Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện một số nội dung sau:
Sở Y tế: Đẩy mạnh hoạt động giám sát tại các cơ sở điều trị đối với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh có triệu chứng bệnh nhất là người có tiền sử giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (bao gồm dịch trên người và động vật), trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để kịp thời phát hiện ca bệnh cúm A(H5N1).
Kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình lấy mẫu, vận chuyển bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán. Đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm, sẵn sàng đáp ứng khi dịch diễn biến phức tạp.
Chỉ đạo các cơ sở điều trị sẵn sàng các phương tiện cần thiết để thu dung, cách ly và cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị sẵn sàng về thuốc, vật tư, hóa chất, xét nghiệm hỗ trợ triển khai xử lý ổ dịch. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là trường hợp vận chuyển hàng hóa là gia cầm qua cửa khẩu.
Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh; khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh, gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh theo các cấp độ, sẵn sàng đáp ứng khi dịch xảy ra.
Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác kiểm soát dịch bệnh lây nhiễm từ động vật sang người theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường quản lý kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn, kiểm tra các chợ, tụ điểm buôn bán, tập kết, giết mổ gia cầm trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Tiếp tục lấy mẫu giám sát chủ động tại một số chợ buôn bán gia cầm gần biên giới, chợ buôn bán, giết mổ nhiều gia cầm, các vùng chăn nuôi gia cầm có nguy cơ xảy ra bệnh cúm. Phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường lấy mẫu gửi xét nghiệm.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để triển khai các hoạt động phòng, chống các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực (vắc xin nguồn dự trữ, vật tư, dụng cụ, hóa chất) để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo việc thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Chủ động phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan tổ chức hoạt động tuyên truyền tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo lực lượng kiểm soát biên giới tăng cường theo dõi, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, gia cầm vận chuyển trong nội địa không rõ nguồn gốc theo quy định.
Cục Quản lý thị trường: Tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ phát hiện việc buôn bán trái phép động vật và gia cầm qua biên giới và trong nước. Chủ trì phối hợp với lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tăng cường đôn đốc kiểm tra; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm ở người xâm nhập vào địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm cho người dân đặc biệt người chăn nuôi, giết mổ gia cầm. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và phòng ban chuyên môn của huyện tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, xử lí kịp thời các ổ dịch cúm gia cầm không để ổ dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp trong công tác giám sát bệnh cúm gia cầm, công tác lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ (bao gồm động vật, con người), báo cáo kịp thời để có các biện pháp sớm hiệu quả. Xử lí nghiêm các trường trường buôn bán động vật trái phép, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép theo đúng quy định./.