LCĐT - Cuối thu, nhưng tiết trời vẫn mang chút oi nồng của mùa hạ, tôi chọn cho mình điểm đến là đảo Cát Bà xinh đẹp để tận hưởng kỳ nghỉ trước khi đông tràn về.
Ðể đến Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng), tôi chọn cách di chuyển bằng phà từ khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh). Đi theo hành trình này có cơ hội ngắm vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long, với những ngọn núi đá cao vời vợi mọc lên sừng sững giữa mênh mông sóng nước. Sau gần 1 giờ đi phà, tôi đã đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp được bao phủ bởi màu xanh mát rượi của những rừng cây. Với vẻ đẹp và thơ mộng của mình, Cát Bà còn được ưu ái gọi là đảo Ngọc.
 |
Vẻ đẹp biển Cát Bà. |
Sau khi chọn được khách sạn có tầm nhìn hướng ra biển, tôi tự tại ngồi ngắm những chiếc thuyền, cano nhộn nhịp chở khách du lịch nước ngoài vào tham quan đảo. Đêm đầu tiên trên đảo, khác với hình dung ban đầu về hòn đảo vắng, Cát Bà nhộn nhịp không khác gì những phố thị sầm uất. Trên các nẻo đường, từng đoàn khách du lịch thong dong ngắm cảnh, những quán cà phê dọc tuyến đường trung tâm rất đông bạn trẻ ngồi quây quần để lên kế hoạch khám phá đảo. Sau giấc ngủ sâu, việc đầu tiên tôi làm trong ngày mới đó là tắm biển. Cát Bà nổi tiếng có những bãi biển nước trong xanh, như Cát Cò 1 với bãi cát dài mịn, độ sâu vừa phải nên thu hút rất đông người đến tắm mỗi khi bình minh lên và chiều xuống. Từ bãi tắm này, đi qua con dốc nhỏ sẽ đến Cát Cò 2, Cát Cò 3 - đây là 2 bãi tắm có phong cảnh đẹp, nhưng độ sâu khá lớn nên số người đến tắm không nhiều.
Chị Ngân, chủ Khách sạn Hương Ngân khi biết tôi muốn tìm hiểu về hòn đảo xinh đẹp này đã không ngần ngại dành thời gian đưa đi tham quan một vòng quanh đảo bằng xe máy. Kể về nguồn gốc tên đảo, chị Ngân bảo: “Cát Bà là đọc chệch từ Các Bà. Người xưa kể rằng, vào thời Thánh Gióng đánh giặc Ân, khi đàn ông ra trận, đảo chỉ còn lại các bà lo việc nhà và tiếp tế cho tiền tuyến. Vì thế, trên đảo hiện nay vẫn còn đền thờ Các Bà, là nơi để người dân tưởng nhớ và cảm tạ công ơn những người phụ nữ đã có công chăm lo xây dựng đảo”.
Ghé thăm cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, tôi được một công nhân nhiệt tình giới thiệu về các công đoạn chế biến ra thứ nước chấm nổi tiếng mang thương hiệu Cát Hải. Từ khâu chọn cá, ủ mắm, đến chưng cất thật lắm công phu. Nhìn những chiếc chum đựng nước mắm thành phẩm được xếp thành từng tầng, giống như những chiếc nấm nhỏ mọc san sát nhau thật đẹp mắt. Rời cơ sở sản xuất nước mắm, chị Ngân đưa tôi tới thăm bến thuyền - nơi không thể không đến khi tham quan Cát Bà. “Nhờ bến thuyền này mà tôi tìm được một nửa của mình đấy. Với người dân trên đảo, bến thuyền này là nơi gặp gỡ, mua bán tôm cá vào mỗi buổi sáng khi thuyền về” - chị Ngân bảo. Tôi khá ngạc nhiên khi biết rằng, bến thuyền nhỏ này lại là điểm hẹn của những chiếc thuyền từ mãi miền Trung, miền Nam xa xôi về đây bỏ mối hải sản. Ghé thăm chợ trung tâm trên đảo, tôi thật sự ấn tượng về cung cách bán hàng của các bà, các chị. Không bon chen, chụp giật, không nói giá quá cao, thậm chí, khi bạn nếm thử hải sản mà không mua, người bán vẫn niềm nở chào tạm biệt. “Người dân ở đây là vậy, chúng tôi cùng nhau xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách, để Cát Bà trở thành điểm đến ấn tượng”- chị Ngân cười chia sẻ.
Chúng tôi rong ruổi khắp các điểm du lịch trên đảo, chiều xuống lúc nào không hay. Đứng bên bến thuyền nhỏ, chỉ tay ra khơi xa, chị Ngân giới thiệu: “Làng chài kia đã tồn tại nhiều năm, trên mỗi chiếc thuyền là một gia đình nhỏ. Đi thuyền qua làng chài này là tới vịnh Lan Hạ nổi tiếng”. Bóng chiều nhuộm tím mặt biển, trong lăn tăn sóng, ánh sáng của những chiếc đèn điện le lói hắt xuống nước tạo nên vẻ trầm lặng của làng chài. Tiếng bản tin thời sự trên VTV, tiếng trẻ con í ới gọi nhau, rồi tiếng người lớn nhắc các con học bài hòa lẫn tiếng sóng vỗ vào bờ đá khiến tôi có cảm giác thật bình yên...
Hai ngày nghỉ cuối tuần không đủ thời gian để khám phá hết vẻ đẹp của đảo Ngọc. Còn rất nhiều điểm đến thú vị như rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, Vườn quốc gia Cát Bà, di chỉ Cái Bèo và một số hang động mới được tìm thấy đang chờ tôi trở lại vào một ngày không xa.
THU NGỌC