Chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” được phát động cách đây đúng một năm đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, dường như những hành xử chưa đẹp tại các điểm du lịch chưa hết, chưa trở thành thói quen khi đi du lịch của nhiều người. Vậy cần có những biện pháp gì mạnh mẽ hơn để không còn những hình ảnh “người Việt xấu xí” ở những điểm đến?
Muôn lý do cho những hành xử xấu
Trong một năm qua, do sự vào cuộc tương đối mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và địa phương nên tác động đến sự thay đổi nhận thức của nhiều du khách tại các di tích, danh thắng, điểm đến. Nhưng chúng ta vẫn phải chứng kiến những vị khách còn để lại hình ảnh không đẹp, thậm chí vi phạm di tích, vi phạm pháp luật tại điểm đến như hai thanh niên chụp ảnh khỏa thân ở đỉnh Pha Luông, Sơn La; Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên-Huế) bị nhiều du khách viết, vẽ bậy; du khách xả rác bừa bãi ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt... Thậm chí, nhiều người vẫn giữ những thói xấu như vi phạm luật giao thông, không xếp hàng nơi công cộng, xả rác, lấy nhiều đồ khi ăn búp-phê…
Từ kinh nghiệm thực tế của một hướng dẫn viên lâu năm, anh Nguyễn Hồng Nguyên, hướng dẫn viên Công ty du lịch Hanoitourist cho rằng, bản thân nhiều người cũng nhận thức được hành vi xấu của mình nhưng nhiều khi vẫn không từ bỏ được thói quen. Thường thì ở những nơi sạch đẹp, vô thức khách cũng phải hành xử văn minh. Nhưng khi đến những nơi môi trường chưa tốt thì chính những khách đó lại có những hành động không đẹp. Nhiều người hành xử theo thói quen và mang “tâm lý bầy đàn”.
Bên cạnh đó, còn hiện tượng du khách có hành vi xấu vì thực tế các quy tắc ứng xử được đưa ra không phải là văn bản pháp luật mang tính bắt buộc thi hành, mà chủ yếu mang tính hướng dẫn, định hướng. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Transviet Travel, một doanh nghiệp đi đầu trong nỗ lực kêu gọi ứng xử văn minh trong du lịch, cho biết: Năm qua, công ty đã tổ chức nhiều hoạt động để kêu gọi ý thức trong hoạt động du lịch như tổ chức biểu diễn lưu động, dọn rác tại Công viên Yên Sở, phát tờ rơi tại sân bay, hội chợ, tham gia viết bài, nói chuyện trên báo chí, truyền hình… về vấn đề này. Thực tế, chúng tôi thấy nếu chỉ kêu gọi thôi chưa đủ. Một ví dụ là khi đến Công viên Yên Sở, nếu chúng tôi chỉ dọn rác nhiều người sẵn sàng lại vứt rác bừa bãi. Do đó, chúng tôi thay đổi chiến thuật, không chỉ làm công việc dọn rác, mà chủ yếu tạo nơi bỏ rác vào thùng thuận tiện cho người dân, phát túi ni-lông để họ vứt rác và tuyên truyền giúp họ vứt rác đúng chỗ, hướng dẫn phân loại rác bằng những trò chơi vui vẻ, nhẹ nhàng. Sau những chiến dịch đó, nhiều người nhận thấy Công viên Yên Sở đã sạch đẹp hơn trước.
 |
Đạp xe lưu động tuyên truyền về ứng xử văn minh du lịch. |
Doanh nghiệp du lịch phải đi đầu
Để tạo ra sự thấy đổi thực sự, lấy kinh nghiệm Xin-ga-po, một đất nước sạch đẹp bằng pháp luật để tạo ý thức, theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch không phải văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng các doanh nghiệp du lịch có thể cụ thể hóa các quy tắc ứng xử này vào doanh nghiệp. Các điểm đến đều phải yêu cầu du khách "nhập gia tùy tục" để phù hợp với văn hóa của điểm đến... Khi áp dụng Bộ quy tắc ứng xử Hanoitourist đã kết hợp với văn bản pháp luật khác của Nhà nước để nó trở thành nội quy, thành những quy tắc bắt buộc ở công ty.
Ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ, ngay trong nội bộ Transviet đã tập huấn và bắt buộc nhân viên phải truyền đạt những thông điệp ứng xử văn minh với du khách. Để duy trì việc này, công ty thực hiện thưởng phạt rất triệt để. Khi mới thực hiện nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề này rất nhạy cảm, khó nói vì “khách hàng là thượng đế”. Nhưng khi phải thực hiện, hóa ra hầu như du khách đều vui vẻ ủng hộ. Chính các hướng dẫn viên đó phản hồi lại rằng sau khi họ tuyên truyền, du khách thay đổi nhiều trong ứng xử. Điều này tạo thuận lợi hơn cho công việc của họ.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty HanoiRedtours cũng đồng tình cho rằng, việc nâng cao hình ảnh du khách Việt thực tế có lợi cho doanh nghiệp lữ hành vì khi khách ứng xử tốt thì chuyến du lịch rất thành công. Ngay bản thân những người phục vụ trong chuyến du lịch như tài xế, tiếp tân… nếu gặp du khách văn minh họ cũng vui vẻ hơn, phục vụ tốt hơn. Đã có nhiều tài xế từng phản ứng rất mạnh khi xe đẹp lại bị khách xả rác, khách muộn họ phải đi lòng vòng và bị phạt… Tuyên truyền ứng xử văn minh vì thế là trách nhiệm và cũng là quyền lợi của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chính là những người thực tế, nắm rõ nhất, dễ nhất hành vi của du khách. Do đó, cần cơ chế xử phạt, giám sát, phản ánh để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử du lịch, mang tính chuẩn mực, định hướng hành vi, thái độ ứng xử của cá nhân, tổ chức khi tham gia các hoạt động du lịch. Hy vọng rằng, cùng với tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để góp phần làm thay đổi hành vi của du khách, Bộ quy tắc ứng xử này sẽ được triển khai rộng rãi, phát huy hiệu quả để không ngừng nâng cao hình ảnh du khách Việt khi đi tham quan ở trong và ngoài nước.
Theo Báo Quân đội nhân dân