Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới
Sáng 10/7, Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Báo Việt Nam News and Law - Thông Tấn Xã Việt Nam tổ chức tọa đàm "Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới", nhằm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang cho biết, Tọa đàm là bước cụ thể hóa các định hướng quan trọng của Đảng: Kết luận số 57-KL/TW năm 2023 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; và đặc biệt là tinh thần từ bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm – một thông điệp mạnh mẽ về khát vọng và bản lĩnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tọa đàm "Định vị Việt Nam – Truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia trong kỷ nguyên mới".
Theo bà Vũ Việt Trang, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với khát vọng trở thành một quốc gia hùng cường, có tầm ảnh hưởng và vị thế vững chắc trong khu vực và thế giới. Trong tiến trình đó, việc xây dựng và định vị hình ảnh quốc gia không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành truyền thông, mà còn là một phần cơ hữu trong từng hợp phần của chiến lược phát triển tổng thể của đất nước.
Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng, đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng: tăng cường mức độ nhận diện tích cực về Việt Nam trên các kênh báo chí quốc tế và nền tảng số; định hình một hình ảnh Việt Nam ổn định, sáng tạo, phát triển, giàu bản sắc và thân thiện.
Đặc biệt, chiến lược nhấn mạnh vai trò của truyền thông không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, công nghiệp văn hóa, tăng trưởng xanh và hội nhập quốc tế. Các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2025–2035 cũng được xác định rõ, với yêu cầu cao về tính hệ thống, kết nối và quốc tế trong triển khai.
"Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, với sự bùng nổ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng truyền thông mới. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam tạo ra bước đột phá trong việc định vị hình ảnh quốc gia.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu khai mạc.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với 34 tỉnh, thành phố sau điều chỉnh – mở ra không gian phát triển đa dạng và năng động hơn – thì nhu cầu quảng bá hình ảnh quốc gia hiện đại, hấp dẫn và giàu tiềm năng lại càng trở nên cấp thiết. Chúng tôi cho rằng, để chiến lược thành công, cần xây dựng một hệ sinh thái truyền thông mạnh, trong đó báo chí chính thống giữ vai trò dẫn dắt – tạo nền tảng dữ liệu đáng tin cậy để các chủ thể khác nhau cùng kể về một Việt Nam đổi mới, sáng tạo, gìn giữ truyền thống và không ngừng vươn lên", bà Vũ Việt Trang chia sẻ.
Bà Vũ Việt Trang cho biết, Thông tấn xã Việt Nam xác định 4 định hướng trọng tâm trong thực hiện chiến lược:
Thứ nhất, đổi mới và đa dạng hóa cách kể "Câu chuyện Việt Nam". Không thể tiếp tục kể chuyện theo cách cũ. Chúng ta cần những câu chuyện chân thực, chạm đến cảm xúc, truyền cảm hứng – để thế giới hiểu về một Việt Nam vừa năng động, hiện đại, vừa gìn giữ cốt cách văn hóa truyền thống.
Thứ hai, mở rộng sản phẩm đa ngôn ngữ. Truyền thông đối ngoại chỉ hiệu quả khi vượt qua rào cản ngôn ngữ. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các sản phẩm bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nga, Lào, Khmer, Triều Tiên, Nhật Bản…, phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác công – tư trong truyền thông. Việc xây dựng hình ảnh quốc gia không thể là trách nhiệm riêng của các cơ quan báo chí. Cần có cơ chế để phối hợp chặt chẽ giữa báo chí chủ lực, các startup công nghệ, doanh nghiệp lớn, nhà báo công dân… để tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, với nội dung đáng tin cậy, hấp dẫn và đa dạng.
Thứ tư, tăng cường kết nối và trao đổi thông tin với các hãng thông tấn quốc tế. Thông qua các mạng lưới hợp tác sẵn có như OANA, ANN... TTXVN sẽ đẩy mạnh chia sẻ thông tin, đưa nội dung truyền thông Việt Nam đến với đông đảo công chúng toàn cầu.
"Chiến lược truyền thông và quảng bá hình ảnh quốc gia không chỉ là một bản định hướng dài hạn, mà cần được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể – từ trung ương tới địa phương, từ cơ quan báo chí tới từng người dân. Với vai trò là cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực, Thông tấn xã Việt Nam cam kết tiếp tục đồng hành, dẫn dắt và tiên phong trong việc lan tỏa hình ảnh một Việt Nam phát triển, nhân văn, bản sắc – đến với bạn bè quốc tế, trên mọi nền tảng thông tin toàn cầu", bà Vũ Việt Trang cho hay.

Ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: "Cuộc cạnh tranh hình ảnh quốc gia ngày càng khốc liệt, trong khi hình ảnh Việt Nam vẫn chưa tương xứng với những thành tựu đạt được. Vì thế, Chính phủ đã giao nhiệm vụ soạn thảo chiến lược bài bản, dài hạn để khẳng định vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới".
Mục tiêu chung được đề ra trong Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài là thúc đẩy thông tin tích cực về Việt Nam trong và ngoài nước nhằm tăng sự nhận diện tích cực về một hình ảnh Việt Nam "Ổn định, phát triển, đổi mới và sáng tạo, giàu bản sắc văn hóa", qua đó, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Theo định hướng của Chiến lược, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 này, đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện truyền thông và quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài theo định hướng thống nhất; tổ chức ít nhất 10 chiến dịch truyền thông trọng điểm mang tầm quốc tế; nâng mức độ nội dung tích cực về Việt Nam trên báo chí quốc tế và nền tảng số lên ít nhất 80%.
Chiến lược cũng hướng tới việc đưa Việt Nam vào nhóm 40 quốc gia có mức độ xuất hiện tích cực cao trên truyền thông toàn cầu, thu hút 35 triệu khách quốc tế vào năm 2030, đồng thời đặt mục tiêu để ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030 và 8% vào năm 2035.
Về phương thức thực hiện, Chiến lược đề xuất đa dạng hóa hình thức truyền thông từ nền tảng truyền thống đến số hóa, lồng ghép truyền thông vào các sự kiện ngoại giao, văn hóa, thể thao; kết hợp với báo chí quốc tế, các đoàn làm phim và phóng viên nước ngoài. Song song đó là các giải pháp hỗ trợ cụ thể như nâng cao năng lực cho các địa phương, xây dựng thương hiệu đặc trưng, tổ chức điều tra, khảo sát quốc tế và phát huy vai trò của các nền tảng truyền thông đối ngoại.
Việc xây dựng một chiến lược truyền thông hiện đại, đồng bộ và có sức cạnh tranh trong khu vực được xem là bước đi quan trọng nhằm lan tỏa giá trị Việt Nam trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh uy tín và vị thế quốc gia ngày càng được củng cố, cùng với sự gia tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế vào thể chế và năng lực điều hành của Việt Nam, việc khơi dậy khát vọng phát triển và hình ảnh một quốc gia hùng cường trở thành một yêu cầu tất yếu.

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm.
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự (bao gồm đại diện các bộ ngành, cơ quan báo chí, chuyên gia truyền thông, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế) đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, góp ý cho nội dung Chiến lược. Các chủ đề tập trung vào định vị hình ảnh quốc gia, phương pháp kể câu chuyện Việt Nam ra thế giới, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thương hiệu quốc gia, cũng như vai trò của truyền thông số và lực lượng "người kể chuyện độc lập" trong kỷ nguyên đa nền tảng./.
Xuân Trường
https://bvhttdl.gov.vn/dinh-vi-viet-nam-truyen-thong-quang-ba-hinh-anh-quoc-gia-trong-ky-nguyen-moi-20250710093114945.htm