image banner

Lào Cai 30° - 32°
Lào Cai có 04 đợt giải quyết chế độ nghỉ việc từ nay đến khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh
Tỉnh Lào Cai thực hiện giải quyết chế độ chính sách nghỉ việc thực hiện định kỳ hàng tháng. Theo đó, từ nay đến khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có 04 đợt giải quyết chế độ nghỉ việc.

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 1981/HD-UBND ngày 11/4/2025 về việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; giải quyết chính sách, chế độ.

Theo đó, Đợt 1: Giải quyết chế độ đối với các đối tượng nghỉ việc vào thời điểm 1/6/2025

Đợt 2: Giải quyết chế độ đối với các đối tượng nghỉ việc vào thời điểm 1/7/2025 (bắt đầu giải quyết chế độ cho đối tượng bị ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp)

Đợt 3: Giải quyết chế độ đối với các đối tượng nghỉ việc vào thời điểm 1/8/2025.

Đợt 4: Giải quyết chế độ đối với các đối tượng nghỉ việc vào thời điểm 1/9/2025 (bắt đầu gải quyết chế độ cho đối tượng bị ảnh hưởng do sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh)

Về thời gian các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện như sau:

Trước ngày 01 hàng tháng, các cơ quan, đơn vị có văn bản đề nghị kèm theo danh sách, kinh phí thực hiện và hồ sơ đối với các trường hợp nghỉ việc tại thời điểm tháng sau liền kề gửi về Sở Nội vụ (đối với cơ quan, đơn vị thuộc khối Nhà nước); gửi Ban Tổ chức Tỉnh uỷ (đối với cơ quan, đơn vị thuộc Khối Đảng, Đoàn thể);

Trước ngày 15 hàng tháng, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ gửi Sở Tài chính thẩm tra kinh phí giải quyết chế độ chính sách;

Trước ngày 22 hàng tháng, Sở Tài chính có văn bản về việc thẩm tra kinh phí thực hiện chế độ, chính sách gửi đơn vị: Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ;

Trước ngày 25 hàng tháng, Sở Nội vụ trình cấp UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với CBCCVC và người lao động theo quy định.

Lưu ý: Những hồ sơ gửi về Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ sau thời hạn quy định chuyển tiếp sang tháng sau liền kề.

Nội dung, phương pháp, trình tự đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; giải quyết chính sách, chế độ được thực hiện như sau:

Nội dung đánh giá (thể hiện theo thang điểm 100)

Phần I: Kết quả đánh giá chất lượng 03 năm gần nhất (tối đa 75 điểm):

Nội dung đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ 03 năm gần nhất của cá nhân theo các tiêu chí sau: (1) Tiêu chí đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; (2) Tiêu chí đánh giá về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất; (3) Tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đạt được; (4) Các tiêu chí khác theo quy định của Đảng, pháp luật hiện hành của từng năm đánh giá, đảm bảo toàn diện, đa chiều đối với từng cá nhân đã được cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận.

(Nội dung đánh giá Phần I cơ bản sử dụng từ kết quả đánh giá 03 năm gần nhất của cấp có thẩm quyền theo hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Kết quả đánh giá hằng năm nếu đã đầy đủ nội dung nêu trên thì không cần thiết phải đánh giá lại).

* Kết quả đánh giá tại phần I này được phân chia thành 02 nhóm:

Nhóm 1: Từ 70 điểm trở lên (nhóm được ở lại làm việc);

Nhóm 2: Dưới 70 điểm (nhóm xem xét ở lại làm việc hoặc có thể phải nghỉ việc).

Phần II: Một số tiêu chí khác (tối đa 25 điểm)

Ngoài kết quả đánh giá chất lượng của cá nhân tại Phần I, cần đánh giá thêm một số tiêu chí liên quan đến kế hoạch sử dụng, bố trí nhân sự tại cơ quan, đơn vị và xác định người phải nghỉ việc, cụ thể các tiêu chí sau: (1) Trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo; (2) Sức khỏe của cá nhân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; (3)  Thời gian công tác còn lại của cá nhân tính đến ngày đủ tuổi nghỉ hưu đúng tuổi theo quy định của pháp luật.

(Chi tiết nội dung tiêu chí đánh giá theo Mẫu số 01)

Phương pháp, trình tự đánh giá

Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương

Bước 1: Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự đánh giá theo Phiếu đánh giá (Mẫu số 01) và viết đơn xin nghỉ việc (nếu có) gửi về bộ phận tổ chức cán bộ của cơ quan, đơn vị;

 Bước 2: Bộ phận tham mưu tổ chức, cán bộ của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp kết quả đánh giá và đơn xin nghỉ việc (nếu có) của từng cá nhân, báo cáo tập thể lãnh đạo, cấp ủy cùng cấp xem xét.

Bước 3: Căn cứ ý kiến thống nhất về chủ trương của tập thể lãnh đạo, cấp ủy cùng cấp, Người đứng đầu cơ quan, đơn vị triệu tập Hội nghị cán bộ chủ chốt (như thực hiện quy trình cán bộ) để lấy ý kiến việc xác định người được ở lại làm việc và người phải nghỉ việc trong cơ quan, đơn vị.

Bước 4: Căn cứ kết quả lấy ý kiến tại Hội nghị cán bộ chủ chốt, Tập thể lãnh đạo, cấp ủy cơ quan, đơn vị tiến hành xem xét, cho ý kiến thống nhất:

+ Xác định đối tượng được ở lại làm việc, đối tượng phải nghỉ việc hưởng chế độ, chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, Nghị định số 67/2025/NĐ-CP;

+ Sắp xếp, bố trí, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để nâng cao chất lượng;

+ Đề nghị cấp có thẩm quyền xét duyệt việc thực hiện chính sách đối với người có tài năng theo Nghị định 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 theo quy định của pháp luật (nếu đủ điều kiện).

Bước 5: Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định; thông báo công khai kết quả đánh giá trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

(Lưu ý: Các bước 3,4,5 phải được ghi thành biên bản)

Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh

Bước 1: Cán bộ, công chức, viên chức tự đánh giá, gửi phiếu đánh giá và đơn xin nghỉ việc (nếu có) về Sở Nội vụ (đối với các cơ quan khối nhà nước), gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy (đối với các cơ quan khối Đảng, đoàn thể) để tổng hợp.

Bước 2: Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Sở Nội vụ theo phân cấp tổ chức cán bộ thực hiện tổng hợp, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đánh giá, xem xét;

Bước 3. Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Xử lý kết quả đánh giá

a) Đối tượng được cấp có thẩm quyền đánh giá ở Phần I đạt từ 70 điểm trở lên (nhóm được ở lại làm việc):

Đối tượng này cần quan tâm, động viên tiếp tục làm việc, đồng thời đánh giá thêm về tiêu chí của người có năng lực nổi trội theo khoản 4 Điều 6 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện chính sách đối với người có tài năng theo Nghị định 179/2024/NĐ-CP (nếu đủ điều kiện). Trường hợp, có nguyện vọng vì lý do sức khỏe (có đơn) hoặc để tạo điều kiện cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy thì cấp có thẩm quyền có thể xem xét cho nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng, đảm bảo không ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

b) Đối tượng được cấp có thẩm quyền đánh giá ở Phần I đạt dưới 70 điểm (nhóm xem xét ở lại làm việc hoặc có thể phải nghỉ việc):

(i) Đối tượng có đơn tự nguyện nghỉ việc thì cơ quan, đơn vị xem xét, xác định người nghỉ việc trong trường hợp sau:

- Đối với lãnh đạo, quản lý:

+ Đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị không chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính (còn đủ 05 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu theo quy định) nhưng có nguyện vọng nghỉ việc để tạo điều kiện thuận lợi trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính (thực hiện theo phương án cán bộ cụ thể của cấp có thẩm quyền).

+ Đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, sau khi sắp xếp có số lượng lãnh đạo, quản lý vượt quá số lượng theo quy định (còn đủ 10 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu theo quy định).

Trường hợp đối tượng có đơn tự nguyện nghỉ việc nhiều hơn số lượng lãnh đạo phải cắt giảm thì phải được tiến hành tổ chức đánh giá để xác định người được ở lại làm việc hoặc người nghỉ việc (việc xác định người ở lại làm việc và người nghỉ việc thực hiện theo tiết (ii) điểm b khoản này), trừ trường hợp thực hiện theo phương án cán bộ cụ thể của cấp có thẩm quyền.

- Đối với người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

+ Đối tượng dôi dư thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giải thể, chấm dứt hoạt động (hoặc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị khác nhưng không chuyển giao tổ chức, bộ máy, nhân sự) nhưng cơ quan, đơn vị không bố trí được việc làm phù hợp;

+ Đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính (còn đủ 10 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu theo quy định), sau khi sắp xếp có số lượng biên chế, số lượng người làm việc vượt số lượng theo quy định;

+ Đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị không chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính (còn đủ 05 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu theo quy định) phải thực hiện cắt giảm biên chế.

Trường hợp đối tượng có đơn tự nguyện nghỉ việc nhiều hơn số lượng biên chế phải cắt giảm thì phải được tiến hành tổ chức đánh giá để xác định người được ở lại làm việc hoặc người nghỉ việc (việc xác định người ở lại làm việc và dự kiến người có thể phải nghỉ việc thực hiện theo tiết (ii) điểm b khoản này).

(ii) Đối tượng không có đơn tự nguyện xin nghỉ việc thì cơ quan, đơn vị xác định người ở lại làm việc và dự kiến người có thể phải nghỉ việc theo lộ trình trên cơ sở đánh giá tổng thể như sau:

Căn cứ kết quả tổng số điểm đạt được của cá nhân theo Phiếu Mẫu số 01 (tổng số điểm Phần I và Phần II) lấy theo điểm số từ cao xuống thấp cho đến khi đạt đủ số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần ở lại làm việc của từng cơ quan, đơn vị (căn cứ chỉ tiêu biên chế phải cắt giảm).

c) Một số trường hợp khác

- Trường hợp có từ 02 người trở lên có số điểm bằng nhau ở vị trí được xem xét ở lại làm việc mà không có đơn tự nguyện xin nghỉ việc thì ưu tiên theo thứ tự sau: (1) Người có đơn xin ở lại làm việc; Người có chuyên môn được đào tạo đúng với vị trí viêc làm; (2) Con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, (2) Người có tuổi đời trẻ hơn (tính theo ngày tháng năm sinh); (3) Giới tính nữ; (4) Người dân tộc thiểu số; (5) dân tộc rất ít người.

- Trường hợp đặc biệt cần thiết nếu khác với quy định tại điểm a, b khoản này thì cơ quan, đơn vị tổng hợp, báo cáo về Ban Tổ chức Tỉnh ủy (trình Thường trực Tỉnh ủy) hoặc Sở Nội vụ (trình Tập thể lãnh đạo UBND tỉnh) xem xét, cho ý kiến đối với từng trường hợp cụ thể.

Đối tượng đánh giá

Thực hiện theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/03/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Không áp dụng đánh giá đối với trường hợp sau: Đối tượng cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi; Người tuyển dụng chưa đủ 03 năm công tác (không tính thời gian tập sự); Người đã có thông báo nghỉ hưu đúng tuổi.

Xem chi tiết văn bản:Tải về

 

 

Các Mẫu đơn:

Mẫu 1: Tải về

 

Mẫu 2: Tải về

 

Mẫu 3: Tải về

 

Mẫu 4: Tải về

 

https://laocai.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/lao-cai-co-04-dot-giai-quyet-che-do-nghi-viec-tu-nay-den-khi-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-1338287

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai/laocai.gov.vn

1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập