29/05/2012
Kết quả bước đầu Chương trình liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng
Những năm qua, Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã đạt được những kết quả quan trọng, lượng khách tăng đáng kể, chất lượng tour có bước đột phá. Chương trình hợp tác phát triển du lịch cũng cho thấy vai trò điều phối khách của Trung tâm Du lịch Sa Pa góp phần khẳng định vị trí của du lịch Lào Cai trong khu vực.
Sáng kiến liên kết phát triển du lịch của khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, các tổ chức, đơn vị tư vấn du lịch trong và ngoài nước. Chương trình hợp tác phát triển du lịch với nội dung phong phú, đa dạng đã mang lại hiệu quả cao cho du lịch Tây Bắc, có tác dụng tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch trong khu vực. Đồng thời, xây dựng được nền tảng phương hướng hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2010 - 2015, mở ra hành lang pháp lý cho các tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của địa phương. Từ đó góp phần tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp du lịch, phát triển hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách đến với địa phương và khu vực, đồng thời mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm mới có liên quan đến du lịch.
Trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch, bên cạnh thúc đẩy công tác quy hoạch, định vị thị trường, xác định hướng thu hút đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất chuyên ngành, đã thực hiện việc xây dựng các cơ chế thu hút đầu tư về du lịch một cách thống nhất. Trong quá trình hợp tác đã hình thành các sản phẩm du lịch của khu vực Tây Bắc, ví như nhắc đến Lào Cai là nghĩ ngay tới Sa Pa và các phiên chợ vùng cao, các bản làng dân tộc. Nói tới Hà Giang là liên tưởng tới cao nguyên đá Đồng Văn; Yên Bái với ruộng bậc thang Mù Cang Chải... Thành công lớn nhất của chương trình hợp tác phát triển du lịch năm 2011 của 8 tỉnh là đã thu hút trên 30 doanh nghiệp trong nước tham gia tổ chức các chuyến khảo sát cung đường Tây Bắc.
Thông qua việc triển khai các hoạt động liên kết hợp tác mà lượng khách và doanh thu du lịch của các tỉnh trong khu vực đã tăng cả về chất và lượng. Năm 2011, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt gần 1 triệu lượt người, doanh thu du lịch đạt trên 1.300 tỷ đồng. Việc phát huy hiệu quả của Trung tâm thông tin du lịch Lào Cai đặt tại Sa Pa đã khẳng định vai trò điều phối khách của tỉnh Lào Cai đi các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ... Những kết quả từ chương trình hợp tác này đã góp phần làm cho khu vực Tây Bắc dần khẳng định vị trí của mình trong ngành du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, Chương trình hợp tác trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại, như chưa có sản phẩm mang tính đặc trưng chung của khu vực Tây Bắc. Đào tạo về du lịch cộng đồng chưa được chú trọng, người dân tại các làng du lịch cộng đồng ít được tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch. Mô hình làng du lịch cộng đồng chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa khai thác và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch để thu hút người dân tham gia các hoạt động du lịch. Việc nâng cấp hạ tầng du lịch tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh chưa được quan tâm, ảnh hưởng đến việc liên kết tổ chức các tuyến du lịch trong khu vực.
Ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Ban quản lý Chương trình nâng cao năng lực du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam (ESRT) của Liên minh Châu Âu cho biết: Chương trình sẽ hỗ trợ tổ chức các hoạt động du lịch có trách nhiệm trên địa bàn 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng từ nay cho đến 2015. Các hoạt động cụ thể sẽ do các chuyên gia trong và ngoài nước đề xuất sau khi đi khảo sát và làm việc với các tỉnh. Để giúp nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết trong lĩnh vực du lịch khu vực, Chương trình cũng sẽ nghiên cứu thành lập Hội đồng Tư vấn Du lịch cho khu vực với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương. Song song với các hoạt động mang tính dài hạn, Chương trình ESRT cũng cam kết hỗ trợ các tỉnh một số hoạt động cụ thể trong năm 2012: Hỗ trợ kinh phí duy trì Website quảng bá du lịch của 8 tỉnh TBMR trong thời gian từ 4 - 5 năm; xây dựng một số mô hình thí điểm về du lịch có trách nhiệm trên địa bàn 8 tỉnh; tổ chức một số khóa đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế cho 8 khu vực...