Lào Cai 26° - 29°
Giới thiệu sách: “Đất lửa” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12/01/1932, ông mất ngày 13/02/2014. Ông là người con của xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Giọng văn của Nguyễn Quang Sáng giản dị, mộc mạc nhưng phản ánh chân thực giá trị cuộc sống. Trong cuộc đời sự nghiệp của mình, ông viết trên 20 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, ký và tản văn. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: Đất lửa (1963); Chiếc lược ngà (1966); Mùa gió chướng (1975)…Những tác phẩm của ông khiến người đọc phải day dứt về nỗi đau chiến tranh, sự căm phẫn về tội ác mà chiến tranh đem lại. Ông đạt nhiều giải thưởng văn học mà đỉnh cao là giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.

Thư viện tỉnh Lào Cai trân trọng gửi đến độc giả cuốn tiểu thuyết Đất lửa của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một người rất nổi tiếng trong lĩnh vực văn học Việt Nam. Sách do Hội Nhà văn phát hành năm 2005. Với tiểu thuyết Đất lửa, tác giả từng chia sẻ: “Đất lửa tôi viết lần đầu được 300 trang. Nó không phải là tiểu thuyết anh hùng ca, mà là bi kịch trong nội bộ nhân dân. Tôi không biết vì sao văn vẻ tôi hồi ấy, tuổi tác như tôi hồi ấy (mới hai mươi tuổi) mà viết được cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang”.

Đất lửa là câu chuyện bức bối, căng thẳng chứa đựng nhiều bi kịch xảy ra tại làng Mỹ Long Hưng thuộc quận Chợ Mới tỉnh An Giang trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Tư Trịnh, một người đã từng tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ, sau bị thất bại phải trốn tránh giặc Pháp. Trong thời gian trốn tránh, với sự hoang mang ông đã tham gia đạo Hòa Hảo và trở thành người trong Ban trị sự đạo tại địa phương.

Cách mạng tháng Tám thành công, Sáu Sỏi- người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại địa phương từ Côn Đảo trở về, làm chủ tịch Việt Minh huyện, trực tiếp lãnh đạo chính quyền tại Mỹ Long Hưng. Tư Trịnh dưới sự giật giây của bọn tề ấp và bọn Việt gian lẫn bọn cai trị Pháp đã ra tay sát hại Sáu Sỏi, tạo nên mối hiềm khích lớn giữa tín đồ Hòa Hảo và Việt Minh.

Cốt truyện Đất lửa xoanh quanh sự xung đột giữa đời và đạo, lực lượng Hòa Hảo có vai trò quan trọng, mà theo như Tư Trịnh thì: “Cách mạng tháng Tám thành công là nhờ có lá cờ của đạo Phật giáo Hòa Hảo”. Nhưng ở một số địa phương, sau khi giành được độc lập, lại xảy ra việc tranh chấp chính quyền giữa Việt Minh và Hòa Hảo, mà nói như Quản Dõng: “Nó độc tài, nó giành hết chính quyền để đàn áp bà con bổn đạo của chúng ta”.

Đất lửa đã nói lên được cái khó khăn của cách mạng trong thời kỳ này. Câu chuyện được kết thúc với màn mưa mù mịt, dầm dề như nói lên sự u ám, mịt mùng mà người dân Nam Bộ phải gánh chịu trong thời kỳ chống Pháp: “Mưa mỗi lúc nặng hạt. Mưa dập tắt những ngôi nhà còn đang cháy. Mưa thấm lạnh những nền nhà nóng bỏng. Mưa tắm mát cho những khu vườn và cỏ cây. Mưa lạnh những con người không nhà”. Tuy nhiên, người dân vẫn tin tưởng, lạc quan về một ngày tươi sáng, niềm tin mới cho cách mạng, như lời ông Năm Bầu:“… Tôi sẽ đi rước những người cộng sản trở về”.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Lào Cai, mời độc giả tìm đọc!






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập