image banner

Lào Cai 30° - 33°
Lào Cai xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ Nhân dân miền núi, biên giới

Lào Cai, một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ cùng sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, với đặc thù về địa lý, cuộc sống của người dân tại vùng miền núi, biên giới còn gặp khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên tri thức và văn hóa. Để cải thiện tình trạng này, tỉnh Lào Cai đã triển khai một mô hình thư viện cơ sở nhằm phục vụ nhu cầu học hỏi, nghiên cứu và phát triển văn hóa cho người dân nơi đây.

 

anh tin bai

“Mô hình thư viện cơ sở” được Lào Cai triển khai thực hiện dựa trên nhu cầu, thị hiếu của người dân
và đặt trong sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ

Với mục tiêu xây dựng một hệ thống thư viện gần gũi, thuận tiện cho người dân miền núi, biên giới, tỉnh Lào Cai đã chú trọng đến việc xây dựng mô hình thư viện cơ sở. Thư viện cơ sở không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ sách, tài liệu mà còn là trung tâm văn hóa, nơi người dân có thể tìm thấy những nguồn tài liệu bổ ích phục vụ cho công tác học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các vấn đề xã hội, khoa học, công nghệ và văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, đối với các địa phương miền núi, biên giới, nơi mà điều kiện giao thông đi lại khó khăn, việc xây dựng mô hình thư viện cơ sở tại các xã, thôn, tổ dân phố sẽ giúp giảm thiểu khoảng cách về thông tin và kiến thức. Mô hình này sẽ tạo cơ hội để người dân, đặc biệt là các em học sinh, có thể tiếp cận với nguồn tri thức hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời tăng cường tiếp cận thông tin pháp luật và hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai đặt mục tiêu: Đến năm 2026, phấn đấu 15% số xã trong trong tỉnh xây dựng “mô hình thư viện cơ sở” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; 15% số thư viện cơ sở phối hợp hiệu quả với Thư viện tỉnh để cung cấp thông tin, sản phẩm và dịch vụ thư viện bằng hình thức luân chuyển, phục vụ lưu động, qua không gian mạng và tổ chức các hoạt động khuyến đọc trên địa bàn; 40% người làm công tác thư viện tại thư viện cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, có năng lực cung cấp dịch vụ thư viện và tổ chức các hoạt động khuyến đọc; số lượt người sử dụng thư viện cơ sở phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức tăng bình quân 10% mỗi năm.

Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2025-2026, Lào Cai sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp giữa thư viện, phòng đọc, tủ sách của các Đồn Biên phòng với thư viện cơ sở để góp phần tăng cường nguồn tài nguyên thông tin và hỗ trợ tổ chức các hoạt động khuyến đọc tại các “mô hình thư viện cơ sở”; đổi mới mô hình, phương thức hoạt động gắn với chuyển đổi số tại các thư viện, tủ sách, phòng đọc của công an địa phương; xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết, chia sẻ nhằm tăng cường nguồn tài nguyên thông tin, hỗ trợ tổ chức các hoạt động khuyến đọc tại các “mô hình thư viện cơ sở”. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền gắn với các sự kiện hằng năm, như: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới, Ngày Khuyến học Việt Nam và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương; chủ động lồng ghép với các chương trình, đề án khác liên quan nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và toàn xã hội về lợi ích, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình thư viện cơ sở gắn với phát triển văn hoá đọc bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Việc xây dựng “mô hình thư viện cơ sở” được Lào Cai triển khai thực hiện dựa trên nhu cầu, thị hiếu của người dân và đặt trong sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Để “mô hình thư viện cơ sở” hoạt động hiệu quả, thiết thực, Lào Cai cũng sẽ xây dựng các tiêu chí hướng dẫn tổ chức và quản lý hoạt động của “mô hình thư viện cơ sở”; hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thư viện trên nền tảng công nghệ số; ưu tiên việc liên kết, chia sẻ trong phát triển tài nguyên thông tin, dịch vụ thông tin và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, đặc biệt là các tài liệu về ngôn ngữ dân tộc giữa các thư viện cơ sở trong tỉnh, phục vụ người dân tiếp cận thông tin, hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Củng cố, kiện toàn, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí địa điểm phù hợp, bảo đảm việc bảo quản, phát triển tài nguyên thông tin và thuận tiện trong phục vụ người sử dụng. Từng bước hoàn thiện, phát triển “mô hình thư viện cơ sở” tiện ích theo hướng hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc của người dân trong giai đoạn mới.

Việc xây dựng và phát triển mô hình thư viện cơ sở tại tỉnh Lào Cai là một bước đi quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và tri thức cho người dân miền núi, biên giới. Đây không chỉ là một công trình vật chất mà còn là một công trình tinh thần, mang đến sự phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư nơi đây. Hệ thống thư viện này sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc để người dân Lào Cai, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, có thể tiếp cận với tri thức và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội.

 

Thu Hương

1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập