Lào Cai 25° - 27°
Lịch sử phát triển Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai
Chỉ sau ít ngày khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, trong tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hiện nay. Và từ đó ngày 28/8 trở thành ngày khai sinh của ngành Văn hoá Việt Nam, ngày truyền thống của những người làm công tác văn hoá thông tin cách mạng.

1. Giới thiệu chung: Chỉ sau ít ngày khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, trong tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hiện nay. Và từ đó ngày 28/8 trở thành ngày khai sinh của ngành Văn hoá Việt Nam, ngày truyền thống của những người làm công tác văn hoá thông tin cách mạng.

2. Các giai đoạn phát triển:

* Giai đoạn từ 1946-1990

Tại Lào Cai, ngày 12/11/1946, lực lượng vũ trang cách mạng đã đánh đuổi bọn phản động Quốc dân đảng, giải phóng Lào Cai. Chính quyền cách mạng được thành lập, Ty thông tin - nơi tập hợp đội ngũ văn nghệ sỹ đầu tiên ra đời, Ty thông tin thành lập đội tuyên truyền văn nghệ phục vụ các mặt trận miền tây. Đặc biệt trong thời kỳ này, hàng loạt các văn nghệ sỹ được tăng cường lên Lào Cai để tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, sáng tác văn nghệ. Nhạc sĩ Văn Cao mở quán Thiên Thai ở cầu Cốc Lếu với CLB âm nhạc thu hút nhiều thành viên. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách đội thiếu niên văn nghệ biểu diễn ở Sa Pa, Lào Cai, Phố Lu…Ngày 28/10/1947, giặc Pháp tái chiếm Lào Cai, các cán bộ văn nghệ bổ sung vào lực lượng trung đoàn 171 làm công tác tuyên truyền, viết tin chiến thắng, địch vận. Ty thông tin xây dựng đội tuyên truyền văn nghệ phục vụ vùng địch hậu, đội tuyên truyền gồm nhiều học sinh, thanh thiếu niên tên tuổi có năng khiếu văn nghệ. Đội tuyên truyền văn nghệ tích cực phục vụ vùng căn cứ địa Cam Đường, phục vụ các chiến dịch sông Lao Hà, sông Thao, Lê Hồng Phong...nhiều đội viên sau này trở thành các tác giả, các hội viên nòng cốt của Hội văn nghệ Lào Cai như Nông Trung, Xuân Nguyên, Quản Trung Cầm, Ngô Nguyên Dị ... Ngày 1/11/1950 Lào Cai được giải phóng, đội ngũ văn nghệ sỹ Lào Cai dần dần hình thành và phát triển, các tác giả còn tích cực phục vụ mặt trận tiễu phỉ. Năm 1952-1954, Ty thông tin thành lập 3 đội văn nghệ tuyên truyền văn nghệ phục vụ các mặt trận. Đặc biệt ở vùng giải phóng Ty thông tin còn thành lập một đội nhạc nòng cốt cho các hoạt động văn nghệ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, dấu chân của các cán bộ ngành văn hoá thông tin đã in trên khắp mọi nẻo đường của đất nước. Từ tuyến lửa Quảng Bình vượt qua những bãi bom nổ chậm, bãi mìn từ trường đến với các chiến sỹ Trường Sơn, giữa bom rơi đạn nổ vẫn cất cao "tiếng hát át tiếng bom" phục vụ các chiến sỹ bộ đội, thương binh. Đất nước thống nhất, những đôi chân không biết mệt mỏi ấy lại tiếp tục vượt núi băng rừng mang ánh sáng của Đảng, Bác Hồ đến với nhân dân các dân tộc trong tỉnh qua các chương trình phục vụ của các đội thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động, Đoàn Nghệ thuật dân tộc góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá - nghệ thuật của nhân dân. Đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…

* Giai đoạn 1976 - 1991Đây là giai đoạn sát nhập 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Nghĩa Lộ thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn và lấy Thị xã Lào Cai làm tỉnh lỵ, Ty Văn hóa Thông tin được thành lập. Trong những năm sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, ngành VHTT đã khắc phục bao khó khăn, xây dựng đời sống văn hóa ở vùng biên cương Tổ quốc.

* Giai đoạn 1991 đến nay:

Ngày 12/8/1991 Quốc hội có Nghị quyết chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Nhiều người dân Lào Cai đều phấn khởi đón chờ tin vui. Các cán bộ công chức ngành Văn hoá - Thể thao hồ hởi trong niềm vui trở lại quê nhà. Nhưng thực sự những ngày đầu, năm đầu chia tách tỉnh là những ngày cực kỳ khó khăn, gian khổ. Toàn sở Văn hoá - Thể thao chỉ có hơn 60 cán bộ, nhân viên, đông nhất là Đoàn Nghệ thuật. Còn Bảo tàng tỉnh chỉ có 2 người, Thư viện tỉnh có 4 người. Hầu hết các cán bộ chuyên môn như âm nhạc, biên đạo, huấn luyện viên, họa sĩ…đều còn thiếu. Sở phải chia nhiều bộ phận ở rải rác khu Tằng Lỏng, Bảo Thắng, Phố Lu. Thư viện tỉnh ở nhờ CLB Văn hoá Mỏ Apatite, Đoàn Nghệ thuật ở khu Thị ủy (Cam Đường), còn các cán bộ của Trung tâm Văn hoá, Bảo tàng, Thể thao đều quây quần với Sở trong hơn chục gian nhà tóc-xi ven suối Chát. Đội ngũ cán bộ của bộ máy còn thiếu, hầu hết các đơn vị sự nghiệp chưa ra đời nhưng ngành Văn hoá - Thể thao đã phải gồng mình lên liên tiếp tổ chức các sự kiện lớn như tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Tỉnh, Hội khoẻ Phù đổng, phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp. Dù trong gian khó nhưng cán bộ ngành VHTT vẫn ấm sáng niềm tin về tương lai của ngành sẽ phát triển nhanh. Đặc biệt ngành VHTT còn tự hào về truyền thống chung trong mái nhà Hoàng Liên Sơn, nhiều sáng kiến của ngành được tổ chức ở Lào Cai đã trở thành sáng kiến chung của Bộ, của toàn quốc như “Ngày văn hoá, thể thao các dân tộc”, “Chợ văn hoá”, “Tiếng hát quân dân một ý chí”…

Từ trong gian khó Lào Cai như vụt đứng lên trở thành điểm sáng vùng biên giới. Kinh tế - xã hội phát triển đã tạo đà thuận lợi cho văn hoá, thể thao, du lịch khởi sắc. Nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Lào Cai, nhằm tăng cường giáo dục truyền thống, tỉnh Lào Cai liên tiếp tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao có quy mô lớn, hoành tráng như “Đón chào thiên niên kỷ”, “100 năm du lịch Sa Pa”, “Lào Cai lên thành phố”, “Du lịch cội nguồn”, “100 năm thành lập tỉnh Lào Cai”…Hầu như năm nào Lào Cai cũng tổ chức sự kiện quan trọng. Các tỉnh khi tổ chức sự kiện thì đều thuê các công ty tổ chức sự kiện, các nhà viết kịch, các đạo diễn nổi tiếng đến dàn dựng và tổ chức. Nhưng điểm nổi bật ở Lào Cai là ngành VHTT đều “tự lực cánh sinh”, tự nghiên cứu, tự tìm tòi tổ chức các sự kiện mang đậm bản sắc Lào Cai. Các sự kiện lịch sử văn hoá được tổ chức đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành các cấp. Đồng thời cũng đòi hỏi sự sáng tạo, tập rèn của lực lượng văn nghệ, thể thao chuyên nghiệp và không chuyên. Tổ chức các sự kiện thành công là gửi những thông điệp về một điểm sáng Lào Cai ở vùng biên giới với nhân dân cả nước. Tổ chức các sự kiện du lịch thành công còn góp phần quảng bá thu hút khách du lịch. Sau lễ kỷ niệm 100 năm du lịch Sa Pa và lễ hội Đền Thượng, du khách lên Lào Cai, Sa Pa đã tăng lên 1,5 lần. Vì vậy, tổ chức các sự kiện thành công cũng đánh dấu sự trưởng thành của ngành Văn hoá - Thể thao  Lào Cai.

Trong điều kiện mở cửa và hội nhập, ngành VHTTDL Lào Cai đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp, đẩy mạnh liên kết xây dựng và phát triển sự nghiệp toàn ngành. Hơn 10 năm qua, mô hình hoạt động của ngành có nhiều biến đổi nhưng đã định hình là mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Khi mới thành lập Sở Văn hoá Thông tin Thể thao có 2 bộ máy của ngành văn hoá và thể thao. Ngày 1/1/2005 Sở Thể thao được thành lập. Nhưng đến ngày 1/4/2008 Sở Văn hoá Thông tin, Sở TDTT, bộ phận du lịch của Sở Thương mại Du lịch, bộ phận gia đình của Ủy ban Dân số và Gia đình đã hợp nhất về với mái nhà chung là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai. Bộ máy quản lý đa ngành ra đời càng tạo sức mạnh tổng hợp phát triển toàn ngành. Sức mạnh của ngành càng được nhân lên gấp bội khi từ năm 2008, thực hiện chủ trương hợp nhất đa ngành, đa lĩnh vực, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lào Cai ra đời.

Sau chặng đường 20 năm, thật tự hào khi nhìn lại những thành quả ngày hôm nay. Đội ngũ cán bộ của ngành đã có sự gia tăng vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Nếu như ngày đầu tái lập, toàn ngành mới chỉ có gần 60 CBNV trong đó có hơn chục người có trình độ đại học thì đến nay ngành VHTTDL có 513 cán bộ; trong đó các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở đã có 292 công chức viên chức; có 01 tiến sĩ, 06 thạc sĩ, 164 người có trình độ đại học, 42 người là cán bộ dân tộc thiểu số. Hiện tại ngành đang cử đi đào tạo 01 tiến sĩ, 05 thạc sĩ ở trong nước và nước ngoài; có 3 cán bộ đang theo học chương trình ngoại ngữ do quỹ Ford tài trợ. Đặc biệt trong đợt thi cao học năm 2011 Sở đã có 3 cán bộ trúng tuyển, trong đó có Vũ Thị Trang đã đỗ thủ khoa trong số 435 thí sinh dự thi trong toàn quốc.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở hạ tầng du lịch cũng từng bước được đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh Lào Cai hiện nay đã có trên 930 nhà văn hóa thôn bản, xã, phường. Công trình Nhà thi đấu đa năng hiện đại cũng sắp đưa vào sử dụng. Trung tâm Thông tin du lịch Lào Cai được đặt tại một vị trí rất đẹp ở thị trấn Sa Pa. Trong tương lai, khu liên hợp văn hóa thể thao hiện đại, quy mô lớn được hình thành tại TP Lào Cai sẽ là một trong những điểm sáng….

Đầu tư cho sáng tạo, nhiều sáng kiến được đưa ra và phát huy hiệu quả như: Lễ hội Đền Thượng, Dạ hội đêm giao thừa, chương trình “biến di sản thành tài sản”…đã làm nên dấu ấn nổi bật của Văn hóa Lào Cai trong những năm qua. Văn hóa Lào Cai in đậm dấu ấn truyền thống vùng biên trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Khi mới tái lập, Lào Cai còn thua xa các tỉnh khác về phong trào văn hóa văn nghệ. Giờ đây, toàn tỉnh đã có trên 600 đội văn nghệ thôn bản, phong trào văn nghệ cơ sở hoạt động sôi nổi; Đoàn Nghệ thuật Dân tộc là một trong những đoàn nghệ thuật đứng đầu các tỉnh; được mời tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn như: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Festival văn hóa du lịch quốc tế Côn Minh Trung Quốc…; tại các liên hoan, hội diễn cũng đạt nhiều thành tích cao như 2 huy chương vàng, 5 huy chương bạc tại Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc 3 nước Việt Nam, Lào, Căm Pu Chia mới đây. Bước vào thiên niên kỷ mới, gắn với du lịch, xây dựng nông thôn mới, văn hoá Lào Cai cũng góp phần xoá đói giảm nghèo với hàng loạt các chương trình hiệu quả như chương trình “Biến di sản thành tài sản”, “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có loại đặc sản trở thành hàng hoá”. Di sản văn hóa trước đây chỉ là mảng hồn của các dân tộc sống thường ngày với người dân ở cộng đồng, nhưng giờ đây đã được “đánh thức” trở thành tài sản. Một số loại đặc sản nổi tiếng đã có thương hiệu như gạo Séng Cù Mường Khương, su su Sa Pa, tương ớt Mường Khương, rượu Bắc Hà…Nhiều đặc sản khác đã có tiếng vang và quảng bá qua hệ thống thông tin đại chúng và tuyên truyền dân gian như rượu Sán Lùng, thổ cẩm Tả Phìn,  thổ cẩm của người Tày ở Khánh Yên Văn Bàn, thuốc tắm Sa Pa…Ngoài ra, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống như rèn đúc, thổ cẩm, sản phẩm thêu, chạm khắc bạc, ẩm thực…cũng được đánh thức và phát triển.

            Thể thao Lào Cai thời kỳ đầu mới tái lập chỉ dám mơ ước có 1 tấm huy chương vàng tại các giải đấu mang tầm quốc gia thì giờ đây nhờ có sự lựa chọn đầu tư các môn thế mạnh đúng đắn, chiến lược phát triển phù hợp, Lào Cai đã có huy chương vàng tại các giải vô địch quốc gia, đại hội TDTT, các giải châu lục và thế giới. Hàng năm đều vượt chỉ tiêu huy chương đề ra. Đại hội TDTT lần thứ 6 năm 2010 đã có 4 HCV, 6 HCB và 5 HCĐ (gấp 4 lần Đại hội lần thứ 5 năm 2006). Những cái tên như Bùi Bích Ngọc – huy chương vàng giải Teakwondo trẻ thế giới, Hoàng Thị Vân – huy chương vàng giải boxing châu Á mở rộng, Lê Trung Kiên – Huy chương vàng giải vô địch Wushu trẻ thế giới, Lừu Thị Duyên – huy chương bạc giải vô địch boxing nữ trẻ thế giới…là những cái tên góp phần làm rạng rỡ thêm niềm tự hào thể thao Lào Cai. Đặc biệt Seagames 26 này tại Indonexia VĐV Lừu Thị Duyên của Lào Cai đã được gọi vào đội tuyển quốc gia môn Boxing.

            Thời kỳ trước khi tái lập, du lịch Lào Cai chỉ mang tính tự phát, cơ sở vật chất hầu như chưa có. Từ sau năm 1992 ngành du lịch được thành lập, du lịch Lào Cai bắt đầu có những bước phát triển mang tính đột phá, đặc biệt từ giai đoạn 2001 đến nay. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khách đạt trên 11%. Cả năm 1992, Lào Cai mới đón 8.000 lượt khách, nhưng chỉ tính riêng 9 tháng năm 2011 đã đón khoảng 815.970 lượt (tăng 10,2 lần). Du lịch Lào Cai đặc biệt đẩy mạnh liên kết. Từ một trong những mô hình liên kết đầu tiên của du lịch bước đầu đạt hiệu quả là “Du lịch cội nguồn” 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ ngành đã xây dựng mô hình liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tạo thành tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”. Mô hình liên kết 8 tỉnh khác với nhiều mô hình khác là không chỉ dừng lại ở tiếng trống khai mạc liên kết mà còn xây dựng thành cơ chế phối hợp vận hành hiệu quả. Lào Cai trở thành trưởng nhóm điều phối. Chương trình liên kết được sự giúp đỡ của tổ chức SNV đã mở nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho nhiều tỉnh. Đặc biệt 8 tỉnh còn phối hợp nghiên cứu các mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng các tour, tuyến, điểm và sản phẩm du lịch cũng như phối hợp quảng bá du lịch. Nhằm đẩy mạnh liên kết với quốc tế ngành đã xây dựng và ký kết chương trình hợp tác với các cục du lịch, văn hoá, thể thao của Châu Hồng Hà Vân Nam Trung Quốc. Liên kết tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch đối ngoại ngày càng mở rộng cả về quy mô và hình thức. Ngày hội Báo Xuân các nhà thơ, nhà báo Vân Nam cùng đọc thơ, cùng triển lãm báo Xuân bên dòng sông Hồng, sông Nậm Thi hữu nghị. Chương trình “Một điểm đến hai quốc gia”, “Một điểm đến ba di sản ruộng bậc thang” theo sáng kiến của Sở VHTTDL Lào Cai đang bước đầu thu hút sự hưởng ứng hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Trong 20 năm qua, những thành tích mà ngành VHTTDL đạt được đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng 2 huân chương lao động hạng nhì và hạng 3 cho Sở, 2 huân chương lao động hạng nhì và ba cho các đơn vị, 8 huân chương LĐ hạng ba cho các cá nhân. Nhiều năm liền ngành được tặng cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ và bộ VHTTDL.







Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập