16 doanh nghiệp lữ hành phía Bắc lần đầu tiên làm kích cầu
Thông tin đáng giật mình này có trong phát biểu của ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam (Vista) - tại lễ ký kết hợp tác chương trình kích cầu du lịch phía Bắc giữa Vista và Hãng hàng không Vietjet Air.
Chương trình hợp tác kích cầu này tương tự như chương trình mà Vietjet Air đang làm với Hiệp hội Du lịch TP.HCM từ giữa tháng 6. Theo đó, Vietjet sẽ dành cho lữ hành mỗi ngày 80 vé giá rẻ theo tần suất 40 vé/chuyến bay. Mức giá rẻ giảm 49% so với giá niêm yết.
Có 16 hãng lữ hành phía Bắc được Vista lựa chọn tham gia chương trình này, bao gồm các hãng lữ hành có thương hiệu như: Hanoitourist, Fiditour, Saigontourist, Hanoi Redtours, Hanoi Toserco, Vinacomin, Vinamicetour, Vietrantour, Vietnamtourist-hanoi...
Ông Vũ Thế Bình cho biết trước mắt sẽ chỉ hạn chế ở con số 16 để giữ chất lượng cho chương trình.
Hai chương trình kích cầu ở phía Bắc và phía Nam cũng sẽ hợp nhất lại để làm một chương trình chung. Các gói sản phẩm mà các doanh nghiệp lữ hành phía Nam đã xây dựng sẽ được chuyển giao cho các doanh nghiệp phía Bắc. Tương tự, sau khi các doanh nghiệp phía Bắc xây dựng xong sản phẩm kích cầu mới cũng sẽ chuyển giao cho các doanh nghiệp phía Nam cùng là thành viên của Vista.
So với chính sách giảm giá vé kích cầu du lịch của Vietnam Airlines, chương trình mà Vietjet Air đưa ra thuận tiện hơn với doanh nghiệp lữ hành.
Theo cam kết của ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc thương mại của Vietjet Air, hãng này cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lữ hành trong việc booking như số lượng vé, vào tên, đổi vé, giờ giấc bay... Các hãng được phép báo cho Vietjet Air vào tên khách hàng sát ngày bay 3 ngày. Trường hợp đặc biệt có thể cho phép vào tên sát 2 ngày.
Chính sách mở này được cho là phù hợp với tính chất của khách du lịch nội địa vốn có thói quen mua tour rất sát lịch trình khởi hành.
Ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Vietjet Air sẽ cố gắng xử lý tất cả các trường hợp phát sinh trong điều kiện cho phép”.
Về giờ bay, các vé giảm giá không bị khống chế trong giờ thấp điểm. Hãng này cam kết sẽ bán vé giá rẻ vào khung giờ phù hợp cho doanh nghiệp lữ hành có yêu cầu. Theo đó, các chuyến bay chiều đi sẽ được bố trí vào buổi sáng và các chuyến bay chiều về được bố trí vào buổi tối nhằm đảm bảo đầy đủ thời gian của một tour bình thường theo đúng hợp đồng giữa lữ hành và du khách. Tránh tình trạng cắt ngắn ngày tour, gây thiệt thòi cho du khách bởi hình thức bay đêm về sáng.
Liên minh để tăng sức mạnh cho lữ hành phía Bắc
Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng giám đốc Hanoi Redtours, trưởng ban điều hành nhóm kích cầu du lịch phía Bắc - chia sẻ: Trong khi các hãng lữ hành Sài Gòn đã liên kết với nhau để làm du lịch hơn chục năm nay thì đây mới là lần đầu tiên các doanh nghiệp Hà Nội bắt tay nhau.
“Trước đây, các doanh nghiệp đều nỗ lực đi đàm phán với các đối tác để có chính sách giá tốt nhất cho tour nhưng thành công không cao. Tiếng nói lẻ tẻ của doanh nghiệp không đủ sức nặng, nhất là với các đối tác lớn. Nhưng khi đã vào một liên minh, chỉ cần cử đại diện của nhóm doanh nghiệp đi đàm phán thì kết quả sẽ khác. Điều này ai cũng biết nhưng giờ mới làm. Do vậy cái bắt tay lần này có ý nghĩa hết sức trọng đại”.
Theo ông Hoan, 16 doanh nghiệp sẽ cùng bàn bạc để thống nhất cách làm, cách đặt vé cũng như giám sát việc cung cấp vé của Vietjet Air nhằm đảm bảo quyền lợi của thành viên, điều phối vé hợp lý và tránh mâu thuẫn nội bộ.
Các doanh nghiệp thành viên cũng tính toán đến việc sẽ xây dựng chung và bán chung một sản phẩm để hiệu quả khai thác khách được tốt hơn.
Ông Lưu Đức Kế cũng đề nghị các thành viên và các đối tác hàng không cùng tổ chức các chuyến khảo sát dịch vụ mặt đất, đặc biệt chú trọng đến dịch vụ vận chuyển mặt đất, dịch vụ lưu trú và nhà hàng để có thể giảm giá tour sâu hơn.
“Với mức vé máy bay giảm 49% hiện nay, sau khi tính toán thuế và các chi phí khác thì mức giảm chỉ còn 20-30%, cùng với nỗ lực giảm giá của lữ hành thì giá tour nội địa vẫn cao hơn giá tour outbound đi các thị trường gần như Thái Lan, Malaysi, Campuchia…
Ví dụ tour Hà Nội – Mũi Né sau khi mua được vé máy bay giá rẻ gần 3 tiệu đồng, cộng thêm chi phí tour đã lên đến gần 7tr đồng, cao hơn 1 tour Thái Lan 4 ngày 3 đêm.
Lữ hành không thể giảm giá sâu hơn nữa vì phải tính đến điểm rơi hoà vốn. Do đó, rất cần phải liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ mặt đất khác để tạo ra các sản phẩm giảm giá trọn gói có sức cạnh tranh cao”.
Ông Kế cũng gợi ý về các gói tour “free and easy” nếu liên kết được với các khách sạn và hãng vận chuyển đường bộ. Các gói tour dạng này sẽ không chỉ hút khách du lịch mà còn thu hút được cả một nguồn khách công tác lớn ở đường bay Hà Nội – Sài Gòn vốn chỉ cần sử dụng dịch vụ đi lại và nghỉ đêm.
Theo ông Vũ Thế Bình, điều quan trọng nhất trong chương trình kích cầu du lịch nội địa lần này là chương trình hợp tác giữa hàng không và lữ hành cũng như sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành phía Bắc sẽ liên tục, dài hơi và bền vững. Các doanh nghiệp lữ hành cũng cần tuân thủ các quy tắc chung đã được thống nhất vì lợi ích nhóm.
Còn ông Dương Hoài Nam - Trưởng đại diện phía Bắc của Vietjet Air chia sẻ: “Nền kinh tế đang rơi vào giai đoạn khó khăn, mục tiêu của chúng ta hiện nay là kéo khách trở lại. Vietjet Air không tính toán đến lợi nhuận khi thực hiện chương trình giảm giá vé này và hy vọng các doanh nghiệp cũng nghĩ như thế. Sau khi đã đạt mục tiêu về lượng khách, lúc đó chúng ta mới bàn tiếp về lợi nhuận”./.