bằng nguồn ngân sách chương trình 30a chính phủ và chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia do Sở Văn hóa, TT&DL đề nghị tỉnh điều tiết. 36 nhà do các doanh nghiệp tài trợ, nhân dân đóng góp, ngân sách cấp huyện trong chương trình 30aCP hỗ trợ. Điển hình là các doanh nghiệp Trung ương (Công ty Hàng không Việt Nam, Đoàn thanh niên tập đoàn dầu khí, Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương) đã đóng góp xây dựng 12 nhà văn hóa thôn bản xã Bản Qua (Bát Xát). Thành phố Lào Cai quyên góp xây dựng nhà văn hóa thôn Tượng (xã Hợp Thành - Thành phố); Huyện Bắc Hà hỗ trợ 20 nhà văn hóa thôn cho 2 xã Bảo Nhai và Tà Chải với lượng kinh phí 30 triệu/nhà; nhân dân thôn Bản Rịa xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) quyên góp 80 triệu đồng, thôn Phú Hải 2 xã Phú Nhuận quyên góp 61 triệu đồng…tự xây dựng nhà văn hóa. Tổng số kinh phí các doanh nghiệp, đoàn thể, địa phương hỗ trợ và nhân dân đóng góp là trên 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 04 hộ gia đình ở thôn 4 xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) hiến 2.300m2 xây dựng nhà văn hóa… Tuy số lượng các doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể, nhân dân thôn bản đóng góp còn khiêm tốn song đã góp phần đáng kể vào việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa nông thôn, mở ra những hy vọng khả quan trong việc thực hiện Đề án.
Như vậy, chưa nói đến chất lượng đạt tiêu chuẩn theo quy định, cộng cả số lượng nhà văn hóa xã và thôn bản mới đạt được 44 nhà/tổng số 224 nhà bằng 19,6% kế hoạch, nếu không có sự đổi mới đầu tư và huy động các nguồn lực, Đề án sẽ khó khả thi. Đó là khó khăn thách thức trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở gắn chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ kết quả thực trạng thực hiện Đề án năm 2012, để thúc đẩy tiến độ xây dựng các thiết chế văn hóa nông thôn trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tỉnh cần rà soát lại nguồn lực ngân sách các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực địa phương, các tổ chức quốc tế để cân đối phân bổ cho các đề án, các chương trình phù hợp. Vì hiện nay các lĩnh vực, chương trình có nhiều đề án khác nhau song lại không chủ động được nguồn kinh phí; trong khi đó các đề án, chương trình lại được triển khai thực hiện trên cơ sở lồng ghép các nguồn vốn. Do đó tính khả thi các đề án không đảm bảo.
Thứ hai, việc lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là đúng, song cần phải mở rộng thêm một số lĩnh vực như xây dựng nhà văn hóa thôn bản có sự góp sức của người dân và ưu tiên những địa phương có khả năng xã hội hóa cao để huy động sự đóng góp của cộng đồng.
Thứ ba, tháng 11 vừa qua Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã dự thảo cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đề nghị lãnh đạo tỉnh sớm xem xét ban hành, tạo đòn bẩy thu hút sức mạnh nhân dân tham gia thực hiện.
Thứ tư, khi phê duyệt kế hoạch thực hiện các Đề án hàng năm cũng cần xem xét nguồn lực khả thi, đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch phù hợp, tránh đề án tồn tại trên văn bản hoặc triển khai cầm chừng, dở dang, kém hiệu quả.
Thứ năm, tỉnh, huyện và xã cần tính toán sắp xếp dành một lượng ngân sách tham gia đối ứng với các chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia để xây dựng nhà văn hóa xã đảm bảo hiệu quả bền vững (năm 2012 chương trình mục tiêu văn hóa quốc gia hỗ trợ xây dựng 02 nhà văn hóa xã lượng kinh phí 300 triệu/nhà chỉ đáp ứng được 10 – 20% giá trị xây dựng. Nếu không có kinh phí đối ứng hỗ trợ thêm thì các công trình sẽ lại xây dựng dở dang)./.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập