image banner

Lào Cai 24° - 26°
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi): Tiếp tục hoàn thiện để có thể thông qua tại kỳ họp tới
VH- Như Văn Hóa điện tử đã đưa tin, chiều 18.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, có 49 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng do thời gian nên chỉ có 18 đại biểu phát biểu. Những ý kiến còn lại chưa phát biểu tại Hội trường sẽ được tập hợp đưa vào chương trình tiếp thu.

Tăng khả năng cạnh tranh bằng nhân lực du lịch

Hầu hết các đại biểu phát biểu tại Hội trường đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Du lịch hiện hành vì những lý do khách quan và chủ quan.

Theo đó, sửa đổi toàn diện và ban hành Luật Du lịch (sửa đổi) sẽ đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, có những chính sách đột phá, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo Luật, các đại biểu nhận định dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã có độ thông thoáng nhất định theo định hướng cơ chế thị trường và cơ bản khắc phục được những bất cập của Luật hiện hành. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến đề nghị, một số quy định liên quan đến chính sách phát triển du lịch, xếp hạng cơ sở lưu trú, kinh doanh lữ hành, nguồn nhân lực du lịch, HDV du lịch, xúc tiến du lịch… cần cân nhắc, chỉnh sửa, bổ sung cho hợp lý hơn. Trong đó, vấn đề về nguồn nhân lực du lịch được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng: “Việc thành công của một doanh nghiệp du lịch hay một quốc gia muốn phát triển du lịch sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố con người, nguồn du lịch cũng đòi hỏi công tác đào tạo, du lịch phải được quan tâm hàng đầu.

Bộ trưởng, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Du lịch (sửa đổi) phát biểu vào cuối phiên họp toàn thể thảo luận về dự án Luật Ảnh: N.Đ.Khoa

Theo thống kê thì năm 2016, chúng ta cần đến 660.000 lao động du lịch, đến năm 2020 cần tới xấp xỉ 900.000 lao động du lịch qua đào tạo. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp chuyên nghiệp vẫn chưa đủ nguồn năng lực để đào tạo về du lịch. Như vậy, nhân lực du lịch có vị trí rất quan trọng trong phát triển du lịch. Việc quản lý, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch, trong đó việc quy hoạch nguồn nhân lực đề ra chính sách quy chuẩn chương trình, tạo điều kiện đào tạo và sử dụng nhân lực du lịch hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Vì thế, nên bổ sung chương Nguồn nhân lực du lịch”.

Cụ thể hơn về nội dung liên quan đến hướng dẫn viên (HDV) du lịch, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) đánh giá: “Nhìn chung thực trạng HDV du lịch ở Việt nam hiện nay vừa thiếu, vừa yếu và công tác quản lý còn nhiều bất cập. Trong khi đó, những quy định về HDV trong dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) chỉ mới khắc phục được điểm thiếu mà chưa giải quyết căn bản được điểm yếu và công tác quản lý HDV du lịch”.

Đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị bổ sung quy định tổ chức thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng HDV du lịch…, bổ sung quy định về cấm HDV nước ngoài hành nghề tại Việt Nam hoặc điều kiện để cấp thẻ hành nghề HDV, là người có quốc tịch Việt Nam và có quy định hoặc viện dẫn quy định về chế tài để xử lý. Chế tài xử phạt không chỉ áp dụng với các đối tượng hành nghề “chui” mà còn áp dụng đối với những đối tượng HDV người Việt có thể hành nghề hợp pháp hay những công ty lữ hành tiếp tay cho các hành vi trái pháp luật làm xấu hình ảnh văn hóa, lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Đồng quan điểm trên, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho rằng dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) cần góp phần quan trọng vào việc tăng cường năng lực quốc gia cạnh tranh về du lịch, nhất là về con người.

 Xin được kiểm tra 
Chiến dịch tổng kiểm tra, rà soát nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú Việt Nam do Bộ VHTTDL thực hiện từ tháng 9.2016 đến nay đã có những tác động tích cực rõ rệt. Nó làm thay đổi và nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, của chủ đầu tư, của người điều hành cơ sở lưu trú về việc phải thường xuyên duy trì chất lượng cơ sở vật chất, kiểm soát chất lượng dịch vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp, ứng xử văn minh, thân thiện…

Theo báo cáo thì tại nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đã xin được kiểm tra để biết được cái được- cái chưa được, cái sai-cái đúng của mình; xin được ký cam kết duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao đã được công nhận để luôn ý thức việc mình phải giữ dịch vụ, cơ sở vật chất tương xứng với hạng sao của mình bởi họ hiểu và thừa nhận rằng, nếu không duy trì chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ, rất có thể chính họ sẽ bị bật khỏi guồng quay chung, sẽ bị thị trường đào thải.

Tất cả các khách sạn, gồm cả các khách sạn vừa được công nhận, công nhận 1 năm, 2 năm hoặc đã đến hạn tái thẩm định đều đồng thuận với kết luận kiểm tra hoặc trong việc khen ngợi, nhắc nhở, khuyến cáo hay quyết định thu hồi hạng sao.

(Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao đổi với phóng viên bên hành lang QH)

Băn khoăn về quy định xếp hạng cơ sở lưu trú

Quy định xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch cũng là nội dung được rất nhiều đại biểu quan tâm, góp ý. Đa số ý kiến đại biểu phát biểu tại hội trường lo ngại việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện quy định tại Khoản 1, Điều 61 của Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh các cơ sở lưu trú tự mạo nhận xếp hạng và tự quảng cáo sai với thứ hạng so với thực trạng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định theo hướng bắt buộc tất cả các cơ sở lưu trú du lịch đều phải được xếp hạng, không loại trừ bất kỳ một đối tượng nào. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần xác định cụ thể các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, kèm theo các quy định về điều kiện, về tiêu chuẩn để xác nhận phân loại từng loại cơ sở lưu trú du lịch để có cơ sở pháp lý thực hiện công tác quản lý và nếu có sai phạm thì cũng có cơ sở pháp lý để xử lý.

Quy định như vậy cũng đảm bảo công bằng, tránh gian lận, tránh tiêu cực trong kinh doanh và nhằm góp phần bảo vệ cho quyền lợi của người kinh doanh cũng như khách du lịch. Đặc biệt để khi luật này được ban hành thì vấn đề xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được lập lại nề nếp, trật tự”.

Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) đề nghị: “Điều 10 về các hành vi bị nghiêm cấm cần bổ sung quy định cấm các hình thức mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng cơ sở lưu trú. Bởi vì, theo quy định cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1 sao đến 5 sao tương ứng với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng phục vụ về ăn, nghỉ, sinh hoạt, giải trí theo tiêu chuẩn của từng hạng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, để tránh tình trạng đánh bóng tên tuổi của các cơ sở lưu trú tự nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch”.

Nguồn nhân lực du lịch là vấn đề được các đại biểu QH đặc biệt quan tâm Ảnh: T.Huấn

Cân nhắc thành lập lực lượng Thanh tra du lịch

Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đề nghị, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới cần cân nhắc thành lập lực lượng Thanh tra du lịch ở những trọng điểm du lịch. Tuy nhiên, để thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng địa phương và với tốc độ tăng trưởng du lịch, nên quy định theo hướng khi kinh tế du lịch phát triển đạt một tỷ lệ nhất định trong GDP sẽ thành lập một Sở Du lịch riêng và thành lập phòng Thanh tra du lịch trong Sở Du lịch.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai phân tích, một số nước trên thế giới đã thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch để đảm bảo an ninh, an toàn, chống các hành vi vi phạm pháp luật. Còn ở nước ta, tại Điều 14, Khoản 2 của dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) cũng đã có quy định: “Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập lực lượng chuyên trách, hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch”. Tuy nhiên, quy định này sẽ rất khó để khả thi, bởi một loạt vấn đề chưa được làm rõ là lực lượng này sẽ do ai quản lý, tên gọi của nó là gì, có nằm trong biên chế không, ai sẽ trả lương và cơ quan nào sẽ trực tiếp quản lý?

Đại biểu Mai đề nghị dự thảo luật nên quy định rõ hơn về nội dung trên. Về các quy định liên quan tới Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá đây chính là điểm mới của dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) so với Luật Du lịch năm 2005 và rất cần thiết nhằm phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên, quy định như dự thảo luật còn chung chung chưa chỉ rõ đâu là nguồn hình thành quỹ cũng như nguyên tắc, mục đích việc sử dụng quỹ này? Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị dự thảo luật điều chỉnh như sau: Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch từ nguồn đóng góp của các chủ thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cũng cho rằng thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết để thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước khi lĩnh vực du lịch không nằm trong ngành nghề ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư mới. Tuy nhiên, cần làm như thế nào để có nguồn thu cho quỹ và quản lý sử dụng quỹ ra sao có hiệu quả…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) liên quan đến các nội dung thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, thành lập Thanh tra chuyên ngành du lịch, Chính sách phát triển du lịch, những hành vi bị nghiêm cấm, Hội về du lịch… Cuối phiên thảo luận, theo đề nghị của Chủ tịch đoàn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có phát biểu một số nội dung liên quan đến các ý kiến đóng góp cho dự thảo (xem Lược ghi ở trang 6 số này).

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận những ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu và tất cả ý kiến đã chuẩn bị nhưng không có thời gian phát biểu trên hội trường và cho biết sẽ chỉ đạo Đoàn thư ký và ông Tổng thư ký tổng hợp để đưa vào chương trình tiếp thu. Phó Chủ tịch cũng ghi nhận, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thay mặt cho Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và có giải trình thêm một số ý. Phó Chủ tịch cũng cho biết, theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, có thể sẽ tổ chức thêm các hội nghị đại biểu chuyên trách và các cuộc hội thảo để tiếp tục lắng nghe, đón nhận thêm ý kiến của các vị đại biểu vì phiên này mới là phiên đầu tiên thảo luận về dự án luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, ngay sau phiên họp này sẽ đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra chỉ đạo, phối hợp với Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các vị đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật và xây dựng một bản báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý để thay mặt UBTV Quốc hội báo cáo trước Quốc hội để tới đây có thể thông qua được tại kỳ họp tới.

Hùng - Hà






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập