image banner

Lào Cai 24° - 26°
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì: Bức tranh hoàn hảo
(Cinet)- Hoàng Su Phì là vùng đất hùng vĩ mà cũng rất nên thơ mà tạo hóa đã ban tặng cho Hà Giang với những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau, trải dài ngút ngàn theo các triền núi đẹp như tranh thủy mặc…

Từ trung tâm TP. Hà Giang đi dọc theo Quốc lộ 2 và tỉnh lộ 177 chừng hơn 100km là tới huyện Hoàng Su Phì - một huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Hà Giang.

Hoàng Su Phì có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và thấp dần theo hướng dòng chảy của sông Chảy và sông Bạc tạo nên 3 dạng địa hình đặc trưng là đồi núi cao, đồi núi thấp và thung lũng hẹp. Đặc điểm tự nhiên này là điều kiện để đồng bào các dân tộc nơi đây sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang hoàn hảo trong suốt quá trình của cuộc mưu sinh no ấm. Hoàng Su Phì có 12 dân tộc cùng nhau sinh sống, trong đó ruộng bậc thang gắn bó đậm nét với đời sống và văn hóa của người Dao, Nùng, La Chí…

Chưa có tài liệu nào chứng minh về nguồn gốc, sự ra đời của những thửa ruộng bậc thang nơi đây, nhưng nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ruộng bậc thang là loại hình canh tác phổ biến đã xuất hiện hàng trăm năm nay cùng với sự tồn tại và phát triển của nhiều dân tộc ở miền núi phía Bắc trong đó có Hoàng Su Phì.

Để tạo nên những thửa ruộng bậc thang như ngày nay, cộng đồng cư dân nơi đây đã phải trải qua quá trình lao động mệt nhọc, cần cù, sáng tạo, khéo léo và tính toán kỹ lưỡng từ việc lựa chọn vùng đất, khai phá, đắp bờ, dẫn nước đến việc canh tác. Đối với người Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, cứ mỗi khoảng ruộng họ lại trừ ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh ruộng để giữ đất khỏi sạt, lở; còn người La Chí ở xã Bản Phùng lại giữ lại lớp đất trên bề mặt, sau khi khai ruộng xong thì phải trải lớp đất đó lên và canh tác ngay. Việc đắp bờ ruộng cũng đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm thiết kế cả hệ thống các thửa ruộng bậc thang, tùy vào thế đất, địa hình mà tạo nên những khoảnh ruộng rộng, hẹp, dài, ngắn, cao, thấp khác nhau. Ở những thửa ruộng độ dốc cao và nước khe chảy thì việc làm bờ vất vả hơn, người dân phải lấy đá kè chặt từ ruộng dưới lên đến mặt ruộng trên tại những đoạn bờ hay bị xói lở để bảo vệ ruộng và tránh bị rửa trôi chất màu. Trước khi những thửa ruộng vào mùa cấy thì việc đắp bờ, làm đất đều được thực hiện nhiều lần, công phu và tỉ mỉ. Có những thửa ruộng đồ sộ với hàng trăm bậc cao ngút tầm mắt, lại có những quả đồi được tạo vuông vắn như những tòa tháp bậc thang. Trong quá trình canh tác hàng năm người dân đều phải tu sửa, chỉnh trang lại bờ ruộng và tất cả các quá trình trên đều được thực hiện bằng những nông cụ rất thô sơ như cuốc bướm, xà beng, cày, bừa…

Chỉ một lần đặt chân tới nơi này, người ta sẽ ngạc nhiên và thích thú đến vô cùng khi tận mắt ngắm nhìn lớp lớp những thửa ruộng bậc thang ngập tràn hoặc treo trên những triền núi ẩn hiện trong sương. Một bức tranh hoàn hảo được con người vẽ trong không gian bao la và hùng vĩ của đất trời, thiên nhiên giữa vùng cao biên giới.


Thời gian ở Hoàng Su Phì trôi bằng tiết tấu chậm chạp và bình yên của một miền sơn cước vừa mở cửa hướng ra ngoài. Buổi sáng, người dân tộc Tày, Mông, Nùng kéo nhau từ các bản về bán măng, rau, gà, vịt trước con đường chừng 1km xuyên thị trấn.

Chiều xuống. Những đám mây chùng trên đầu. Nhưng những vệt nắng lưng đèo vẫn soi xuống những ruộng bậc thang vằn vện nhiều sắc màu. Hoàng Su Phì hiện lên vẻ đẹp hồn nhiên và diễm lệ như một thiên đường ẩn hiện trong mây. Những khoang ruộng hoa cải vàng ươm nối với thảm lúa xanh non, lại tiếp giáp với mấy vành đai nước chảy loang xuống chân ngọn đồi đẹp như tranh. Đến tháng 9 - 10 là mùa thu hoạch, những ruộng bậc thang ở trên cung đường này là những bức tranh thiên nhiên tuyệt vời của Tây Bắc.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trở thành di sản văn hóa quốc gia sẽ mở ra nhiều thuận lợi để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng miền của cả nước.

Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cùng UBND huyện Hoàng Su Phì đang phối hợp với các tỉnh lân cận liên kết thành các tuyến du lịch liên thông với Bắc Hà (Lào Cai); Mù Cang Chải - Trạm Tấu (Yên Bái), Công viên Địa chất Đồng Văn - Mèo Vạc…; hạ tầng vật chất cũng sẽ được đầu tư nâng cấp và xây mới.

Đến Hoàng Su Phì, du khách sẽ phải xuýt xoa trước cảnh đẹp, hương vị của những món ngon hay sản vật lạ của một chốn đèo mây. Hoàng Su Phì sẽ là điểm thu hút khách mới trên cung Đông - Tây Bắc trong vòng những năm tới./.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập