Lào Cai 25° - 28°
Chủ tịch Quốc hội: Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân vì đối tượng thụ hưởng của VHTTDL chính là người dân.

 
 

Sáng 31/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ VHTTDL về việc nghiên cứu, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa theo yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực văn hoá, kết quả Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" và công tác phối hợp chuẩn bị các nội dung được phân công tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Chủ tịch Quốc hội: Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL.

Chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách của Bộ VHTTDL là rất lớn

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nghe lãnh đạo Bộ VHTTDL báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực văn hóa và công tác chuẩn bị Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Qua báo cáo và các ý kiến tại cuộc làm việc, phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ngành VHTTDL đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và biến động, nhất là tác động của đại dịch Covid–19.

Điểm lại những kết quả nổi bật của ngành VHTTDL, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Bộ VHTTDL đã có rất nhiều nỗ lực, đặc biệt đã đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, chuyển từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật, kiến tạo sự phát triển các ngành, lĩnh vực quản lý.

Thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV, Bộ VHTTDL đã chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng.

Điển hình là Luật Điện ảnh (sửa đổi) được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. "Chúng ta đã nỗ lực đến những "phút bù giờ" để giải quyết được những vấn đề vướng mắc của thực tiễn, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện dự luật trình Quốc hội thông qua, chuyển mạnh từ tư duy coi điện ảnh chỉ là một ngành văn hoá, nghệ thuật sang tư duy coi đây vừa là một ngành văn hóa nghệ thuật, đồng thời là một ngành công nghiệp văn hóa để có chính sách phù hợp. Hay Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tiến bộ hơn nhiều so với luật cũ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ cũng đã chủ động phối hợp tham mưu, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và hiện đang chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành một số luật khác, thậm chí đã tính đến giai đoạn sau nhiệm kỳ Khóa XV.

Bộ cũng đã chủ động rà soát, xây dựng mới và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026 với các Ban, Bộ, ngành Trung ương, qua đó, giúp ngành VHTTDL có thêm những nguồn lực quan trọng để phát triển.

Chủ tịch Quốc hội: Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Nhất trí với nhận định thẳng thắn của Bộ VHTTDL về những điểm còn tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách của Bộ là rất lớn với 38 nhóm nhiệm vụ, do đó, Bộ VHTTDL và ngành VHTTDL cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ VHTTDL cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về văn hóa, trước hết là để mỗi cán bộ ngành văn hóa phải hiểu và thấm nhuần sâu sắc nhất, từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các chủ trương và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trước đây, chúng ta đã có những nghị quyết chuyên đề về văn hoá. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm phát triển con người toàn diện; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nêu rõ tầm quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 – là hội nghị toàn quốc đầu tiên về văn hóa được tổ chức sau 75 năm, kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc do Bác Hồ chủ trì năm 1946, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, thấm nhuần các quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội: Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

"Tổng Bí thư đã nhấn mạnh các nhiệm vụ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất. Như vậy, trong ngành chúng ta phải ngấm, phải thấm nhuần những quan điểm này trước thì xã hội mới ngấm và thấm nhuần được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ VHTTDL thường xuyên rà soát, tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm cả những nhiệm vụ lập pháp mới có thể phát sinh.

Đặc biệt cần lưu ý chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người, bảo đảm phù hợp với tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.

Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân

"Tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, chúng ta đã thống nhất đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện ngay nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa. Chúng ta xác định để phát triển văn hóa thì phải bao gồm cả thể chế và nguồn lực, nhưng xét đến cùng, để có nguồn lực thì cũng phải từ thể chế"- Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục khẩn trương nghiên cứu, rà soát tổng thể hệ thống pháp luật hiện hành để đánh giá, đề xuất hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội: Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng tranh lưu niệm cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trong đó, theo Chủ tịch Quốc hội cần phân chia thành 5 nhóm. Nhóm một là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hoặc thay thế các luật hiện hành có vướng mắc, khó khăn do đã được ban hành lâu, không còn phù hợp với tình hình thực tế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển hiện nay như Luật Quảng cáo, Luật Di sản văn hoá, Luật Báo chí...

Nhóm hai là, nghiên cứu, đề xuất ban hành một số luật mới, trong đó có những luật mà trước đây dự kiến ban hành pháp lệnh nhưng qua rà soát vừa qua cho thấy liên quan đến quyền, lợi ích của công dân nên phải được điều chỉnh bằng luật, như: luật về nghệ thuật biểu diễn, nếu tích cực trình sớm được trong nhiệm kỳ Khóa XV thì Quốc hội sẵn sàng bổ sung chương trình. Hay pháp luật về hoạt động văn học – lĩnh vực duy nhất thuộc phụ trách của Bộ chưa có pháp luật điều chỉnh, trước mắt nên nghiên cứu ban hành nghị định.

Nhóm ba là các vấn đề chưa được thể chế hóa, nhất là các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu, căn cứ lý luận, thực tiễn và đề xuất ban hành các luật, quy định chuyên ngành như: luật về mỹ thuật; luật về nhiếp ảnh; luật về tài trợ, hiến tặng, luật về tự do sáng tạo trong khoa học và văn hóa, văn học, nghệ thuật; luật về bản quyền tác giả, tách nội dung từ Luật Sở hữu trí tuệ... Bộ VHTTDL cần chủ động rà soát, tập trung đánh giá để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp; các đề tài nghiên cứu khoa học của bộ cũng cần tập trung ngay vào những lĩnh vực này để bảo đảm tính thiết thực.

Nhóm thứ tư là tiếp tục rà soát các nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực VHTTDL. Với những nội dung liên quan đến quyền công dân mà chưa có luật thì có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để ban hành các nghị định "không đầu" theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.

Nhóm thứ năm là, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành VHTTDL, nhất là các chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính, khuyến khích sáng tạo... để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa.

"Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân, đối tượng thụ hưởng của VHTTDL chính là người dân. Do đó chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách này, có những chính sách có thể thực hiện thí điểm, sau đó tổng kết, đánh giá hiệu quả để phổ quát hóa thành chính sách chung", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự và phát biểu tại buổi làm việc

Liên quan đến vấn đề visa, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nếu chưa sửa đổi được Luật Xuất cảnh, nhập cảnh thì ngay trong Kỳ họp tới có thể đề xuất Quốc hội đưa vào Nghị quyết để tháo gỡ, từ đó kích cầu du lịch.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể về việc đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh; phát triển các sản phẩm văn hóa có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng; phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày thành lập nước và kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam. Tập trung phối hợp với các ban, bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Hệ giá trị văn hóa, Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

"Các đồng chí cần chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cấp bách, đặc thù cần có cơ chế, giải pháp riêng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục triển khai các chương trình, dự án thành phần về văn hóa thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.

Đồng thời cần nỗ lực cao nhất để trình ban hành được Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như đề xuất tại Hội thảo Văn hóa 2022. "Nếu trình được trong năm nay thì Quốc hội rất hoan nghênh, nếu chậm nhất thì cũng phải trong năm 2024. Ủy ban Văn hoá, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTTDL nghiên cứu cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ ra tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, xác định rõ Trung ương làm gì, địa phương làm gì để tập trung đầu tư ra tấm, ra món cho hiệu quả. Cơ quan của Quốc hội phát huy tinh thần làm việc từ sớm, từ xa, vào cuộc ngay từ đầu với Bộ không chờ đến khi trình", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 572 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 14 trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chuẩn bị tốt cho phiên giải trình về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013 - 2021" sẽ được tổ chức trong thời gian tới. Quan tâm giải quyết hiệu quả các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực Bộ phụ trách.

Về phối hợp tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với sự tham dự của các đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia, đây là cơ hội rất lớn để quảng bá hình ảnh, văn hóa và đất nước, con người Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL tham gia Ban Tổ chức, cử đại diện tham gia các Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Thông tin và Tuyên truyền của Hội nghị. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam tại Phiên thảo luận chuyên đề về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững, làm rõ những yếu tố đặc sắc của Việt Nam và nội dung văn kiện cuối cùng của Hội nghị.

Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại thanh niên về những vấn đề có liên quan đến Chủ đề chính và các chuyên đề của Hội nghị; tổ chức các hoạt động thăm quan, quảng bá về văn hóa, du lịch của Việt Nam. Phối hợp tổ chức Chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ Hội nghị. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan trong công tác thông tin, truyền thông trước, trong và sau Hội nghị...

Chủ tịch Quốc hội: Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân - Ảnh 6.
Chủ tịch Quốc hội: Ưu đãi cho các lĩnh vực VHTTDL chính là ưu đãi cho toàn dân - Ảnh 7.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của Bộ VHTTDL, trong đó có việc thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn trọng điểm; việc thành lập Văn phòng đại diện Xúc tiến du lịch quốc gia tại các thị trường nguồn khách trọng điểm của du lịch Việt Nam; đề nghị đối chiếu với các quy định hiện hành, xây dựng Đề án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đặc biệt là 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh để thực hiện nhiệm vụ chấn hưng văn hoá, phát triển du lịch, thể thao..., thay mặt ngành VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, toàn ngành sẽ nỗ lực, cố gắng với tinh thần quyết tâm cao nhất, tăng cường sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ.

"Trọng tâm trước mắt là trong năm nay sẽ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để tạo ra nguồn lực lớn cho phát triển văn hoá; đồng thời tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực phụ trách theo đúng tinh thần của Đảng ta xác định thể chế là khâu đột phá", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định./.

Xuân Trường - Ảnh: Nam Nguyễn






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập