Tập trung thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đầu tư vào các ngành hàng chủ lực
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung thu hút doanh nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đầu tư vào các ngành hàng chủ lực của tỉnh như: chè, quế, dược liệu và các sản phẩm từ đồi rừng; xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh khối, góp phần tiêu thụ các nguyên, phụ liệu gỗ từ rừng trồng, tăng giá trị thu nhập cho người làm nghề rừng; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh từ cung ứng đến sản xuất, bảo quản, bao tiêu sản phẩm, hàng hóa; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chú trọng các dự án lớn đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như VietGap, sản xuất hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất giống cây lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ trong chế biến lâm sản, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến nông sản gắn với các vùng quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phát triển thị trường trong nước thông qua hỗ trợ tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm tại các thành phố lớn như: Hội chợ Agroviet, Hội chợ Làng nghề, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP... kết nối đưa nông sản vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện ích, khu công nghiệp...). Hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm sản; duy trì vững chắc thị trường truyền thống (Trung Quốc, Trung Đông...); đẩy mạnh xúc tiến thị trường mới, tiềm năng như như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Phổ biến các quy định về kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, những rào cản kỹ thuật, thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường ngoài nước; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng… phục vụ xuất khẩu. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; quan tâm hỗ trợ hình thành một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho nông sản của tỉnh, kết nối đưa nông sản địa phương vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ. Xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời tiết, đất đai phục vụ các doanh nghiệp, nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
Xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Lào Cai. Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Sở Tài chính tham mưu bố trí vốn sự nghiệp để triển khai các chính sách, chương trình, đề án, dự án về thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.
Sở Công Thương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; triển khai thực hiện phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trọng điểm; đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ logistics nhằm giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, thực phẩm của tỉnh; lựa chọn đưa vào ứng dụng và nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đối với nhóm ngành hàng chủ lực, tiềm năng trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Quế, chè, dược liệu..., các dự án trọng điểm thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương; các dự án lớn có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên và môi trường tỉnh để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tham mưu quản lý về môi trường tại các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh theo hướng quy mô lớn, tập trung và hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển ngành chế biến nông sản hiệu quả, an toàn gắn với bảo vệ môi trường.
Sở Giao thông vận tải và xây dựng thực hiện công khai, minh bạch quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư và người dân biết, vừa là để quảng bá, giới thiệu quy hoạch thu hút đầu tư vào tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục cấp phép xây dựng để giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các khu, vùng ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì, hỗ trợ cung cấp thông tin đối với các doanh nghiệp khi có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: dược liệu, chè, quế, chuối, dứa...
Ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của địa phương
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, đề án trọng điểm thực hiện chiến lược phù hợp với điều kiện, đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của địa phương. Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thế mạnh về nguồn nguyên liệu của địa phương; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo vùng nguyên liệu đối với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như: Quế, chè, dược liệu, chuối, dứa…
Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định; tập trung các lĩnh vực: đền bù, giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường...
Cấp ủy, chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa là trọng tâm trong xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó tập trung lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; thường xuyên kiểm tra, giám sát và có báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu có cho doanh nghiệp.
Bố trí cơ cấu sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng cao gắn với các cơ sở chế biến và thị trường tiêu thụ. Vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nguyên liệu trên cơ sở tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng./.