Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản chấp hành các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, cụ thể: Địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản nước lạnh phải tuân thủ quy định về sử dụng đất theo quy định của pháp luật (đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng). Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học bao gồm các nội dung: Nước phục vụ sản xuất, ương dưỡng; giống thủy sản trong quá trình sản xuất; vệ sinh, thu gom và xử lý nước thải, chất thải; tiêu hủy xác động vật thủy sản chết hoặc nhiễm các bệnh phải tiêu hủy; kiểm soát giống thủy sản thoát ra môi trường bên ngoài, động vật gây hại xâm nhập vào cơ sở; thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh phải có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải riêng biệt; nơi chứa bùn thải phù hợp; có biển báo chỉ dẫn từng khu. Tuân thủ quy định về phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong quá trình nuôi trồng thủy sản; tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Cập nhật thông tin, báo cáo tình hình nuôi trồng thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. Không khuyến khích mở rộng các cơ sở nuôi trồng thủy sản nước lạnh nhỏ lẻ (dưới 1.000 m2); đồng thời lấy kiến của cơ quan quản lý về thủy sản cấp tỉnh, các cơ quan liên quan về số lượng, chất lượng nước tại các suối trước khi xây dựng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi và tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước đặc biệt trong mùa khô.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư sản xuất thủy sản theo hướng xanh, sạch, an toàn sinh học thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản.
Tuyên truyền, hướng dẫn đến các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi thương phẩm cá Tầm thực hiện nghiêm theo quy định tài Điều 40, Luật Thủy sản 2017 về nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý loài thủy sản thuộc Phụ lục CITES.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chất thải từ các hoạt động thủy sản tại địa phương; xây dựng các mô hình kiểm soát chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản; mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản tại địa phương; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản tại địa bàn.
Căn cứ điều kiện thực tế, lồng ghép các nội dung về phòng, chống ô nhiễm nguồn nước trong hoạt động thủy sản vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản với các kế hoạch, dự án và các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan.
Hằng năm chủ trì, phối hợp với sở Tài Nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan để thông báo, cảnh báo, khuyến cáo cho các địa phương và người nuôi về chất lượng nước, biện pháp xử lý nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững, hiệu quả.
Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong sản xuất thủy sản; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở nuôi trồng thủy sản thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường; phân tích, xét nghiệm các nguồn nước theo chức năng, nhiệm vụ để khuyến cáo, thông báo cho các địa phương làm căn cứ nuôi, trồng thủy sản.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai có hiệu quả các biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát và phòng trừ các loài thủy sản ngoại lai xâm hại; loài có nguy cơ xâm hại tại các thủy vực tự nhiên.
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường chính sách hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động thủy sản nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất và thân thiện với môi trường.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan triển khai các giải pháp, đề tài về đánh giá sự phù hợp, áp dụng truy xuất nguồn gốc.
Tăng cường hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải pháp công nghệ trong nuôi trồng thuy sản thân thiện với môi trường.
5. Sở Thông tin và truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Lào Cai căn cứ chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng việc bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản hướng đến nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững./.