Lào Cai 28° - 31°
Chương trình mục tiêu quốc gia - nguồn lực quan trọng phát triển sự nghiệp văn hóa tại Lào Cai
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hoá được Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 trên phạm vi cả nước. Đối với các tỉnh nghèo, vùng cao, biên giới, nhiều thành phần dân tộc như Lào Cai thì nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia văn hoá thực sự là nguồn lực quan trọng để phát triển sự nghiệp tại địa phương. Từ nguồn vốn của chương trình, Lào Cai đã huy động thêm được nhiều nguồn lực trong xã hội để phát triển sự nghiệp văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
 

Giai đoạn 2006 -2010, Dự án tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích của Bộ đầu tư cho Lào Cai 21,5 tỷ đồng. Tỉnh đã trích từ ngân sách địa phương thêm 7,107 tỷ đồng để đối ứng nâng mức đầu tư lên  28,607 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỉnh Lào Cai đã thực hiện trùng tu, tôn tạo 8 di tích quan trọng và bảo tồn 01 làng văn hoá  truyền thống gồm:Đền Phúc Khánh, Đồn Phố Ràng, Khu căn cứ cách mạng Cam Đường, Dinh Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, Đền Trung Đô, đền Cấm, Đền Thượng và bảo tồn Làng truyền thống Cát Cát của dân tộc Hmông. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, kiến trúc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cũng trong giai đoạn này, dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc Việt Nam đầu tư cho Lào Cai 600 triệu đồng. Mặc dù nguồn đầu tư không lớn, song với nguồn lực này Lào Cai đã lưu giữ được các giá trị văn hoá đặc sắc, có nguy cơ mai một cao của đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai, tạo tiền đề cơ bản cho việc phục dựng các giá trị văn hoá. Tiêu biểu như: tri thức dân gian về bảo vệ rừng của người Hà Nhì đen, di sản văn hóa dân tộc Phù Lá, nghề rèn đúc người Mông Đu, tri thức về thuốc chữa bệnh của người Dao đỏ Sa Pa, di sản văn hóa người Xa Phó. Từ hiệu quả của dự án, năm 2009 tỉnh Lào Cai được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chọn đầu tư 01 trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể với kinh phí  3,5 tỷ đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát huy tốt hiệu quả của trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu từ việc lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai đến việc phục vụ hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch, góp phần tích cực vào việc giới thiệu hình ảnh của Lào Cai đến với du khách thập phương.

Dự án bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể của người HMông tại thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa Lào Cai được đầu tư 1,5 tỷ đồng. Lào Cai đã tiến hành bảo tồn các nghề thủ công, phong tục tập quán, góp phần bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc HMông và thu hút khách du lịch đến với Sa Pa - Lào Cai. Mô hình bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho đồng bào. Dự án làng, bản, buôn có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Lào Cai được triển khai tại  thôn Ngải Thầu, xã Dìn Chin huyện Mường Khương (2007) và thôn 3 Mai Đào, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên (2008) với tổng mức đầu tư 1 tỷ đồng. Việc xây dựng 02 nhà văn hoá trên cùng với trang thiết bị được cung cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại cơ sở.

Mục tiêu cấp sách cho thư viện tỉnh, huyện được tỉnh triển khai hiệu quả. Số sách bổ sung cho các thư viện đạt gần 24.000 bản với tổng kinh phí 530 triệu động. Nội dung sách phù hợp với trình độ dân trí cũng như nhu cầu của nhân dân tại các huyện trong tỉnh. Vì vậy, đã cơ bản đáp ứng được nhu câu cầu tìm hiểu của nhân dân. Từ nguồn hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư xây dựng thư viện huyện của Chương trình mục tiêu quốc gia văn hoá, Lào Cai đã bố trí kinh phí đối ứng xây dựng thư viện huyện Bảo Thắng có quy mô nhà cấp III, 2 tầng với tổng mức kinh phí trên 1 tỷ đồng và đã hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2008.

Nguồn vốn Chương trình mục tiêu đầu tư cho xây dựng đời sống văn hoá đã góp phần to lớn thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hoá của tỉnh Lào Cai nâng cao mức hưởng thụ tinh thần của nhân dân các dân tộc Lào Cai. Trong 05 năm, với tổng kinh phí 4,245 tỷ đồng hỗ trợ từ nguồn vốn này, Lào Cai đã tiến hành cấp trang thiết bị cho 01 đội thông tin lưu động tỉnh, 07 đội thông tin lưu động huyện, 5 nhà văn hoá huyện, 11 nhà văn hoá xã phường, hỗ trợ cấp trang thiết bị cho 504 nhà văn hoá thôn bản và 163 làng văn hoá tiêu biểu đạt danh hiệu 03 năm liền trên địa bàn tỉnh. Các trang thiết bị chủ yếu là tăng âm, loa đài, micro, đầu video… đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hoá của cơ sở. Dự án cấp trang thiết bị và sản phẩm văn hoá cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tuyến biên giới và hải đảo đã cấp 07 xe ô tô cho các đội thông tin lưu động các huyện Bảo Thắng, Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Yên, 02 xe chiếu bóng lưu động cho Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh và huyện Văn Bàn. Thay vì phải vận chuyển trang thiết bị bằng xe máy, vận chuyển bộ, thì nay các đội thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động của Lào Cai có phương tiện vận chuyển bằng ôtô. Dự án nâng cao năng lực phổ biến phim đã đầu tư cho Lào Cai 01 bộ máy chiếu 35mm âm thanh lập thể, 05 bộ máy chiếu 100 inh với kinh phí 282 triệu đồng, 01 bộ thiết bị lồng tiếng với kinh phí 200 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2006 -2010, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá tại Lào Cai huy động được 64,119 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương cấp cân đối qua địa phương 33,297 tỷ, ngân sách địa phương 9,459 tỷ đồng, đơn vị chủ quản cấp bằng hiện vật 9,114 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động khác 12,249 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy trung bình mỗi năm Lào Cai huy động được trung bình khoảng gần 13 tỷ đồng cho phát triển sự nghiệp văn hoá, trong đó nguồn hỗ trợ từ trung ương đạt khoảng hơn 8 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn lực rất quan trọng để Lào Cai đầu tư phát triển sự nghiệp văn hoá tại địa phương. Bằng nguồn lực này Lào Cai đã triển khai có hiệu quả 9 dự án thành phần của chương trình, góp phần từng bước phát triển sự nghiệp văn hoá, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho người dân.

1 2 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập