Trước đây, người Dao, người Mông ở Sa Pa đều tự dệt lấy quần áo bằng những sợi lanh trên rừng. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống được giữ gìn và lưu truyền qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ trong gia đình. Các bé gái lên 7, lên 8 đã biết tước lanh thoăn thoắt. Khi mẹ bận, cô con gái nhỏ có thể ngồi vào khung cửi thay mẹ. Trong làng, trong bản lúc nào cũng lách cách tiếng thoi đưa. Đôi bàn tay của những người phụ nữ Mông, Dao đảm đang lúc nào cũng xanh ngắt vì nhuộm chàm. Ðối với người dân tộc vùng cao, thổ cẩm không chỉ để dùng trang trí, tô điểm thêm cho sắc đẹp mà còn là vật kỷ niệm của tình yêu, là món quà cưới không thể thiếu trong ngày vui của các đôi trai gái. Trai bản chọn vợ cũng chọn những cô gái biết thuê thùa khéo léo. Người con gái trước khi đi lấy chồng phải tự dệt, thêu đủ cho mình một bộ chăn, gối, quần áo thổ cẩm.
Thế nhưng đến đầu thập kỷ 90, nhiều gia đình, thôn bản ở Sa Pa đã cất khung cửi vì quần áo dệt may công nghiệp đã phổ biến, được bày bán khắp chợ cùng quê mà giá cả lại phải chăng, màu sắc đa dạng. Nghề dệt thổ cẩm đã gần như bị mai một.
Cho đến năm 1998, khi những du khách nước ngoài đến Sa Pa và thích thú với những món hàng thổ cẩm ngày một nhiều, thì nghề dệt thổ cẩm mới bắt đầu hồi sinh. �z bản Tả Phìn, với sự giúp đỡ của UBND huyện Sa Pa, một CLB dệt thổ cẩm được thành lập. CLB do Hội phụ nữ phụ trách, thu hút rất đông chị em trong bản tham gia. Sản phẩm làm ra ngày càng đắt hàng. Nhiều người dưới chợ thị trấn lên tận đây để lấy hàng xuống bán. Nhiều du khách tìm đến tận bản, vừa để tham quan, vừa tự tay lựa chọn những món hàng ưng ý. Nghề dệt thổ cẩm hồi sinh từ bản Tả Pìn đã lan rộng khắp các thôn, bản của người Dao, người Mông trong vùng.
Thổ cẩm Sa Pa hôm nay không còn mộc mạc thô sơ như ngày nào, mà đã được cách điệu hoa văn để ứng dụng vào nhiều sản phẩm như tranh, áo
gối, khăn, hài, túi xách, ví cầm tay, túi đựng điện thoại di động… với đủ sắc màu rực rỡ. Điểm đặc biệt quyến rũ du khách là chỉ từ các loại hình học cổ, bàn tay tài hoa của các chị em người Mông, người Dao đã khéo léo kết hợp tạo thành những hoạ tiết, hoa văn tinh tế, phong phú muôn hình muôn vẻ.
Các sản phẩm hàng hoá làm ra ở đây được "xuất khẩu tại chỗ" bằng cách bán trực tiếp cho du khách nước ngoài. Dọc các con phố nhỏ của Sa Pa có rất nhiều quầy hàng thổ cẩm. Trong chợ thị trấn, hàng thổ cẩm được bày bán trên toàn bộ tầng 2. Không chỉ thế, nghề dệt, thêu thổ cẩm đã theo chân các bà, các chị, các cô xuống phố. Đi dọc vỉa hè phố Cầu Mây, các bà, các chị vừa bày hàng bán vừa thêu thùa. Bên hiên các khách sạn lớn, các cô gái người Dao kiêm hướng dẫn viên du lịch vừa đứng chờ khách, vừa đưa kim thoăn thoắt.
Ngày nay, thổ cẩm đã trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu cho du khách mỗi lần đặt chân đến Sa Pa. Tiếng tăm thổ cẩm Tả Pìn còn vang xa qua những lần triển lãm ở các hội chợ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Thổ cẩm Tả Phìn còn được xuất khẩu sang cả các thị trường ngoài nước như Mỹ, Pháp, Ðan Mạch... Từ sản phẩm hàng hoá, những chiếc khăn, vòng đeo, áo gối…của người Dao, người Mông đã trở thành một biểu tượng văn hoá độc đáo của Sa Pa dành tặng du khách bốn phương.