Phát triển du lịch có trách nhiệm: Có những thứ không gì đánh đổi được
Nằm trong khuôn khổ hợp tác Chiến lược hợp tác kinh tế các nước
khu vực các dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) gồm
Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, hợp tác du lịch ACMECS
hướng tới mục tiêu xây dựng “Năm quốc gia-Một điểm đến”, hấp dẫn và phát
triển bền vững.
Tại Diễn đàn Bộ trưởng Du lịch ACMECS về Du lịch có trách nhiệm vừa
mới diễn ra tại TPHCM, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước ACMECS đã
thảo luận, đóng góp ý kiến, tăng cường giao lưu kết nối trong và sau
Diễn đàn nhằm truyền đi thông điệp, định hướng và giải pháp xây dựng
“Năm quốc gia- Một điểm đến ACMECS” hấp dẫn, thân thiện với môi trường
và xã hội.
Có rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong phát triển du lịch bền vững đã
được các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước ACMECS và các chuyên gia hàng
đầu về du lịch thế giới chia sẻ tại Diễn đàn.
 |
Khách quốc tế ở làng rau Trà Quế. |
Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia Thong Khon đưa ra ví dụ: Ở Campuchia,
tất cả các đơn vị trực thuộc chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh
nghiệp, cộng đồng địa phương đều đóng vai trò quan trọng trong phát
triển du lịch có trách nhiệm. Đặc biệt là khu vực tư nhân có rất nhiều
chính sách ưu đãi của chính phủ để du lịch phát triển mạnh mẽ. Riêng tại
quần thể di tích Angkor (Siêm Riệp), Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã
nỗ lực rất nhiều để phát triển có trách nhiệm với tới mục tiêu tạo nên
sự hài hòa giữa phát triển du lịch, tôn trọng cộng đồng và bảo vệ di
sản. Trong đó, người dân tham gia việc đưa khách đi tham quan, nâng cao
trải nghiệm và bảo tồn di sản. Có những quy định bắt buộc khi khách du
lịch tới thăm quần thể đền Angkor như trang phục lịch sự, tuân thủ các
bảng chỉ dẫn, nghiêm cấm chạm khắc lên di sản và lấy cắp hiện vật. Năm
2015 Campuchia đón 4,7 triệu khách quốc tế, trong đó 43% khách tới từ
khu vực ASE¬AN, riêng thị trường ACMECS đạt 1,7 triệu lượt người.
Thứ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar Yee Mon cho biết, du lịch
Myanmar thời gian gần đây tăng trưởng rất mạnh, nhất là về du lịch văn
hóa. Bộ Khách sạn và Du lịch giữ vai trò chính, rất quan trọng giúp
Chính phủ Myanmar điều phối, kết nối các bên liên quan đưa ra những
chính sách thuận lợi để du lịch tăng tốc. Myanmar cũng thành lập Ủy ban
Phát triển du lịch của Nhà nước do Phó Chủ tịch nước đứng đầu, đảm bảo
quá trình phát triển du lịch bền vững của Myanmar; định hướng, nâng cao
nhận thức, tăng cường phối hợp giữa khu vực Nhà nước và tư nhân.
Trong khi đó, bà Kobkarn Watanavrangkul, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể
thao Thái Lan lại đặc biệt nhấn mạnh việc cân bằng giữa phát triển kinh
tế và bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa. Bà cho biết, Nhà vua
và Hoàng hậu Vương quốc Thái Lan có nhiều chương trình, dự án ở Hoàng
gia để thực hiện sáng kiến phòng chống chặt phá rừng và phát triển du
lịch bền vững. “Tôi cho rằng không nên đo lường sự phát triển hay thành
công của du lịch bằng sự tăng trưởng khách quốc tế đến mà quan trọng là
khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, mang lại nhiều lợi ích kinh tế
cho điểm đến hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tìm cách làm sao để chia
sẻ lợi ích du lịch đến cộng đồng 70 triệu dân, phần lớn làm nông nghiệp,
đời sống phụ thuộc vào nông sản, hoa màu và thu bớt khoảng cách giàu
nghèo ở đất nước mình”, bà Kobkarn nói. Hiện nay Thái Lan đang đưa ra
khái niệm điểm đến du lịch thứ cấp để giới thiệu các điểm đến mới, xa
trung tâm thủ đô Bangkok, những nơi được coi là “viên ngọc được ẩn
giấu”. Lượng khách quốc tế ở những nơi này tăng 12%, ngày lưu đêm trung
bình của khách ở những tỉnh nhỏ cũng tăng từ 1 lên 2 đêm. Bộ trưởng
Kobkarn cho rằng quá nhiều khách đến một cùng một điểm đến sẽ gây ra
tình trạng quá tải và không thể phục vụ tốt được nếu không đủ năng lực.
Thái Lan đang tập trung vào khai thác du lịch kết hợp thể thao, ẩm thực,
nông nghiệp, mua sắm… rất thành công, với sự tham gia của cộng đồng địa
phương trong phát triển du lịch bền vững.
Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện một lần nữa nhấn mạnh vai trò của
du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người
dân, bảo vệ hành tinh. Mô hình phát triển du lịch bền vững, có trách
nhiệm tiêu biểu nhất của Việt Nam là Hội An. Người dân phố cổ này có thể
vừa giữ được kiến trúc xưa cũ, phong tục tập quán sinh hoạt, văn hóa
bản địa, ẩm thực truyền thống, vừa có thể sống tốt khi tham gia vào các
hoạt động du lịch, phát triển du lịch homestay (du khách ở nhà dân). Các
làng nghề, nghề truyền thống: may Hội An, đèn lồng Hội An, gốm Thanh
Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, dệt vải tơ lụa Mã Châu, dó trầm hương Quế
Trung… cũng phát triển mạnh để phục vụ khách đến Hội An. Mức thu nhập
của dân làng nghề tăng ít nhất hai lần so với thuần nông. Người dân ở
đây ai cũng có ý thức bảo tồn di sản quê hương, phát triển nghề truyền
thống, bảo vệ môi trường (không dùng túi nilon). Chính quyền ở Hội An
tạo ra những cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy du lịch phát
triển, thể chế hóa và đưa vào thực hiện. Sự thành công trong phát triển
du lịch bền vững, có trách nhiệm ở Hội An cho thấy: Lợi ích kinh tế có
thể ít hoặc nhiều, tăng trưởng có thể lên hay xuống nhưng phát triển du
lịch bền vững, hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế, thương hiệu
“điểm đến thân thiện” mới là điều quan trọng nhất và là thứ không gì có
thể đánh đổi được, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.