(Cinet)- Thừa hưởng ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên với những cung đường uốn lượn cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, các tỉnh vùng núi Phía Bắc đã và đang phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch cộng đồng, coi đây là “đặc sản” mang tính bền vững của du lịch toàn vùng.
Điện Biên – sức hút từ bề dày lịch sử
Là địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, do đó những năm qua, T.P Điện Biên Phủ đã tăng cường nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa nhằm tạo sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, trong đó lấy loại hình du lịch cộng đồng làm điểm nhấn.
Với các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể, nhiều sản phẩm du lịch Điện Biên Phủ đã và đang có sức hấp dẫn như: du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa dân tộc.
Không chỉ là điểm nhấn về du lịch lịch sử, T.P Điện Biên Phủ còn có thế mạnh về du lịch văn hóa. Với 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng. Các làn điệu dân ca Thái, lễ hội, các món ăn dân tộc tạo sự hấp dẫn, thu hút khách tham quan. Một số bản văn hóa du lịch đã được quan tâm đầu tư nhằm khôi phục và phát triển văn hóa cộng đồng của dân tộc Thái và là điểm đến của du khách, như bản Him Lam 2, Phiêng Lơi, Noong Bua, Noong Chứn, bản Mớ…
 |
 |
Điện Biên – sức hút từ bề dày lịch sử |
Năm 2004, tỉnh đã bắt đầu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại 8 bản văn hoá thuộc huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nổi bật là các bản Phiêng Lơi, Him Lam (Tp. Điện Biên Phủ) và bản Mển (huyện Điện Biên).
Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 6km về phía bắc, bản Mển có hơn 110 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu đều là người dân tộc Thái đen, trong đó có 6 hộ làm du lịch cộng đồng. Nhìn từ xa, bản Mển đẹp như một bức tranh với lưng tựa núi, mặt hướng ra cánh đồng rộng mênh mông. Nổi bật trên nền xanh của cây cối và bầu trời là những nếp nhà sàn nhỏ xinh còn giữ nguyên nét truyền thống. Với những đặc trưng riêng về cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc, mỗi địa phương đã lựa chọn những hướng đi khác nhau nhằm phát triển hoạt động du lịch cộng đồng, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa. Để loại hình du lịch này ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách hơn nữa, các tỉnh cần có sự liên kết chặt chẽ, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn riêng của mỗi địa phương.
Hà Giang – du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới
Là nơi quy tụ của 22 cộng đồng dân tộc, mỗi dân tộc lưu giữ những giá trị, sắc thái văn hóa riêng, tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo mà không phải vùng đất nào cũng có được, Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, coi đây là bước đột phá trong phát triển du lịch của địa phương.
 |
 |
Hà Giang – du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới
|
Ngành Du lịch Hà Giang đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tích cực triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch. Điển hình là làng văn hóa du lịch Hạ Thành có 117 hộ dân với 558 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, trong đó có 5 hộ tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Bản đã thành lập đội ngũ hướng dẫn viên gồm 3 người (1 nam, 2 nữ) có trình độ học vấn trên 12 để dẫn khách tham quan bản. Đến Hạ Thành, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những đồi cọ xanh biếc, những tảng đá cổ nằm rải rác khắp các thửa ruộng bậc thang hay dòng thác Nậm Tha ngày đêm ào ào nước chảy.
Đến đây, du khách còn có dịp tham gia chương trình du lịch “30 phút làm công dân thôn Hạ Thành” với nhiều hoạt động thú vị như: nghỉ đêm tại nhà dân, câu cá, làm nương, thưởng thức các món ăn dân dã hay tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như: múa sen, hát cọi, hát then, hát giao duyên… Bà con thôn bản đã bắt đầu có ý thức về du lịch cộng đồng và mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất và đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực phục vụ du lịch để phát triển hơn nữa loại hình du lịch này trong thời gian tới.
Lào Cai – phát triển du lịch sinh thái và văn hóa
Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, gắn liền khai thác với tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên cùng giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống nhân dân là một trong những thế mạnh của du lịch Lào Cai.
Lào Cai có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch ở cả 3 loại hình: du lịch văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái, mạo hiểm và du lịch cộng đồng tập trung ở các địa bàn có lợi thế về du lịch như thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bắc Hà. Do đó, đến nay Lào Cai đã công nhận 8 tuyến du lịch có tính chất du lịch khung, tập trung vào các tuyến du lịch bản làng nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch cộng đồng tại Sa Pa, Bắc Hà và từng bước đa dạng hóa sản phẩm khi tổ chức khai thác thí điểm tại Mường Khương và Si Ma Cai.
 |
Lào Cai – phát triển du lịch sinh thái và văn hóa |
Mô hình du lịch cộng đồng đã phát triển rất mạnh ở nhiều nước trong khu vực và thế giới. Theo đánh giá tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) thì trên 70% du khách quốc tế đến Sa Pa có nhu cầu tới thăm các bản làng của đồng bào dân tộc ở địa phương.
Một điều dễ nhận thấy: du khách đến với Lào Cai vì vẻ đẹp thiên nhiên và văn hoá tiềm ẩn. Tuy nhiên ảnh hưởng của phát triển kinh tế thị trường đến hoạt động du lịch cộng đồng của Lào Cai là không tránh khỏi nếu không giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoặc vẻ đẹp thì khó mà thu hút khách du lịch.
Liên kết phát triển
Dựa trên những tiềm năng, lợi thế của ba tỉnh phục vụ phát triển du lịch sinh thái, kết hợp với du lịch văn hóa cộng đồng địa phương các dân tộc, hiện nay ba tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang đã và đang xây dựng kế hoạch liên kết phát triển. Trên thực tế đã có một số điểm, mô hình phát triển khá tốt đối với loại hình này. Từ những kết quả của việc khảo sát, đánh giá thực trạng, dự thảo báo cáo nêu một số định hướng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn và chương trình hành động phát triển du lịch cộng đồng tại 3 tỉnh giai đoạn 2013 – 2015. Đồng thời, đề xuất một số dự án xây dựng, xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng, trong đó nhấn mạnh hướng phát triển du lịch cộng đồng thành một dòng sản phẩm riêng biệt và nổi bật trong hệ thống sản phẩm du lịch 3 tỉnh, kết hợp du lịch cộng đồng với các sản phẩm du lịch khác để tạo ra những sản phẩm đa dạng mới, nhân rộng những mô hình thành công, xây dựng những đặc trưng sản phẩm chung của vùng và những đặc trưng riêng của sản phẩm từng tỉnh, từng điểm du lịch.
Tuy nhiên do còn một số hạn chế về hạ tầng, đường xá, khoảng cách địa lý xa; tài nguyên phân tán rộng khắp, năng lực quản lý tổ chức, nhận thức của cộng đồng thấp, vì vậy thời gian tới, ba địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa để du lịch cộng đồng phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.
Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1997, trải qua hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Du lịch cộng đồng gắn với nhiều hoạt động như tham quan các làng nghề cổ, khám phá núi rừng thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa các dân tộc..., trong đó, tiêu biểu nhất là loại hình homestay - hình thức khách du lịch đến ở nhà người dân địa phương để cùng ăn, nghỉ, tham gia các công việc hàng ngày cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hiện mô hình này đã được áp dụng phổ biến và khá thành công ở 3 tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Điện Biên, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
|