Liên hoan nghệ thuật quần chúng khu vực biên giới Lào Cai năm 2025: Kết nối cộng đồng – giữ gìn biên cương
Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ 2, năm 2025 vừa khép lại với nhiều dư âm đẹp đẽ. Sự kiện không chỉ là sân chơi nghệ thuật mà còn là dịp tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc, củng cố thế trận lòng dân nơi tuyến đầu biên giới quốc gia.
Liên hoan lần này đã thu hút được 12 Đoàn Nghệ thuật Quần chúng với 60 tiết mục, hơn 300 diễn viên không chuyên đến từ 26 xã, phường, thị trấn biên giới của tỉnh, cùng 11 Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn tỉnh Lào Cai tham gia. Liên hoan đã trở thành ngày hội thực sự của cộng đồng dân cư vùng biên.
Các Đoàn đã mang đến cho khán giả 60 tiết mục nghệ thuật phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu và hình ảnh người chiến sỹ biên phòng được khắc họa một cách đậm nét. Nhiều tiết mục gây ấn tượng bởi sự đầu tư công phu, sáng tạo trong cách dàn dựng và trình diễn, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, tạo nên bức tranh văn hóa sinh động của các dân tộc vùng cao biên giới. Đạo cụ, trang phục, cảnh trí trên sân khấu đa dạng, có đầu tư về tư duy và kinh phí, sử dụng hợp lý, phù hợp với nội dung tiết mục tạo hiệu quả và ấn tượng với khán giả.
Các tiết mục dự thi được đầu tư về trang phục, đạo cụ và dàn dựng công phu.
Khác với kỳ Liên hoan đầu tiên năm 2022, năm nay, Ban Tổ chức đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức. Năm 2025 ghi nhận sự đầu tư nghiêm túc về nội dung, kịch bản và hình thức thể hiện. Nhiều chương trình nghệ thuật có chiều sâu, kết hợp giữa âm nhạc truyền thống với hơi thở hiện đại, gắn kết nội dung biểu diễn với các thông điệp lớn như bảo vệ chủ quyền biên giới, phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa... Các đoàn tham gia đã thể hiện tinh thần thi đua sôi nổi, đoàn kết và sáng tạo.
Ban Giám khảo đánh giá cao chất lượng chuyên môn của các chương trình, đặc biệt là khả năng dàn dựng và biểu diễn của lực lượng không chuyên. Một số đơn vị như Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương đã tạo dấu ấn bằng những tiết mục sử dụng nhạc cụ dân tộc và trang phục truyền thống độc đáo, được khán giả cổ vũ nồng nhiệt.
Đông đảo Nhân dân tại xã Pha Long, huyện Mường Khương đã đến cổ vũ cho chương trình Liên hoan nghệ thuật quần chúng.
Không chỉ là hoạt động văn hóa, Liên hoan còn góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, là cầu nối giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân vùng biên giới. Thông qua các hoạt động nghệ thuật, thông điệp về tình đoàn kết dân tộc, về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ được chuyển tải nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Liên hoan cũng là dịp để các địa phương giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, quảng bá hình ảnh quê hương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao Giải nhất toàn đoàn thuộc về Đoàn nghệ thuật quần chúng (NTQC) xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng và Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Giải Nhì toàn đoàn thuộc về Đoàn NTQC xã Tả Ngải Chồ, Pha Long, huyện Mường Khương và Đồn Biên phòng Pha Long; Đoàn NTQC các Phường Lào Cai, Cốc Lếu, Duyên Hải , Thành phố Lào Cai. Giải Ba toàn đoàn thuộc về Đoàn NTQC các xã Nàn Sán, Sín Chải, thị trấn Si Ma cai, huyện Si Ma Cai và Đồn Biên phòng Si Ma Cai; Đoàn NTQC các xã Tung Chung Phố, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương và Đồn Biên phòng Mường Khương; Đoàn NTQC các xã Bản Lầu, Lùng Vai, huyện Mường Khương và Đồn Biên phòng Bản Lầu. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 12 giải Nhất, 12 giải Nhì, 12 giải Ba cho các tiết mục xuất sắc trong khung giải chính thức của Liên hoan. Đồng thời để khích lệ phong trào BTC đã trao 14 Giải chuyên đề xã hội hóa cho các tiết mục, cá nhân có phần biểu diễn ấn tượng. Điều đọng lại lớn nhất không nằm ở những giải thưởng, mà là sức sống mới cho phong trào văn nghệ quần chúng – một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Thành công của Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai năm 2025 là minh chứng sinh động cho sự phát triển đồng đều giữa văn hóa và quốc phòng. Trong hành trình giữ gìn phên dậu Tổ quốc, những làn điệu dân ca, những bước nhảy truyền thống đang trở thành một phần của thế trận vững chắc – thế trận lòng dân./.
Đinh Phương